Ngân hàng Thế giới (WB) và đối tác Tri thức Toàn cầu về Di cư và Phát triển (Knomad) vừa công bố báo cáo cho biết người Việt gửi về nước 17.2 tỷ đôla trong năm 2020, đóng 5% vào GDP cho Việt Nam.
Trong năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19, người Việt vẫn gửi tiền về nước nhiều hơn, tăng gần 3% so với năm 2019, và Việt Nam là quốc gia tiếp nhận kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới, theo Báo cáo Di cư và Kiều hối của WB và Knomad công bố trong tháng 5/2021.
Trước đó, WB dự báo lượng kiều hối 2020 vào Việt Nam là 15,7 tỷ đôla.
Còn trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ ba, sau Trung Quốc và Philippines năm 2020, vẫn theo thống kê của WB và Knomad.
WB đánh giá, bất chấp các dự đoán trước đó, kiều hối đổ về các nước đã phục hồi trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Lượng kiều hối đổ về các nước có thu nhập thấp và trung bình năm 2020, đạt 540 tỷ đôla, chỉ giảm nhẹ 1,6% so với năm 2019.
Ngoài ra, trong báo cáo này, lần đầu tiên WB ghi nhận lượng kiều hối chảy vào các nước thu nhập thấp và trung bình vượt qua tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và vốn viện trợ chính thức (ODA) trong năm 2020. Cũng theo nhận định của WB, điều này thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của kiều hối đối với kinh tế và hệ thống bảo trợ xã hội của các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Trong năm 2020, Hoa Kỳ là quốc gia có dòng chảy kiều hối ra bên ngoài đất nước lớn nhất với giá trị ước tính 68 tỷ đôla. Tiếp theo là các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (43 tỷ đôla) và Ả Rập Xê Út (35 tỷ đôla).
Theo Báo Đầu tư hôm 12/5, tính chung trong 5 năm qua, tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ đôla, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỷ đôla.
Truyền thông Việt Nam cho biết dòng kiều hối không chỉ góp phần hỗ trợ kinh tế cho đất nước phát triển mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ.