Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới ngày 26/5 đã thông qua kiến nghị lên án tình trạng khẩn cấp y tế khu vực gây nên bởi Nga xâm lược Ukraine và bác một nghị quyết đối nghịch từ Moscow mà trong đó không hề đề cập đến vai trò của chính họ trong cuộc khủng hoảng.
Đề xuất ban đầu, do Hoa Kỳ và khoảng 50 nước khác đưa ra, lên án hành động của Nga nhưng không đình chỉ ngay lập tức quyền biểu quyết của Nga tại cơ quan y tế Liên hiệp quốc như một số nước trước đó mong muốn.
Cả hai nghị quyết đều bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng về tình trạng y tế khẩn cấp đang diễn ra tại và xung quanh Ukraine”, nhưng chỉ có đề nghị do phương Tây đứng đầu nêu rõ tình trạng khẩn cấp ấy “phát sinh bởi hành động gây hấn của Liên bang Nga đối với Ukraine.”
Đại sứ Ukraine tại Liên hiệp quốc ở Geneva Yevheniia Filipenko gọi đề xuất đối nghịch của Nga là một thực tế méo mó.
“Liên bang Nga đã thất bại trong nỗ lực lừa gạt diễn đàn này”, bà nói.
Phó đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc ở Geneva Alexander Alimov nói đề nghị của phương Tây là “chính trị hóa, một chiều, và thiên vị” so với đề nghị “mang tính xây dựng” của Nga. “Việc thao túng WHO là không thể chấp nhận được”, ông nói.
Trung Quốc ủng hộ Nga trong cả hai cuộc biểu quyết, đặc phái viên của Trung Quốc Yang Zhilun nói WHO là diễn đàn sai lầm khi thảo luận về các vấn đề y tế của Ukraine.
Nhiều nước vắng mặt
Hai cuộc biểu quyết, hiếm khi xảy ra trong các cuộc họp của WHO, có phần chắc không có tác động tức thì đến cuộc xung đột ở Ukraine nhưng được xem là sự ủng hộ đa phương ngày càng tăng đối với lập trường của Kyiv hơn ba tháng sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2 năm nay.
Dù đề nghị được phương Tây hậu thuẫn được thông qua với 88 phiếu thuận và 12 phiếu chống, nhưng không phải là thành công vang dội và có hàng chục phiếu trắng và vắng mặt trong số 194 thành viên của WHO.
Các quốc gia thành viên Châu Âu trong WHO đã thông qua một nghị quyết có thể dẫn đến việc đóng cửa văn phòng khu vực của Nga.
Các nhà ngoại giao cho biết lần này họ lo ngại về việc đẩy Nga đi quá xa và khiến nước này phải rời bỏ, do cần phải hợp tác với WHO về giám sát dịch bệnh. Họ cho biết, sự ủng hộ đối với những lời lên án chính trị đối với Nga cũng phai nhạt, các nước phương Tây bị một số nước xem là quá tập trung vào việc nhắm vào Nga mà bỏ qua các vấn đề khác.
Các nghị quyết được đưa ra cùng với một báo cáo của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong đó nêu bật những hậu quả y tế “tàn khốc” từ cuộc xâm lược của Nga, bao gồm 235 cuộc tấn công vào cơ sở y tế cũng như thương vong to lớn và làm gián đoạn các dịch vụ y tế đe dọa tính mạng con người.
Moscow gọi các hành động của mình là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm giải giới Ukraine và loại bỏ chủ nghĩa dân tộc chống Nga do phương Tây cổ xúy. Ukraine và phương Tây cho rằng Nga đã phát động một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.