Đường dẫn truy cập

Nghịch lý: Ký sinh khinh… vật chủ!


Một nam biên tập viên của VTV gọi người bán rong là "ký sinh trùng" trong một bản tin sáng 17/8/2020.
Một nam biên tập viên của VTV gọi người bán rong là "ký sinh trùng" trong một bản tin sáng 17/8/2020.

Trân Văn

Việc một Biên tập viên (BTV) của Đài Truyền hình Quốc gia tại Việt Nam (VTV) gọi những người bán hàng rong ở TP.HCM là… ký sinh trùng đã khuấy động dư luận suốt từ đầu tuần tới nay…

Sau những chỉ trích nhắm vào cá nhân BTV, công chúng đã bình tâm hơn và đòi VTV phải nhận trách nhiệm. Ba ngày sau, Ban Biên tập Chương trình – không rõ là Ban Biên tập chương trình Bản tin Tài chính Kinh doanh hay cấp cao hơn là Ban Biên tập chương trình của Ban Thời sự – ngỏ lời xin lỗi “những người bán hàng rong và quý vị khán giả” (1). Còn VTV? Dường như cơ quan này không xem đó là lỗi của chính mình nên các viên chức lãnh đạo VTV không thèm nói gì!

Đáng lưu ý, ngoài trách nhiệm của cá nhân BTV ví von những người bán hàng rong ở TP.HCM là… ký sinh trùng và VTV, khá nhiều người đã xem scandal vừa kể là hậu quả tất nhiên do đặc điểm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam…

Chẳng hạn Chau Doan. Chau không tin BTV và xướng ngôn viên thốt ra những lời thất thố có tư tưởng miệt thị giới bán hàng rong. Theo Chau, scandal xảy ra chỉ vì thiếu kiến thức nên dùng từ sai một cách nghiêm trọng thôi

Giống như nhiều người khác đã lên tiếng ngay sau khi VTV gây ra scandal, Chau khẳng định, giới bán hàng rong là những người lao động chân chính, nhờ họ, sinh hoạt của các thị dân thuận lợi hơn. Chau nhấn mạnh, giới bán hàng rong không sống nhờ, không dựa vào sức lao động của người khác. Ký sinh trùng chính là những tham quan vừa hô khẩu hiệu vì dân vì nước nhưng hợp đồng nào cũng cắn một miếng, thủ tục nào cũng phải có phong bì không nặng thì nhẹ, dự án nào cũng có phần (2).

Ngoài yếu tố hiểu biết hạn chế về Việt ngữ, Hậu Kc Nguyễn là một trong những người từ scandal “bán hàng rong = ký sinh trùng” bàn về việc sử dụng Việt ngữ của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông tại Việt Nam. Ví dụ việc dùng hai chữ THU GOM khi đề cập đến CON NGƯỜI. Hậu Kc Nguyễn đề nghị các cơ quan hữu trách và báo chí nên chấm dứt sử dụng THU GOM trên CON NGƯỜI vì không nhân văn và thể hiện thái độ không tôn trọng con người (2).

Phạm Trần Hải – thân hữu của Hậu Kc Nguyễn – dẫn ra một ví dụ nhằm giúp lý giải tường tận hơn về yếu tố phi nhân và rẻ rúng đồng loại khi các viên chức hữu trách tại Việt Nam đã cũng như đang sử dụng rộng rãi hai chữ THU GOM đối với những cá nhân yếu thế: Anh em ở Sở Tài nguyên - Môi trường (cơ quan quản lý cả thu dọn rác, phân,… của một địa phương) hay xài cụm từ chuyên môn “thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại”...

Nhìn một cách tổng quát, scandal “bán hàng rong = ký sinh trùng” đã trở thành dịp để nhiều công dân Việt Nam nhận ra, họ đóng góp đủ thứ để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có đủ nguồn lực cần thiết trong việc quản trị quốc gia, điều hành xã hội nhưng những hệ thống này không những không cảm kích vì được phụ thuộc mà còn hết sức trịch thượng cả trong nhận thức lẫn hành xử, thậm chí không ngần ngại bày tỏ sự khinh miệt vật chủ của mình qua cách sử dụng từ ngữ…

Pham Doan Trang là một trong những người thử liệt kê một số từ biểu hiện sự khinh miệt đồng bào. Trang cho biết cô từng bật cười khi nghe Điều tra viên của Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an dọa BÀN GIAO cô cho nơi khác. Trang kể, Điều tra viên này hết sức ngạc nhiên khi Trang vặn hỏi: Sao lại BÀN GIAO? Tôi là con người chứ đâu phải đồ vật? Theo Trang, sở dĩ Điều tra viên ấy ngạc nhiên khi cô cười và thắc mắc về việc dùng hai chữ BÀN GIAO với con người vì trước nay, ngành công an vẫn nhìn con người như thế!..

Trang cho rằng, gốc rễ của vấn đề là não trạng không tôn trọng nhân quyền, xem thường công dân. Muốn thay đổi tình trạng sử dụng những từ ngữ thể hiện rõ ràng yếu tố phi nhân, khinh miệt đồng loại, vốn là vật chủ của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì tầng lớp cai trị và những người tưởng mình ở địa vị cai trị hay tinh hoa (như VTV) phải thay đổi tư duy, triết lý hành xử với dân. Nếu không, không có vụ “bán hàng rong = ký sinh trùng” này thì cũng sẽ lại có vụ khác mà thôi (5).

Từ nhận định của Trang, Quyen Thuc góp thêm: Sự lộng ngôn của các viên chức hữu trách là hệ quả tất yếu của hách dịch, coi thường dân. Còn Luke Nguyen nhấn mạnh: Triết lý cai trị của những người cộng sản không hướng tới phục vụ con người và xã hội.

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/vtv-xin-loi-vi-noi-nguoi-ban-hang-rong-la-song-ki-sinh-trung-20200819091258789.htm

(2) https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/10158448676288965

(3) https://www.facebook.com/haukhaoco/posts/3863228367025989

(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=673902443560381&set=a.102710577346240&type=3&theater

(5) https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10158926456643322

  • 16x9 Image

    Thiên Hạ Luận

    Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

    Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi...

    Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên - tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm - của một tiến trình.

    Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

    Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG