Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết rằng họ đang xem xét đề nghị của một nhà sản xuất vaccine không được nêu danh tính ở Việt Nam về việc trở thành trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 theo công nghệ mRNA, theo Reuters.
Tuần trước, truyền thông Việt Nam cho biết rằng Bộ Y tế đang tìm cách tiếp nhận công nghệ mRNA, hiện đang được BioNTech và Pfizer dùng để sản xuất vaccine chống COVID, để sản xuất trong nước.
Được biết, vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA thúc đẩy cơ thể con người tạo ra một protein, là một phần của virus, nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch.
“Một nhà sản xuất vaccine ở Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm tới việc trở thành một trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 dựa trên mRNA,” Đại diện WHO tại Việt Nam, Kidong Park, cho Reuters biết trong một tuyên bố qua email hôm 12/5, một ngày sau khi Bộ Y tế thông báo về việc tìm cách tiếp cận công nghệ mRNA.
Ông Park cho biết đề xuất này đang được WHO xem xét, đồng thời cho biết tổ chức này hy vọng Việt Nam cũng sẽ đăng ký “sản xuất theo quy mô lớn” vaccine COVID-19 theo công nghệ mRNA.
Theo Reuters, ông Park không cho biết nhà sản xuất nào đã đưa ra đề xuất về kế hoạch sản xuất vaccine theo công nghệ này.
Hồi tháng 4, WHO cho biết họ đang tìm cách mở rộng năng lực sản xuất cũng như quy mô sản xuất vaccine của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để giúp kiểm soát được đại dịch.
“Nếu Việt Nam đăng cai làm trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 dựa trên mRNA, nó sẽ đóng góp vào việc sản xuất vaccine COVID-19 dựa trên mRNA ở Việt Nam cũng như trong khu vực,” ông Park nói với Reuters.
Công ty công nghệ BioNTech hôm 10/5 thông báo kế hoạch thành lập một trung tâm khu vực và một nhà máy sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA ở Singapore với công xuất lên đến vài trăm triệu liều vaccine mỗi năm một khi đi vào hoạt động vào năm 2023.
Theo truyền thông Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo “khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ tiên tiến nhất (công nghệ mRNA) để sản xuất tại Việt Nam” đồng thời “tham gia vào các cơ chế chia sẻ công nghệ chung của Tổ chức Y tế Thế giới.”
Việt Nam hiện chưa sản xuất được vaccine chống COVID trong nước và đang nhận vaccine miễn phí qua chương trình COVAX, một cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 trên toàn cầu.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết hôm 16/5, lô vaccine COVAX thứ 2 đã về đến Việt Nam. Lô hàng gồm gần 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca này nằm trong số 4,1 triệu liều vaccine được cam kết hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam của COVAX. Với 2 tỷ USD ngân sách hỗ trợ, Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất vào chương trình COVAX.
Trước đó Bộ Y tế trong cùng ngày cho biết dự kiến có thêm hơn 1,68 triệu liều vaccine COVID-19 qua chương trình COVAX sẽ được chuyển giao cho Việt Nam. Được biết, AstraZeneca do Anh sản xuất được dùng trong chương trình COVAX. Việt Nam hôm 8/5 báo cáo ca tử vong đầu tiên sau khi tiêm loại vaccine này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt mua vaccine chống COVID Pfizer của Mỹ, Sputnik V của Nga. Theo Bộ Y tế cho biết hôm 14/5, Việt Nam đã đàm phán mua 31 triệu liều vaccine Pfizer, trong tổng số 110 triệu liều sẽ được cung cấp trong năm nay. Việt Nam cũng đã đăng ký mua từ 50 đến 150 triệu liều vaccine do Nga sản xuất và bày tỏ mong muốn hợp tác với Nga trong việc thiết lập sản xuất Sputnik V ngay trong nước.
Việt Nam hiện đang bước vào giao đoạn cuối thử nghiệm vaccine sản xuất trong nước và theo chính phủ cho biết, vaccine nội địa Covivac dự kiến sẽ được đưa ra sử dụng vào năm tới.
Bộ Y tế cho biết đến nay đã có hơn 977.000 người sinh sống tại Việt Nam đã được tiêm phòng vaccine COVID-19, chiếm khoảng 1% dân số cả nước. Trong đó, có hơn 22.500 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng virus corona.