Ngày 13/4/2023, Đường Văn Thái bị bắt cóc và tống lên một chiếc xe bán tải hiệu Mitsubishi màu trắng tại Thái Lan, sau đó một ngày truyền thông Việt Nam đưa tin đã bắt được ông “xâm nhập biên giới trái phép qua đường mòn lối mở” ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Cách nay bốn năm, ngày 26/1/2019 Nhà báo Trương Duy Nhất bị mất tích tại Trung tâm thương mại Future Park, ở Bangkok, Thái Lan. Ngày 28/1/2019 công an Hà Nội đột ngột thông báo đã bắt được ông Nhất tại Đồn công an Phường Dịch Vọng, Hà Nội.
Và 23/7/2017 Trịnh Xuân Thanh bất ngờ bị ấn vào một chiếc xe trên một đại lộ ở thủ đô Berlin, cách không xa Phủ Thủ tướng Đức Quốc. Ngày 31/7/2017, Bộ Công An Việt Nam cho biết nghi can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại trực ban hình sự của cơ quan an ninh tại Hà Nội.
Có thể cho rằng tất cả những nhân vật trên đều là nạn nhân những vụ bắt cóc của công an Việt Nam và đó chỉ là những vụ việc tiêu biểu đã được nhận diện từ thông tin trên truyền thông Việt Nam, còn hàng loạt vụ bắt cóc đã được công chúng đề cập nhưng không được loan báo chính thức khác.
Vậy nguồn gốc và căn cứ pháp lý ở đây là gì và Công pháp Quốc tế đề cập đến vấn đề này ra sao?
Nguồn gốc và căn cứ của sự bắt cóc
Việc bắt cóc người trong lãnh thổ quốc gia khác đã xảy ra từ lâu, không hiếm, đặc biệt là những quốc gia “Chí Phèo” như Triều Tiên nhưng chưa bao giờ nở rộ như giai đoạn từ 2010 cho đến hiện nay.
Sau đại hội 18 của ĐCS Trung Quốc vào năm 2012, Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử với tên gọi “đả hổ, diệt ruồi”, trong đó có phối hợp với các quốc gia trên thế giới để truy lùng tội phạm tham nhũng thông qua chiến dịch “lưới trời” và “săn cáo”.
Tham khảo Tân Hoa Xã, Reuters thống kê, từ 2012 cho đến 2018, Trung Quốc đã bắt giữ 4,141 tội phạm kinh tế từ 90 nước trên khắp hành tinh. Cũng Tân Hoa Xã khoe Trung Quốc đã “đưa được” khoảng 10.000 kẻ đào tẩu về nước.
Ngoài chuyện bắt cóc các tội phạm kinh tế, tham nhũng, Trung Quốc còn “săn” những cá nhân bất đồng chính kiến hoặc vận động cho tự do, dân chủ ở Trung Quốc như vụ bắt cóc Michel Gui tại Thái Lan, hoặc Howard Lam ở Hông Kông.
Giống như “người anh phương Bắc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng mà người Việt thường ví von là “đốt lò”, trong đó cũng có “săn cáo” ở một số nơi.
Tuy nhiên khác với Trung Quốc, tất cả các vụ bắt cóc mà công an Việt Nam thực hiện bên ngoài lãnh thổ đều không phải là truy tìm - cưỡng bức những cá nhân tham nhũng, tội phạm kinh tế về quy án, nạn nhân các vụ bắt cóc, kể cả Trịnh Xuân Thanh (đã bị phạt do tham nhũng) đều nhằm củng cố quyền lực chính trị nên đã gây hệ luỵ rất xấu trong quan hệ quốc tế, kể cả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Trương Duy Nhất và mới đây là Đường Văn Thái.
Phải nói thẳng rằng việc cưỡng bức ai đó , đưa họ từ bên ngoài vào bên trong lãnh thổ để xét xử là vi phạm luật pháp quốc tế .
Ngày 23/10/2010, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một công ước quốc tế về Bảo vệ mọi người không bị mất tích do cưỡng bức” (International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance). Điều 1, khoản 2 của công ước này minh định, không thể viện dẫn bất cứ lý do nào để biện minh cho việc bắt cóc hoặc thủ tiêu. Điều 3 của công ước này còn yêu cầu các quốc gia điều tra và đưa những người, những nhóm đã tiến hành bắt cóc ra trước công lý.
Tuy không thừa nhận đã bắt cóc nhưng do tin điều đã làm là… chính đáng, nên một số cá nhân có liên quan đến hoạt động bắt cóc do chính quyền Việt Nam thực hiện đã khoe chuyện được Nhà nước vinh danh bởi đưa Trịnh Xuân Thanh về nước - ít nhất đã có 12 chiến sỹ được tặng huân chương chiến công nhất, nhì và ba vì “có thành tích xuất sắc tham gia kế hoạch VT17”.
Vậy chẳng lẽ cứ tội phạm trốn ra nước ngoài thì không thể đưa về được hay sao?
Dẫn độ và hỗ trợ tư pháp quốc tế
Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia có thể thiết lập Hiệp định tương trợ tư pháp (Mutual Legal Assisstance Treaty – MLAT). Đa số MLAT là song phương nhằm hỗ trợ nhau giải quyết các vấn đề về tư pháp cả trong lĩnh vực dân sự lẫn hình sự.
Nội dung chính của các h iệp định tương trợ tư pháp thường xác lập cách thức trợ giúp lẫn nhau trong việc tống đạt giấy tờ đến các đương sự, ủy thác điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ, chuyển giao đồ vật, tài sản, dẫn độ công dân, công nhận và thi hành các bản án của nhau.
Cho đến cuối năm 2022, Việt Nam đã ký kết hơn 60 điều ước quốc tế và 25 hiệp định tương trợ tư pháp hình sự đang có hiệu lực thi hành trong khi Mỹ có 19 hiệp định tương trợ tư pháp đang có hiệu lực. Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nào với Thái Lan nhưng các quốc gia trong ASEAN có một điều ước về tương trợ tư pháp hình sự.
Theo Luật tương trợ tư pháp của Việt Nam (số 08/2007/QH12) thì nguyên tắc tương trợ tư pháp phải “được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi ”.
Trong trường hợp chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì phải hoạt động trên nguyên tắc “có đi có lại”, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.
Xét trên bề nổi và căn cứ vào công pháp quốc tế thì rõ ràng vụ bắt cóc Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái tại Thái Lan là vi phạm chủ quyền, quyền toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan. Sự việc tương tự cũng đã xảy ra với Trịnh Xuân Thanh tại Đức và đó là lý do Toà án Đức đã bắt các nghi phạm đem ra xét xử. Đã sáu năm nhưng chính phủ Đức và một số quốc gia ở châu Âu như Slovakia vẫn đang tiếp tục điều tra và truy nã những tội phạm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, xâm hại chủ quyền của họ.
Bởi vậy, không thể loại trừ khả năng Thái Lan cũng điều tra và đem những kẻ bắt cóc Đường Văn Thái ra xét xử như vụ Trịnh Xuân Thanh. Dựa trên những gì đã biết, có hai tình huống có thể xảy ra từ phía Thái Lan:
Thứ nhất: Nếu Việt Nam đã thông báo và Thái Lan xem Đường Văn Thái chỉ là một tội phạm hình sự, họ có thể bắt giữ và trao cho phía Việt Nam. Điều đó có thể giúp Thái Lan nhận lại những công dân Thái đang ẩn náu tại Việt Nam vì chống chính quyền Thái hiện tại theo phương thức “có qua có lại”.
Thứ hai là phía Việt Nam chủ động bắt cóc, thực hiện một chuyên án giống như “Kế hoạch VT17” với Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017. Mật vụ của Việt Nam “bí mật” theo dõi và thực thi hoạt động tội phạm ngay trên lãnh thổ Thái Lan, cưỡng bức Đường Văn Thái về Việt Nam, rồi lu loa về việc Thái “xâm nhập trái phép”. Ông sẽ chỉ bị phạt hành chính về hành vi này nhưng sau đó sẽ bị khởi tố, truy tố và xét xử bởi một điều khoản khác trong chương các tội phạm về an ninh quốc gia của Bộ Luật hình sự.
Tình huống này sát diễn biến thực tế vì cảnh sát Thái Lan từng bảo với báo chí Thái Lan rằng họ đã liên lạc với Việt Nam để yêu cầu cung cấp thông tin nhưng Việt Nam “chưa trả lời” và sau khi loan báo Đường Văn Thái bị bắt vì “xâm nhập trái phép”, cảnh sát Thái Lan thắc mắc Việt Nam không nói gì thêm về Đường Văn Thái, kể cả công bố quyết định định khởi tố.
Hệ luỵ của việc bắt cóc và can thiệp nội bộ
Việc Trương Duy Nhất và nay là Đường Văn Thái bị bắt cóc đã tạo nên tiền lệ nguy hiểm.
Hiện nay đang có rất nhiều người vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam bị truy bức đến mức phải đào thoát sang Thái và tạm cư tại đó để chờ được cứu xét tị nạn ở nước thứ ba. Họ có nguy cơ đột nhiên “mất tích” rồi xuất hiện trong một nhà tù ở Việt Nam và không thể biết họ là nạn nhân của một vụ “bắt cóc ” hay là kết quả từ, rất có thể, sự “tương trợ ngầm” theo kiểu “có đi có lại” giữa hai chính quyền Việt – Thái?
Vấn đề bây giờ là các tổ chức nhân quyền và các cá nhân đang tạm cư chờ tị nạn tại Thái Lan phản đối mạnh mẽ đến mức nào, có theo sát - thúc đẩy lời hứa sẽ điều tra của cảnh sát Thái Lan về những trường hợp như từng xảy ra đối với Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái đồng thời yêu cầu công khai kết quả điều tra để xác định sự thực thế nào?
Chỉ khi hai sự kiện này được bạch hóa và công chúng được biết chính xác, những người đã “mất tích” là nạn nhân của riêng chính quyền Việt Nam hay là nạn nhân của sự hợp tác ngấm ngầm trái với luật pháp quốc tế giữa Việt Nam hay Thái Lan để triệt hạ các tiếng nói từ nước này “chống lại” nước kia như đã khẳng định trong tuyên bố chung Việt-Thái thì mới có các hành động tiếp theo.
Như chúng ta cũng đã biết, gần đây đài VOA đã phát đi một phóng sự đăc biệt về việc chính quyền Nga mượn tay Việt Nam đàn áp kiều dân phản đối chiến tranh tại Ukraine. Mặc dù Việt Nam đã bác bỏ nhận định đó nhưng các nhân chứng trưc tiếp vẫn đang hiện diện và những nghi vấn vẫn tiếp tục được củng cố. Trong quá trình trao đổi thì đại diện phía Viêt Nam đều khẳng định sẽ không cho bất cứ cá nhân nào “sử dụng Việt Nam” để chống lại nước khác (chống lại Nga).
Cùng với việc khi Australia phát hành đồng tiền xu có hình quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà, Việt Nam lên tiếng phản đối, đồng thời yêu cầu “dừng lưu hành”. Đây có lẽ là bước leo thang mới về việc các quốc gia can thiệp vào nội bộ của nhau và không loại trừ sẽ có những nạn nhân mới nếu chúng ta không lên tiếng mạnh mẽ đòi bạch hoá.
Diễn đàn