Cuộc họp hôm thứ Sáu giữa các Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chánh các quốc gia thuộc nhóm G-20 tại thủ đô Washington ghi nhận sự thành công của chương trình kích thích kinh tế sâu rộng của các chính phủ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng về tài chánh tác động đến nền kinh tế toàn cầu cách đây một năm.
Thông điệp của hội nghị này tương tự như thông điệp được công bố vào tháng 9 năm ngoái khi các nguyên thủ của nhóm G-20 đưa ra những nguyên tắc rộng rãi về việc ban hành những cải cách trong các qui định về tài chánh, bảo đảm việc phục hồi kinh tế và làm cân bằng trở lại sự tăng trưởng toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chánh Canada Jim Flaherty nói là việc làm của các giới chức tài chánh đưa ra những ý kiến về chính sách để hướng dẫn việc phục hồi còn lâu mới hoàn tất.
Ông Flaherty nói: “Tiếp theo cuộc họp ngày hôm nay, chúng ta đang trên đường đưa ra một loạt các chọn lựa chính sách sơ khởi để xem xét và thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo G-20.”
Các Bộ trưởng Tài chánh G-20 sẽ họp lại vào đầu tháng 6 tới tại Nam Triều Tiên, trước hội nghị thượng đỉnh Toronto được tổ chức sau đó trong tháng.
Bộ trưởng Flaherty nói là thông cáo chung dài 6 trang được công bố cuối buổi họp ngày thứ Sáu tái xác nhận sự cam kết của nhóm G-20 trong việc cải cách lãnh vực tài chánh, và sự cần thiết cải thiện về số lượng cũng như chất lượng vốn ngân hàng, đồng thời làm vững mạnh tiêu chuẩn thanh lý và không khuyến khích những đòn bẩy quá mức.
Thông cáo chung của các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới không đề cập đến cuộc khủng hoảng về các món nợ của Hy Lạp, nhưng xác nhận các quốc gia cam kết bảo đảm thế giới sẽ phục hồi từ cơn khủng hoảng vừa qua.
Bộ trưởng Flaherty cho biết thêm là tình hình Hy Lạp được thảo luận trong cuộc họp hôm thứ Sáu và ông nói tình hình tại nước này là nguồn gốc của những mối quan ngại và làm tổn hại lòng tin trên thị trường.
Ông Flaherty nói: “Điều cần thiết là phải thực hiện nhiều bước và chính phủ Hy Lạp cần làm việc với Quỹ Tiền tệ Thế giới, IMF, và dĩ nhiên với Ủy ban châu Âu để xác định được một chương trình kinh tế nhiều năm có thể tin cậy được để đáp ứng với những vấn đề tài chánh này.”
Cuộc khủng hoảng về nợ nần của Hy Lạp đe dọa làm lu mờ những cuộc thảo luận của nhóm G-20 diễn ra một ngày trước cuộc họp vào ngày thứ Bảy và Chủ Nhật của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, IMF, và Ngân hàng Thế giới.
Ngay trước cuộc họp hôm thứ Sáu, IMF định chế gồm 186 quốc gia thành viên, công bố một thông báo hứa là tổ chức này đã chuẩn bị để nhanh chóng duyệt xét yêu cầu của chính phủ Hy Lạp về một khoản vay khẩn cấp.
Trong cuộc họp hôm thứ Sáu, các nhà lãnh đạo G-20 không đạt được thỏa thuận về một đề nghị thuế ngân hàng giúp cho các người đóng thuế khỏi chịu gánh nặng về những chi phí cho những việc cứu nguy tài chánh trong tương lai.
Thuế này cũng nhắm hạn chế loại đặt cược quá rủi ro đã làm cho kinh tế thế giới chìm trong vòng xoáy tồi tệ nhất kể từ Thế chiến Thứ hai.
Canada dẫn đầu trong việc chống thuế ngân hàng mới. Những người chỉ trích kế hoạch nói rằng thuế này sẽ không công bằng đối với những ngân hàng không bị thất bại nặng nề trong cuộc khủng hoảng vừa qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Timothy Geithner nói ông tin sẽ có sự đồng thuận rộng rãi giữa các quốc gia G-20 về phương cách đi đến việc kiểm tra toàn bộ ngành tài chánh và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Hoa Kỳ trong việc nêu lên một gương mẫu.
Bộ trưởng Geithner nói: “Điều rất quan trọng là thế giới thấy được Hoa Kỳ hành động mạnh mẽ để đảm bảo chúng tôi không phải là nguồn gốc của sự bất ổn trong tương lai và Hoa Kỳ có thể là nguồn sức mạnh, nguồn tăng trưởng, nguồn ổn định cho hệ thống tài chánh toàn cầu trong tương lai.”
Về những vấn đề của thế giới trong tương lai, nhóm G-20 lập lại lời hứa là tất cả các quốc gia sẽ cùng cộng tác để loại bỏ những sự mất cân bằng nguy hiểm, nhưng tránh nhắc đến việc thúc giục Trung Quốc đánh giá cao đồng tiền của nước này so với đồng đô la, điều mà Hoa Kỳ nhắm tới.
Nhóm G-20 gồm các nước công nghiệp giàu có trên thế giới cộng với các nền kinh tế mới nổi chính như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Triều Tiên và Nga.
Đại diện Hoa Kỳ tại hội nghị là Bộ trưởng Tài chánh Geithner và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ben Bernake.
Ngoài việc thảo luận nhóm, G-20 còn có những cuộc họp riêng lẻ trong ngày thứ Sáu giữa mỗi quốc gia với nhau.
Các nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu hôm thứ Sáu tuyên bố là nền kinh tế thế giới đang hồi phục khả quan hơn mong đợi sau cơn suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua và cam kết tiếp tục những nỗ lực để bảo đảm một sự phục hồi bền vững trên toàn thế giới.