Tình hình rối loạn trong các thị trường chứng khoán thế giới nảy sinh từ mối lo sợ Hy Lạp có thể sẽ không trả nổi một số những khoản nợ to lớn, và những mối lo ngày càng tăng lên sau khi một giới chức của Đức nói rằng có thể sẽ không loại bỏ tình huống Hy Lạp vỡ nợ.
Các ngân hàng nước ngoài đã cho Hy Lạp vay các khoản nợ lên tới hàng tỉ đô la có thể sẽ bị thiệt hại nặng nếu Hy Lạp không trả được nợ, và rất nhiều những ngân hàng như thế có sơ sở ở nước Pháp.
Ngân hàng Pháp và các giới chức chính phủ tìm cách trấn an thị trường rằng họ có đủ tiền để bù đắp vào bất cứ khoản mất mát nào được dự kiến.
Nhưng các nhà đầu tư rõ ràng vẫn lo ngại rằng nếu Hy Lạp vỡ nợ, điều này sẽ gây thiệt hại nặng cho các ngân hàng Pháp đến nỗi những định chế này sẽ phải vất vả trong việc hoàn trả lại cho những khoản mà họ vay từ các ngân hàng khắp thế giới, gồm cả Hoa Kỳ.
Một tin cho biết một công ty quan trọng đánh giá mức độ tín nhiệm có thể đánh sụt hạng tín nhiệm của một số ngân hàng Pháp thêm nữa càng làm tăng thêm những lo ngại.
Một chuyên gia kinh tế, giáo sư đại học New York, ông Neil Barofsky, nói rằng có thể các thị trường chứng khoán sẽ bị rối loạn trong một thời gian.
Ông nói: "Quí vị sẽ tiếp tục thực sự cảm nhận thấy cuộc khủng hoảng niềm tin. Trong một cách nào đó, nó giống chút đỉnh như năm 2008. Không ai chắc được là điều gì sẽ xảy ra khi mà những quân cờ domino này bắt đầu sụp đổ. Và tôi cho rằng ngay bây giờ mọi người đang sợ hãi."
Hy Lạp, Đức , Pháp và 14 quốc gia châu Âu khác cùng sử dụng đồng euro, và do đó đã cột chặt các nền kinh tế, sức mạnh và những khó khăn rắc rối của họ lại với nhau.
Đó là 1 trong những ý do mà những khó khăn của Hy Lạp đang làm tăng mối lo về tình trạng lành mạnh về tài chính của các quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ ba và thứ tư của khu vực đồng euro là Ý và Tây Ban Nha.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Jean-Claude Trichet, hối thúc Hy Lạp hãy đáp ứng những nghĩa vụ của họ để giúp hóa giải bớt khủng hoảng.
Ông cũng tìm cách trấn an giới đầu tư rằng nền kinh tế toàn cầu không quay trở lại một cuộc suy thoái.
Ông nói: "Chúng tôi không hề thấy có suy thoái, hoàn toàn không. Nhưng chúng tôi thấy có chậm lại khi so với những khoảng thời gian mới đây."
Ông Trichet lên tiếng hôm thứ Hai, sau khi họp với các giới chức của các ngân hàng trung ương ở khắp thế giới. Ông cho biết các ngân hàng trung ương sẵn sàng đưa ra thêm hành động để thúc đẩy nền kinh tế.
Hôm thứ Hai, thị trường chứng khoán ở nhiều nơi sụt giảm mạnh vì giới đầu tư lo ngại Hy Lạp sẽ không thể trả được những món nợ mà họ dùng để cứu nguy nền kinh tế. Trong lúc Hy Lạp không phải là một nền kinh tế to lớn, nước này đã mượn những khoản tiền rất lớn mà nếu không trả nổi có thể gây ra một loạt những tai hại cho rất nhiều ngân hàng ở nhiều quốc gia khác nữa.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1