Hơn 45 năm qua, cứ mỗi dịp 30 tháng Tư về, điệp khúc “giải phóng miền Nam”, “thống nhất đất nước” và “chiến thắng nguỵ quân ngụy quyền” v.v… được lập đi lập lại trên các kênh truyền thông Việt Nam.
Nhưng, theo một số quan sát, dường như có một sự thay đổi đáng kể từ tháng Tư năm 2021. Bài tường trình trên Đài Á Châu Tự do vào 30 tháng Tư năm 2021 cho rằng Nhà nước Việt Nam không còn tổ chức rầm rộ và bắn pháo hoa như trước đây. Những cụm từ giải phóng, thống nhất, nguỵ quyền v.v… cũng đã giảm dần.
Phải chăng có một sự thay đổi tư duy?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng ‘đây là chủ ý của họ vì dần dần họ phải nhận thức rằng, sự thống nhất đất nước không toàn vẹn, không tốt và thực tế cho tất cả mọi người.’ Trong khi đó, nhạc sĩ Tuấn Khanh biện luận rằng một sự thay đổi tư duy trong hệ thống chính trị Việt Nam là điều rất khó, phải qua một tiến trình xét lại, cho nên hiện tượng năm 2021 là bất thường vì sự mệt mỏi của nhà cầm quyền, nhất là trong giữa đại dịch Covid-19.
Nếu đó chưa phải là sự thay đổi tư duy, phải chăng đang có một sự chuyển đổi trong nhận thức của một số lãnh đạo Việt Nam? Trên thực tế, tuy mật độ tuyên truyền không dầy đặt như trước, Thông Tấn xã Việt Nam vẫn còn sử dụng “Tổng thống nguỵ Dương Văn Minh” trong bài viết nhân ngày 30 tháng Tư năm 2021. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn sử dụng câu từ như “Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn.” Trang tin điện tử Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh cũng lập lại các cụm từ “kháng chiến chống Mỹ”, “giải phóng”, “thống nhất”. Những người viết trên vẫn tuyên truyền rằng đại thắng 30 tháng Tư năm 1975 là “Đỉnh cao chói lọi của sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Mới đây, một bài trên Công an Nhân dân, phổ biến ngày 11 tháng 4 năm nay, lại lên án những nhà hoạt động Việt Nam như Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cầy) v.v… là “kẻ phản bội đất nước, dân tộc để cầu vinh”, là “phá hoại sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” v.v…
Rõ ràng giới lãnh đạo đảng, nhà nước, và chính quyền Việt Nam đều biết rõ những điều nêu trên là giả dối, xảo trá, tuyên truyền. Không những thế, tôi tin rằng tất cả những gì liên quan đến sự kiện 30 tháng Tư được đăng trên các cơ quan truyền thông tại Việt Nam, như trình bày trên, chắc chắn phải được sự chấp thuận của Ban Tuyên huấn nói riêng và dàn lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung.
Vậy thì, kêu gọi hòa hợp hòa giải, đoàn kết yêu nước, “bộ phận dân tộc không thể tách rời”, nhưng cứ tiếp tục chà đạp lên bộ phận này, lên nhân phẩm, lên danh dự, liên tục kể từ 30 tháng Tư năm 1975 cho đến nay, thì nghe có được không? Chưa kể bao nhiêu chính sách thô bạo và dã man đối với bộ phận này để dồn họ vào đường cùng, để họ phải vượt biên vượt biển, với vài trăm nghìn người bỏ mình tại đại dương!
Ai gây ra hận thù chồng chất này, rồi kêu gọi quên đi quá khứ?
Có phải đã đến lúc giới lãnh đạo Việt Nam, nếu còn chút lương tri, nên nhìn thẳng vào sự thật không? 47 năm rồi, đâu phải 2 năm, hay 7 năm. Hai thế hệ đã sinh trưởng trong thời gian này. Những gì xảy ra trong cuộc chiến Việt Nam, cứ cho như là 1955 – 1975 (hay 10 năm trước đó, từ 1945 – 1955, tức cuộc kháng chiến chống Pháp), tất nhiên có nhiều khía cạnh lịch sử và hẳn nhiên vô cùng phức tạp. Mỗi bên tham chiến, từ Việt Nam cho đến quốc tế, và bên trong mỗi bên tham chiến, đều có những cách nhìn và góc nhìn khác nhau. Bởi vì lịch sử là sự viết lại, xây dựng lại, câu chuyện đã xảy ra. Không bao giờ có một sự thật trong lịch sử. Nhưng những sử gia chân chính sẽ dựa trên các sự kiện có thật hoặc đã được kiểm chứng hẳn hoi để từ đó đưa ra những nhận định nhỏ hay lớn, mang tính tình tiết hay bao quát, về các vấn đề nghiên cứu. Người đọc sẽ học hỏi được nhiều hơn khi có điều kiện đối chiếu, từ tác phẩm này đến tác giả khác. Độc quyền lịch sử, do đó, rất phản khoa học, và không ai có quyền làm điều đó. Lịch sử của một dân tộc thuộc quyền của toàn dân tộc đó, không phải của riêng đảng phái, chính quyền hay chế độ nào cả. Nhưng không chỉ thuộc quyền của dân tộc đó, nó còn thuộc quyền của toàn nhân loại, bởi vì người ngoài cuộc vẫn có thể viết sử theo nhãn quan của họ. Khi chiếm độc quyền lịch sử, nó cũng hàm nghĩa độc quyền sự thật. Như thế nó chỉ loại bỏ tất cả những phiên bản khác, những cách nhìn và đánh giá khác, mà có khả năng là gần với sự thật nhất.
Lịch sử được biên soạn và phát hành tại Việt Nam hiện nay đã bị định hướng hoàn toàn, để rồi chỉ còn công nhận vai trò và công lao của Đảng.
Thời gian 47 năm, khoảng một nửa dân số sinh ra sau thời điểm này. Họ có quyền biết sự thật. Người dân miền Bắc đã hy sinh hay cam chịu khổ đau trong suốt cuộc chiến kéo dài gần 20 năm cũng cần biết sự thật. Người dân miền Nam bị bức tử và trù dập cũng cần biết sự thật. Tóm lại, đây là lúc giới cầm quyền Việt Nam hãy thôi tuyên truyền và thật lòng nhìn nhận và chấp nhận rằng mình đã không tôn trọng một số sự thật về cuộc chiến Việt Nam. Có vô số vấn đề, nhưng ít nhất là ba điều căn bản như sau.
Một, nó hoàn toàn không phải là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, chống Mỹ xâm lăng gì cả. Mỹ hoàn toàn không có chủ trương xâm chiếm/lăng gì Việt Nam trong cuộc chiến này. Washington chỉ đổ dồn nguồn lực vào miền Nam Việt Nam chủ yếu để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản sang Đông Nam Á, mà họ tin vào lúc đó, theo thế cờ Domino, sẽ xảy ra như thế. Hiểu rằng chủ trương của Mỹ trong Thế Chiến II là trả lại độc lập và quyền tự quyết của đại đa số, nếu không phải là tất cả, các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước như Ấn Độ, hay cảng lớn như Hồng Kông, về cho quốc gia sở hữu nó. Quan điểm này tất nhiên không được đồng minh thân cận nhất của Mỹ lúc đó tán thành. Winston Churchill, với chủ nghĩa đế quốc vẫn nằm trong tư duy, chưa muốn từ bỏ vai trò của Anh trên bàn cờ chính trị quốc tế. Nhưng lập trường và quyết tâm của Mỹ để xây dựng lại một trật tự mới, dựa trên pháp luật (rules-based international order), kể từ cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, và các tổng thống tiếp theo của Mỹ sau đó, đã phản ảnh điều này. Mỹ trao trả lại chủ quyền cho Nhật, Đức và Ý sau Thế Chiến II, và với Nam Hàn trong cuộc chiến Bắc Nam, cho thấy họ không hề có chủ trương chiếm giữ. Đó là quan niệm nhất quán về chủ quyền quốc gia của Mỹ, kể cả chiến tranh Iraq hay Afghanistan gần đây. Việt Nam, là đối tác của Mỹ kể từ năm 1995 khi bình thường hóa quan hệ, nên tôn trọng sự thật và quan hệ này.
Hai, nó hoàn toàn cũng không phải để thống nhất hay giải phóng dân tộc gì cả, điều cũng được rêu rao từ bao thập niên qua. Không phủ nhận rằng một trong các mục tiêu của lãnh đạo cộng sản Việt Nam, cũng như phía quốc gia Việt Nam, trước năm 1954, và nhất là trước năm 1945, là giành lại độc lập cho Việt Nam từ Pháp. Nhưng với tư duy của lãnh đạo miền Bắc coi cộng sản là thiên đường để xây dựng thế giới đại đồng, Lenin và Stalin và Mao là thánh thần không thể sai, thì thống nhất hay giải phóng chỉ còn là mục tiêu phụ, hay thật ra chỉ là cái cớ để gây chiến. Bởi nếu thật sự là thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc, làm sao có thể biện minh cho những chính sách và hành động trả thù, trù dập, phân biệt đối xử v.v… một cách dã man và thô bạo dành cho quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa?
Ba, nó hoàn toàn cũng không phải là cuộc chiến có chính nghĩa gì cả. Lãnh đạo cộng sản đã không tôn trọng sự thật, mà còn tuyên truyền và sử dụng những ngôn từ rất xúc phạm dành cho phía Việt Nam Cộng Hòa. Các từ nguỵ quân nguỵ quyền, v.v… được dùng cho một chính thể mà đã có công lớn trong việc phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, thể thao v.v… Vào lúc đó Việt Nam Cộng Hòa tuy chưa bằng Nhật, nhưng có thể sánh vai với những nước như Singapore, Nam Hàn, Đài Loan, và hơn hẳn Thái Lan hay Mã Lai. Việt Nam Cộng Hòa có rất nhiều tiềm năng vì, tuy đang chiến tranh, chính sách nhân dụng đã rất tiến bộ và có tầm nhìn xa. Sinh viên Việt Nam đi du học ở khắp nơi trên thế giới về mọi lĩnh vực kể từ đầu cuối thấp niên 1950s, và mong chờ cơ hội về phục vụ quốc gia.
Tất cả những điều nêu trên, những ai muốn thật sự tìm hiểu, thì sẽ tìm ra tài liệu. Nhiều người Việt Nam cũng đã nhận thức được những sự thật trên. Nhưng chính sách giáo dục nhồi sọ và bưng bít thông tin cộng với chính sách tuyên truyền đã gây cản trở cho sự tiếp cận và tìm hiểu ngọn ngành về cuộc chiến Việt Nam cũng như lịch sử cận đại và hiện đại.
Dối trá với lịch sử một cách có chủ đích và hệ thống để phục vụ cho mục tiêu nắm quyền và giữ quyền của một cá nhân hay phe nhóm, là một trọng tội đối với dân tộc. Bởi vì khi không hiểu và không học từ lịch sử, hay học toàn những điều dối trá, những thế hệ sau này sẽ gặp phải những thử thách trọng lớn.
Vì thế, việc trả lại sự thật và công bằng cho lịch sử là tư duy đúng đắn của mọi lãnh đạo quốc gia. Lãnh đạo và chế độ sẽ ra đi, nhưng dân tộc là trường tồn. Nếu giới lãnh đạo Việt Nam cho rằng những điều nêu trên là không đúng, thì tại sao không để cho mọi người dân tại Việt Nam, nhất là giới học giả chuyên về sử học, chính trị học, xã hội học, tâm lý học, triết học và các nhà văn phê bình văn học có toàn quyền tự do học thuật để tranh luận nhau. Chỉ khi nào lịch sử được viết lại một cách tự do, độc lập, không bị ràng buộc hay cưỡng ép về ý thức hệ chính trị hay mưu toan quyền lực/lợi, thì lúc đó mới có khả tín. Ngược lại, khi nào lịch sử vẫn còn bị uốn nắn hay chỉ đạo, theo ý thức hệ hay khuôn khổ nào đó, nó sẽ không thuyết phục được người hiểu biết.
Người ta thường nhắc nhở nhau: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Sự thật là lãnh đạo Việt Nam ngày nay không còn là cộng sản nữa, từ lý thuyết đến thực hành. Đúng ra là họ chưa bao giờ là cộng sản cả. Nhưng ai cũng có thể thay đổi để trở thành người tốt hơn, lương thiện hơn. Lịch sử và các thế hệ tương lai sẽ phán xét hành động của thế hệ hôm nay. Vì quyền lợi quốc gia và tương lai dân tộc, hy vọng những người có trách nhiệm thấy cần phải thay đổi để bắt đầu thay đổi. Càng sớm càng tốt.