Đường dẫn truy cập

Chương trình 'Làm việc đổi tiền mặt' giúp thành phần bị thua thiệt nhất ở Iraq


Một người Iraq tị nạn đang thu dọn căn lều
Một người Iraq tị nạn đang thu dọn căn lều

Chương trình Lương thực Thế giới đang mướn hơn 11.000 người thuộc thành phần bị thua thiệt nhất trong xã hội Iraq qua một chương trình “làm việc đổi tiền mặt” có mục đích giúp thành phần kiếm sống nuôi gia đình. Động thái này nới rộng một chương trình thí điểm của Chương trình Lương thực Thế giới, đã khởi sự tại Diyala và thủ đô Baghdad hồi đầu năm nay.

Hơn 7 năm sau khi các lực lượng Mỹ xua quân vào Iraq, nhiều người vẫn chưa thoát khỏi vào cảnh đói khổ. Một cuộc điều nghiên năm 2008 cho thấy là khoảng 1 triệu người tại Iraq đang sống trong tình trạng thiếu lương thực. Ngoài ra, 6,4 triệu người khác đang trong tình trạng có nguy cơ mất an ninh lương thực, nếu không được sự hỗ trợ của Hệ thống Phân phối công.

Sự thật u ám này là nguyên do khiến Chương trình Lương thực Thế giới, WFP, khởi sự chương trình làm việc đổi lấy tiền mặt hồi đầu năm nay, tại một số khu vực bạo động nhất và mất an ninh nhất.

Phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới, bà Emilia Casella, cho biết đối tượng của chương trình này là hơn 11.000 người thuộc thành phần bị thua thiệt nhất, gồm những người dời cư bên trong lãnh thổ Iraq, và những người đã đi sơ tán và nay trở về quê cũ.

Bà nói những người tham gia chương trình được trả bằng dinar - đơn vị tiền tệ của Iraq, tương đương với 10 mỹ kim mỗi ngày trong thời gian 3 tháng. Những người giám thị được trả 13 mỹ kim mỗi ngày.

Bà Casella nói: “Số tiền ấy cao hơn đôi chút so với mức lương trung bình trong các cộng đồng liên hệ, lý do là bởi vì chúng tôi muốn bảo đảm những người làm các công việc ấy là những người thuộc thành phần bị thua thiệt nhất, những người mà nếu không được giúp, có thể bị loại ra khỏi lực lượng lao động bởi vì họ là những người thuộc thành phần dời cư, hoặc những người vừa mới trở về cộng đồng của họ. Số tiền mà chúng tôi trả cho họ không phải là một mức lương hậu hĩ, nhưng là mức lương nhằm giúp những người chủ gia đình mà nếu không được giúp, sẽ hoàn toàn thất nghiệp."

Chương trình này cung cấp cho những người tham gia những việc làm ngắn hạn để thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở nông nghiệp.

Chương trình Lương thực Thế giới nói chương trình này rất hữu hiệu tại một nước như Iraq, nơi mà lương thực có sẵn ở các chợ búa, nhưng nhiều người không có đủ sức để mua.

Bà Casella cho hay các cộng đồng có thể tự chọn lấy các hoạt động trong khuôn khổ chương trình làm việc đổi lấy tiền mặt, dựa trên những ưu tiên của chính họ.

Bà giải thích: “Một số công việc này là trồng cây. Một số là dọn sạch các kênh thủy lợi, hồi phục đất canh tác, cải thiện tình trạng vệ sinh hoặc hồi phục các hệ thống cống rãnh, vốn về phần lớn bị phá hủy hoặc thoái hóa theo thời gian, kể cả vì cuộc tranh chấp tại đây.”

Trong khi chương trình làm việc đổi lấy tiền mặt hỗ trợ gia đình trực hệ của người công nhân, bà Casella nói chương trình này còn tiếp tay nâng đỡ nền kinh tế địa phương.

Bà nói không như các hoạt động phân phối lương thực trực tiếp cho người cần được giúp đỡ, những người tham gia “chương trình làm việc đổi tiền mặt” có thể sử dụng số tiền kiếm được để mua lương thực và các nhu yếu phẩm khác ở ngôi chợ địa phương.

Phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới Emilia Casella nói ngân khoản tài trợ trị giá 5 triệu đôla, do chính phủ Hoa Kỳ cung cấp, đã cho phép Chương trình Lương thực Thế giới nới rộng “chương trình làm việc đổi lấy tiền mặt“.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG