Đường dẫn truy cập

WHO tuyên bố Guinea hết dịch Ebola


Nhân viên y tế tiêm vaccine Ebola cho người dân ở Conakry, Guinea, ngày 7/3/2015.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Ebola cho người dân ở Conakry, Guinea, ngày 7/3/2015.

Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố nước Guinea ở Tây Phi không còn dịch Ebola. Theo tường thuật của thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA tại Geneve, Tổ chức Y tế Thế giới nói đây là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến đấu 2 năm để ngăn chặn sự lây lan của loại virút đã gây tử vong cho hàng ngàn người.

Guinea đã trải qua 42 ngày không có ca bệnh Ebola được xác nhận và trở thành nước thứ ba trong ba nước Tây Phi, sau Liberia và Sierra Leone, ngăn chặn được sự lây lan của virút gây chết người này.

Đây cũng là lần đầu tiên tất cả ba nước chặn đứng sự lan truyền Ebola, kể từ khi virút này được phát giác lần đầu tại Gueckedou, Guinea, vào tháng 12 năm 2013.

Ông Richard Brennan, Giám đốc Ban Điều hợp và Ứng phó Ebola của Tổ chức Y tế Thế giới, đây là một thành tựu lớn. Nhưng ông cảnh báo rằng dịch này có thể xuất hiện trở lại. Ông nói với đài VOA rằng Guinea và các nước khác ở Tây Phi không được lơ là mà phải tiếp tục đề cao cảnh giác.

"Từ tháng 3 tới tháng 11 năm nay chúng ta có 10 vụ bộc phát nhỏ của dịch Ebola, những vụ mà chúng tôi gọi “những vụ cháy bùng”. Và những vụ này đã xảy ra vì sự xuất hiện lại của virút Ebola ở những cá nhân bởi vì virút này tiếp tục tồn tại trong cơ thể của những người sống sót".

Bác sĩ Brennan giải thích là virút có thể tiếp tục sống trong tinh dịch của một số người sống sót từ 9 đến 12 tháng, và trong khoảng thời gian đó, Ebola có thể lây lan qua đường tình dục. Do đó, ông nói rằng Guinea bây giờ đang tiến vào giai đoạn giám sát ở mức cao trong vòng 90 ngày để bảo đảm là những ca bệnh mới có thể được xác định một cách nhanh chóng trước khi chúng có thể lây lan sang những người khác.

Ông Brennan cho biết Tổ chức Y tế Thế giới sẽ chủ động theo dõi tình hình ở Guinea cũng như ở các nước khác trong vùng Tây Phi.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục có mặt tại tất cả các quận, huyện ở Guinea, Sierra Leone và Liberia trong 12 tháng tới đây. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho nhân viên y tế địa phương trong việc phòng ngừa, phát giác và ứng phó với những vụ bộc phát có thể xảy ra".

Vụ bộc phát Ebola ở Tây Phi là vụ bộc phát dữ dội nhất trong lịch sử, với qui mô và sự phức tạp chưa từng có từ trước tới nay. Từ khi dịch bệnh bắt đầu bộc phát hồi tháng 3 năm 2014, hơn 28.600 người đã nhiễm bệnh ở Liberia, Sierra Leone và Guinea, trong đó có khoảng 11.300 người thiệt mạng.

Tổ chức Y tế Thế giới không loại bỏ khả năng Ebola tái phát ở Tây Phi. Họ thừa nhận là nhiều lỗi lầm đã mắc phải, nhưng nhiều bài học đã học được trong lúc ứng phó với trận đại dịch này. Và nhờ đó, tổ chức của Liên Hiệp Quốc này nói rằng các toán nhân viên ứng phó Ebola giờ đây đã có nhiều năng lực hơn để phát giác và ứng phó một cách nhanh chóng với những vụ bộc phát trong tương lai.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG