Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm thứ Ba 26/9 nhấn mạnh rằng Mỹ mưu tìm giải pháp hòa bình cho tình hình căng thẳng leo thang với Bắc Triều Tiên, bất chấp việc Bình Nhưỡng đổ cho tweet của Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai tương đương với tuyên chiến.
Trong các cuộc gặp gỡ với các giới chức Ấn Ðộ ở New Delhi để bàn về việc tăng cường quan hệ Mỹ-Ấn, Bộ trưởng Mattis nói rằng mặc dù sự hiện diện của quân đội Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên là cần thiết để ngăn chặn những mối đe dọa của Bình Nhưỡng, Mỹ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhắm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách ôn hòa.
Ngay sau cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Ðộ, ông Mattis nói: “Đó là mục tiêu của chúng tôi, nhằm giải quyết vấn đề bằng đường lối ngoại giao và tôi tin rằng Tổng thống Trump đã nói rất rõ về vấn đề này.”
Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng lãnh tụ Kim Jong Un của Triều Tiên “sẽ không tồn tại lâu” nếu Bắc Hàn thực hiện những đe dọa mới đây.
Nói chuyện với các phóng viên báo chí gần trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho nói: “tuyên bố đó xuất phát từ người đang giữ chức tổng thống Hoa Kỳ, thì đó rõ ràng là một lời tuyên chiến.”
Ngoại trưởng Triều Tiên nói thêm rằng Liên hiệp quốc và cả thế giới nên nhớ rõ rằng “chính Mỹ đã tuyên chiến trước với đất nước chúng tôi.”
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói cách diễn giải của ông Ri về tweet của Tổng thống Trump là “vô lý.”
Bà Sanders nói: “Chúng tôi không tuyên chiến với Triều Tiên.”
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Ba 26/9 nói với ngoại trưởng của các nước trong khối BRICS rằng tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang ở vào thời kỳ rất nguy hiểm.
Phát biểu tại New York bên lề một hội nghị ở Liên hiệp quốc, ông Vương nói nhiệm vụ cấp bách hiện nay là ngăn chặn sự tiến triển của chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, tránh leo thang hơn nữa căng thẳng và đặc biệt là ngăn tránh xung đột vũ trang.
Ông Van Jackson, một diễn giả kỳ cựu về quan hệ quốc tế của Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, nói với đài VOA rằng: “Mặc dù trong quá khứ Triều Tiên đã nhiều lần tuyên chiến, nhưng nay chúng ta đã rơi vào một cuộc khủng hoảng thật sự.”
Ông Jackson, cựu giám đốc chính sách Triều Tiên và là một cố vấn chiến lược quốc phòng tại Bộ Quốc phòng Mỹ, nói: “Cho dù nếu chúng ta không đang ở trong một cuộc chiến tranh ngay vào lúc này, hình như chúng ta đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để điều đó xảy ra bằng những hành động và tuyên bố khiến cho những biện pháp răn đe, ngăn chặn có nhiều cơ may thất bại.”
Ông Ri nói Triều Tiên có thế bắn hạ máy bay ném bom chiến lược của Mỹ cho dù chưa bay vào không phận của Bắc Hàn. Hãng thông tấn Yonhap của Nam Triều Tiên hôm thứ Ba đưa tin rằng ông Lee Cheol-woo, chủ tịch ủy ban tình báo Quốc hội Nam Hàn, nói rằng các thông tin ghi nhận được cho thấy Bình Nhưỡng đang điều chỉnh vị trí của các chiến đấu cơ của họ và tăng cường các khả năng phòng thủ dọc theo bờ biển phía đông.
Một chiến đấu cơ phản lực của Bắc Hàn hồi năm 1969 đã bắn rơi một máy bay trinh sát không mang vũ khí của Hải quân Mỹ ngoài không phận của Bắc Triều Tiên trong Biển Nhật Bản, làm thiệt mạng 30 thủy thủ và một binh sĩ Thủy quân Lục chiến trên máy bay.
Phát biểu tại một hội nghị an ninh hôm thứ Hai, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster nói rằng Hoa Kỳ hy vọng tránh nổ ra chiến tranh với Triều Tiên, “nhưng điều mà chúng tôi không làm được là loại trừ khả năng đó.”
Thượng tướng Lục quân này nói thêm rằng Hoa Kỳ đã cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau có thể giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên và “có những giải pháp xấu hơn những giải pháp khác.”
Tuy nhiên, ông McMaster nói với hội nghị do Viện Nghiên cứu Chiến tranh tổ chức rằng “không có một cú đánh chính xác nào có thể giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng này.”
Một giải pháp hòa bình – theo ông McMaster – là Bình Nhưỡng phải để cho thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, tức IAEA, vào kiểm tra. Nhưng ông nói rằng bất kỳ một cuộc thương thuyết ngoại giao nào “diễn ra phải theo điều kiện khác với các cuộc thương thuyết trong quá khứ.” Tuy nhiên, ông nói rằng ông sẽ không đưa ra danh sách các điều kiện ban đầu.
Một số nhà phân tích thấy rằng con đường đối thoại sẽ vẫn phải thông qua Trung Quốc, nước mới đây đã cắt các giao dịch ngân hàng với Triều Tiên, đồng thời ngưng cung cấp khí đốt hóa lỏng cho Bình Nhưỡng và dừng nhập khẩu hàng dệt may của Triều Tiên.
Ông T.J. Pempel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California ở Berkeley, nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc đang gởi đi một tín hiệu cho Bắc Hàn rằng họ đang liều lĩnh.”
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên hôm thứ Bảy dọa rằng nước ông đang chuẩn bị thử một quả bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis hôm thứ Hai đáp lại rằng nếu Bắc Hàn thực hiện đe dọa đó, thì “đó là một hành động gây ‘sốc’ vô trách nhiệm đối với vấn đề sức khỏe toàn cầu, đối với sự ổn định và đối với hiệp ước cấm phổ biến.”
Máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ xuất phát từ Guam được chiến đấu cơ F-16 từ một căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản hộ tống đã bay trong không phận quốc tế trên vùng biển phía đông của Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy.
Giáo sư Pempel của Đại học California ở Berkeley nói với đài VOA rằng ông nghĩ rằng bất chấp những tuyên bố hiếu chiến khuếch đại của Bắc Hàn, Bình Nhưỡng không hăng hái dấn thân vào chiến tranh. Ông nói: “Người Bắc Hàn biết rằng chiến tranh rốt cuộc sẽ dẫn đến chế độ Triều Tiên bị tiêu diệt.”
Gọi lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là “Ông Hỏa tiễn” trong sứ mạng tự sát, Tổng thống Trump đã dùng phát biểu đầu tiên của ông trước Ðại hội đồng Liên hiệp quốc hôm thứ Ba tuần trước cảnh cáo Bình Nhưỡng rằng cách hành xử hiện nay của họ có thể dẫn đến “bị hủy diệt hoàn toàn.”
Lãnh tụ Kim Jong Un, trong một tuyên bố bất thường, gọi ông Trump là một “kẻ quẫn trí” đang diễn tả “hành động rối loạn tâm thần.”