Đường dẫn truy cập

Việc thiết lập 'vùng cấm bay' trên bầu trời Libya


Lực lượng của ông Gadhafi thực hiện các cuộc không kích ở thị trấn Ras Lanuf
Lực lượng của ông Gadhafi thực hiện các cuộc không kích ở thị trấn Ras Lanuf

Việc thiết lập «vùng cấm bay» trên bầu trời Libya đã được đặt ra 2 tuần lễ trước đây, từ cuối tháng 2-2011. Có nhiều ý kiến tán thành, cũng có ý kiến phân vân, cho đây là vấn đề phức tạp, lại có ý kiến phản đối trong cộng đồng quốc tế. Nội dung của vấn đề, thủ tục ngoại giao quốc tế ra sao, khả năng thực hiện như thế nào, là những vấn đề nóng hổi trong thời sự quốc tế.

Thế nào là thiết lập «vùng cấm bay»? Đó là quy định toàn bộ hay một vùng không phận nào đó của một nước bị phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ, ngăn cấm không cho mọi loại máy bay của đối phương được sử dụng không phận đó nếu không được phép. Nếu đối phương vi phạm thì mọi máy bay xâm phạm «vùng cấm bay» có thể bị bắn hạ hay bị buộc phải hạ cánh. Điều này có nghĩa là các lực lượng thực hiện cuộc phong tỏa phải có lực lượng không quân quan sát và chiến đấu, phần lớn là máy bay tiêm kích, triển khai trên các sân bay bạn hay đồng minh, hay trên hàng không mẫu hạm ở quanh «vùng cấm bay», nhằm thực hiện có hiệu quả mục đích của cuộc phong tỏa. Những cuộc không chiến có thể xảy ra ngay trong vùng hay kế cận «vùng cấm bay».

Lý lẽ để thiết lập «vùng cấm bay» là chính quyền của Gaddafi đã dùng không quân để tàn sát dân thường hàng loạt, phần lớn là nhân dân nổi dậy trên đường phố theo đường lối hòa bình, tay không, không bạo lực. Bằng hành động tàn bạo đối với nhân dân nước mình như thế, chính quyền Gaddafi đã hoàn toàn mất tính chất chính đáng của một chính quyền đúng nghĩa, hợp hiến và hợp pháp, mà trách nhiệm đầu tiên là bảo vệ mọi người dân. Quân đội của Gaddafi, đặc biệt là các đơn vị cảnh sát chống bạo loạn và không quân ném bom vào dân thường là những kẻ sát nhân tàn bạo phạm tội ác đối với nhân dân Libya và nhân loại, cần phải bị trừng phạt.

Ai có quyền đề ra quyết định thiết lập «vùng cấm bay»? Trước hết đó là quyền của nhân dân Libya.

Nhân dân Libya bị Tổng thống Gaddafi khủng bố tàn sát đang tỏ rõ mong muốn kết thúc ngay triều đại Gaddafi tàn bạo. Qua Hội đồng Quôc gia Chuyển tiếp do nguyên Bộ trưởng Tư pháp ly khai làm chủ tịch, nhân dân Libya đã chính thức yêu cầu cộng đồng quốc tế sớm thiết lập «vùng cấm bay» để bảo vệ sinh mạng họ và sớm lật đổ chính quyền Gaddafi.

Ngày 11-3, 22 nước thuộc Liên đoàn A-rập họp ở Cairo đã thống nhất yêu cầu quốc tế thiết lập «vùng cấm bay» trên bầu trời Libya.

Theo tập quán và dư luận quốc tế, trên đây là những điều kiện cần và đủ để các nước thực hiện việc phong tỏa không phận Libya. Lý do vững chắc là đứng trước nguy cơ bị thảm sát hàng loạt của đồng loại thì bất cứ con người, tập thể hay quốc gia nào cũng đều có quyền, trách nhiệm, và bổn phận phải cấp cứu bằng tất cả khả năng của mình.

Vậy có cần có quyết định của LHQ hay của Hội đồng Bảo an LHQ không? Một số nhà luật học Pháp và Mỹ cho rằng không nhất thiết phải có, có thì càng tốt, càng hay, chưa có hay không có cũng không sao. Bởi vì đây là một trường hợp cực kỳ khẩn cấp, sự kêu cứu đến từ cả một khối nhân dân hàng triệu con người đang có nguy cơ bị tàn sát lớn, không thể bàn bạc dây dưa chậm trễ được. Thêm nữa, tại Iraq vào 2 năm 1991 và 1992 và tại Bosnia vào năm 1993 đã có thiết lập «vùng cấm bay » có hiệu quả, đã có một số tiền lệ và kinh nghiệm. Ở vùng trời phía Nam Bosnia hồi ấy, 4 máy bay của Serbia đã bị máy bay tiêm kích của khối Bắc Đại Tây Dương bắn hạ. Năm 1992, khi lập «vùng cấm bay» ở phía Nam Iraq, đã không chờ nghị quyết của LHQ, do tình hình khẩn cấp.

Hiện nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố để ngỏ mọi sự lựa chọn, kể cả các biện pháp quân sự, trong đó có việc thiết lập «vùng cấm bay»; bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang tham khảo các nước đồng minh về việc này. Một số tàu chiến Hoa Kỳ đã được điều sang Trung Đông và sắp vào Địa Trung Hải.

Tromng khi đó các nước thành viên Liên hiệp châu Âu đang bàn gấp chuyện này, Pháp và Anh tỏ ra hăng hái nhất, Đức tỏ ra ít mặn mà, còn Nga thì không tỏ ra tán thành, tuy tổng thống Nga cho rằng «Gaddafi đã chết về chính trị». Còn ở châu Á, Trung Quốc kín đáo, giữ im lặng, thực tế là không tán đồng và tham gia, và có nhiều khả năng bỏ phiếu phủ quyết ở Hội đồng Bảo an, với nguyên tắc «không can thiệp»; còn Nhật Bản đang bối rối về thảm họa động đất và sóng thần.

Pháp, Anh và một số nước khác có ý định đơn phương phong tỏa Libya trong thời gian tới hay không? Đây còn là một cấu hỏi chưa có lời đáp rõ ràng. Các bộ tham mưu Pháp và Anh đang huy động một bộ phận hải lục không quân sẵn sàng chiến đấu cao, di chuyển một số máy bay và tàu chiến xuống phía Nam và vào biển Địa Trung Hải, đồng thời vận động các nước và LHQ.

Lực lượng quân sự của Libya, nhất là không quân không lớn, đáng kể nhất là 25 chiếc máy bay MiG-2, hơn 100 MiG-23 và khoảng 30 máy bay cường kích Su-22, hầu hết là mua từ Liên Xô cũ, gần 30 năm trước, rất lạc hậu về kỹ thuật. Có 7 tiểu đoàn phòng không, trang bị tên lửa đối không, một số radar mua của Liên Xô cũ, chưa hề sử dụng, lại rất cũ.

Các lực lượng này của Gaddafi khó che dấu, khó tồn tại lâu dài nếu bị một số đòn phủ đầu oanh kích dồn dập, vì hiện về quân sự Libya đứng đơn độc, không phối hợp hay hợp đồng tác chiến với nước nào khác. Libya có một số lính đánh thuê người Niger, Sudan được trả lương cao, rất dễ buông súng về nhà, rã ngũ.

Thực hiện «vùng cấm bay» sẽ là sự kết thúc nhanh gọn của triều đại Gaddafi, sự hỗ trợ có ý nghĩa quyết định cho quần chúng Libya nổi dậy giành toàn thắng trong cuộc Cách mạng mùa Xuân 2011 này.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG