Cơ quan y tế Liên hiệp quốc cho biết họ đang đối diện với một số thử thách trong các chương trình chống lao tại khu vực. Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng nhiệm vụ chính của họ là duy trì và mở rộng các dịch vụ đến các quốc gia vật lộn với tình trạng nghèo đói, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, và có sự di chuyển dân số lớn.
Ấn Độ chiếm 20% trong tổng số trường hợp lao trên toàn cầu. Trong khi tỷ lệ tử vong đã hạ giảm ở 11 nước tại khu vực y tế Đông Nam Á của WHO bao gồm Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Indonesia, Maldives, Miến Điện, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan, và Đông Timor, thì mỗi năm tại Ấn Độ có nửa triệu người chết vì bệnh lao.
Các giới chức WHO đặc biệt quan ngại trước các dữ liệu cho thấy hơn 1/3 số bệnh nhân đang được tái điều trị tại Thái Lan là lao đa kháng thuốc. Ấn Độ có số ca lao đa kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Lao đa kháng thuốc khó chữa trị thành công hơn nhiều so với lao thông thường.
Giám đốc khu vực của WHO chuyên trách các bệnh lây truyền, tiến sĩ Jai Narain, nói rằng các quốc gia có xu hướng lao đa kháng thuốc cần đảm bảo việc áp dụng chế độ điều trị thuốc lao chừng mực.
Ông Narain nói: “Việc xuất hiện lao đa kháng thuốc cũng là một sự phản ánh cho thấy chất lượng của các chương trình kiểm soát lao. Thật ra, mức độ lao đa kháng thuốc có thể đảo nghịch nếu chúng ta có các chương trình kiểm soát lao chất lượng cao. Điều này đã được chứng tỏ tại nhiều thành phố lớn như New York City, London, và các nơi khác.”
Các giới chức y tế công cộng lo ngại trước tình trạng ngay cả các chủng lao nặng hơn cũng không đáp ứng trước các phương pháp điều trị lao đa kháng thuốc. Được biết đến như loại kháng thuốc phổ rộng, lao đa kháng thuốc được phát hiện tại Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, và Thái Lan.
Trong phúc trình công bố hôm thứ tư, Tổ chức Y tế Thế giới quy trách nguyên nhân dẫn tới tình trạng lao đa kháng thuốc là do việc sử dụng không đúng một số loại thuốc ít có tác dụng, đồng thời cảnh báo một mối đe dọa thật sự về sự xuất hiện của dòng vi trùng lao kháng thuốc cực mạnh này.
Ngày 24/3 là ngày Thế giới Phòng chống lao, kỷ niệm ngày bác sĩ người Đức, Robert Koch, công bố tìm ra vi khuẩn gây bệnh lao vào năm 1882. Lúc bấy giờ, căn bệnh lao là hiểm họa bệnh tật lớn nhất đối với nhân loại.
Nhân ngày Thế giới Phòng chống lao 24/3, Tổ chức Y tế Thế giới trình bày những tiến bộ và thử thách trong cuộc chiến chống lao tại khu vực Đông Nam Á. Từ New Delhi, thông tín viên đài VOA, Steve Herman, gởi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Đọc nhiều nhất
1