Trân Văn
“Công lý” lại trở thành một trong những chủ đề nóng trên mạng xã hội sau khi Tòa án tỉnh Nghệ An đưa vụ án “Lê Thị Dung lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ra xét xử theo trình tự phúc thẩm và điều chỉnh hình phạt mà Tòa án huyện Hưng Nguyên đã tuyên (năm năm tù) thành 15 tháng tù.
Chuyện bà Dung – 52 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Giáo dục thường xuyên (TT GDNN GDTX) huyện Hưng Nguyên – bị khởi tố, rồi bị truy tố và bị phạt tù đã khuấy động dư luận trong vài tháng vừa qua. Sau mạng xã hội tới lượt các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức nhập cuộc.
Những cơ quan truyền thông này đã giới thiệu nhận định của một số chuyên gia về bản án sơ thẩm. Chẳng hạn ông Vũ Văn Tính - Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia. Ông Tính cho biết, sau khi nghiên cứu cáo trạng vụ Lê Thị Dung “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, ông thấy Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm đã “áp dụng pháp luật sai, mức án thiếu nhân văn”. Tương tự, một thẩm phán của Tòa Hình sự Tòa án TP.HCM bảo rằng: Tòa án huyện Hưng Nguyên đã áp dụng sai một nghị quyết mà Tòa án Tối cao đã ban hành để hướng dẫn xét xử nên “quyết định hình phạt không đúng, dẫn đến phán quyết thiếu nhân văn, không phù hợp với mức độ và hành vi phạm tội” (1).
Cho dù HĐXX phúc thẩm mới quyết định giảm cho bà Dung 45 tháng tù nhưng không chỉ công chúng mà giới hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và thực thi pháp luật cũng cảm thấy bản án chung thẩm không phải là công lý (2). Tại sao Tòa án của Cộng hòa XHCN Việt Nam nhân danh công lý đưa ra phán quyết mà lại xảy ra tình trạng này?
***
Ông Lê Ngọc Luân – một trong những luật sư tham gia bào chữa cho bà Dung ở phiên xử phúc thẩm – tâm sự trên mạng xã hội: Lần đầu tiên trong đời luật sư tôi gặp trường hợp sau khi xử, toà án phát hành “Thông cáo báo chí”, trong đó, Tòa cho rằng “có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” (3).
Dẫn lại một số tình tiết trong vụ án liên quan đến bà Dung vốn đã từng được công chúng nhận định đó là sử dụng hệ thống bảo vệ - thực thi pháp luật để trả thù người tố cáo sai phạm và gọi phiên xử sơ thẩm là LƯU MANH, ông Đoàn Bảo Châu bình: Tôi tin phiên xử phúc thẩm vừa diễn ra là một phiên xử RÁCH NÁT. Muốn xoa dịu dư luận, hạ nhiệt bức xúc nhưng không đủ dũng cảm và phục thiện để tuyên bố bà Dung vô tội bởi làm như thế thì phải đền tiền cho thời gian người vô tội phải ngồi tù oan nên đành vá víu tạm bợ. Đấu tranh, ủng hộ cô giáo Dung chính là chúng ta đang đấu tranh, bảo vệ chính mình trước một nền tư pháp nham nhở, rất không đáng tin cậy ở Nghệ An (4).
Bà Phạm Cầm Thu kể: Tôi đã dành thời gian nghe trọn sáu file ghi âm lời bào chữa của sáu vị luật sư cho cô giáo Lê Thị Dung tại phiên xử phúc thẩm. Cảm giác thật bàng hoàng! Hơn cả sự oan khuất của cô giáo Lê Thị Dung là cái gì đó khủng khiếp mà tôi không đủ ngôn từ để diễn tả. Tôi khóc, cũng như nhiều thầy cô giáo khác là những đồng nghiệp của cô giáo Dung đã khóc ngay tại phòng xử. Lời bào chữa của sáu vị luật sư bộc lộ điều gì đó rất nghiêm trọng không phải chỉ riêng cho vụ án cô giáo Dung mà cho cả nền tư pháp ở một huyện, một tỉnh, hay rộng hơn, cho một quốc gia. Nghiêm trọng trong những vấn đề pháp luật liên quan đến số phận một con người (5).
Đó cũng là lý do có rất nhiều người suy nghĩ như Trần Quốc Quân: Cô giáo Dung được thả sau 15 ngày nữa với án 15 tháng tù, bằng mức án được tuyên. Án được tuyên bằng với số ngày cô ngồi tù. OK rồi nhưng AQ vẫn muốn đấu tranh tiếp để tòa phải tuyên cô vô tội và bồi thường về thể chất và tinh thần tương ứng với số ngày cô ngồi tù oan (6).
***
Công lý như là... gì đó không chỉ với trường hợp của bà Lê Thị Dung. Cộng đồng quốc tế đang tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về việc Việt Nam bắt giam thêm bà Hoàng Thị Minh Hồng (7), bà Hồng là người thứ sáu trong số các nhân vật tham gia vào những hoạt động nhằm vận động người Việt hành động vì môi trường.
Thiên hạ không thể hiểu nổi tại sao chính quyền Việt Nam vừa cam kết với họ rằng, chính quyền Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động vì môi trường tại Việt Nam tham gia vào việc hoạch định chính sách liên quan đến môi trường để chính quyền Việt Nam được nhận tài trợ từ chương trình “Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)”, vừa tống giam những cá nhân đứng đầu các NGO vì... “trốn thuế” nhằm vô hiệu hóa những NGO này?!.
Không chỉ cố gắng... “giáo dục” dân chúng Việt Nam rằng tại Việt Nam, công lý chỉ như là... gì đó, chính quyền Việt Nam còn cố gắng chứng tỏ với cộng đồng quốc tế, công lý ở Cộng hòa XHCN chỉ như là... gì đó! Bởi công lý chỉ như là... gì đó, chính quyền Việt Nam đang cố gắng gia tăng mức độ thuyết phục thiên hạ cả trong lẫn ngoài Việt Nam rằng họ không nên và cũng đừng mong công lý là công lý qua chuyện thông báo “truy tìm” ba luật sư từng bào chữa cho các bị cáo trong vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” bởi họ phát giác và dám tố cáo công an “vi phạm tố tụng, bao che tội phạm, làm giả chứng cứ” để tống những người vô tội vào tù (9). Nên xem chuyện hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục làm ngơ để công an “truy tìm” ba luật sư, bất chấp cả cộng đồng quốc tế lẫn những tổ chức trong nước như Liên đoàn Luật sư Việt Nam tha thiết “đề nghị xem xét và có đường lối giải quyết vụ việc một cách thận trọng, khách quan theo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật” (10) là bình thường.
Biết làm sao được khi công lý chỉ như là... gì đó!
Chú thích
(7) /a/7138722.html
(8) /a/cac-nha-hoat-dong-cong-dong-bi-bat-giu-ho-la-ai-va-lam-gi-(ky-1)/7137386.html
Diễn đàn