Trong báo cáo thường niên, tổ chức Freedom House có trụ sở ở Hoa Kỳ nói rằng quyền tự do trên thế giới đã sa sút trong năm 2010, qua 5 năm liên tiếp.
Về tổng thể, tổ chức này nói rằng 25 quốc gia cho thấy có sự sa sút đáng kể về tự do trong năm ngoái, so với 11 quốc gia cho thấy có tiến bộ.
Trong khi nhiều yếu tố góp phần vào tình trạng sa sút này, tổ chức Freedom House đặc biệt quy trách cho các chế độ độc tài trên thế giới.
Bàn về bản phúc trình vừa kể tại một buổi họp ở Washington hôm qua, ông Arch Puddington, Giám đốc Nghiên cứu của tổ chức, nói rằng ngay cả các cuộc bầu cử – thường được coi là một chỉ dấu của tự do – cũng bị các chính phủ mạnh tay làm hư hại.
Ông Puddington nói: “Các nhà độc tài sẵn sàng tổ chức bầu cử chừng nào mà họ kiểm soát được báo chí, chừng nào họ có thể tưởng thưởng cho những người hợp tác với mình, chừng nào họ có thể bóp nghẹt các tổ chức phi chính phủ.”
Bản phúc trình nói rằng gian lận bầu cử và trấn áp giới bất đồng không có gì lạ đối với các nước độc tài. Nhưng bản phúc trình nêu ra điểm các chế độ đàn áp hành động ở một mức độ trâng tráo rõ ràng, và bất kể dư luận bên ngoài. Bản phúc trình nêu dẫn chứng sự phẫn nộ của Trung Quốc về việc trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho nhân vật bất đồng chính kiến bị cầm tù Lưu Hiểu Ba, và việc Nga kết án nhà cựu tài phiệt dầu khí Mikhail Khodorkovsky thường hay chỉ trích điện Kremli.
Tổ chức Freedom House cũng nói rằng bản phúc trình phải là một lời kêu gọi thức tỉnh cho các nền dân chủ thế giới phải có thêm hành động quảng bá tự do.
Phát biểu tại buổi họp ở Washington, ông Elliott Abrams, một chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Đối Ngoại, lập luận rằng biện pháp cứng rắn là lời đáp.
Ông Abrams nói: “Câu hỏi thực sự cần nêu ra là “Áp đặt hình phạt nào đối với kẻ độc tài khi ông ta đóng cửa các báo hay bắt giữ những người đối lập?” Nêu không thì chỉ là những bài diễn văn và cối cùng thì cũng bị làm ngơ bởi những người tiếp nhận.”
Ông Abrams cũng nói chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tỏ ra yếu ớt về phương diện này.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách nhân quyền, ông Michael Posner đáp lại như sau.
Ông Posner nói: “Tôi không thể nào không đồng ý hơn với điểm đó. Tôi nghĩ chúng ta ngày càng tham gia vào một loạt các cuộc thảo luận với các chính phủ khác để khẳng định rõ mối liên hệ giữa thành tích của họ, cách thức hành động của họ về nhân quyền và dân chủ cùng khả năng hợp tác của họ với chúng tôi trong tư cách là một đồng minh thân cận hay một đối tác.”
Tổ chức Freedom House liệt kê những khu vực tệ hại nhất trên thế giới là Trung Đông và Bắc Phi, và nêu ra những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ở Ai Cập cũng như hành động liên tục đàn áp đối lập ở Iran.
Mexico bị hạ cấp từ “Tự do” xuống còn “Tự do một phần” vì chính phủ thiếu khả năng kiểm soát một làn sóng bạo lực có liên quan đến ma túy.
Ukraina cũng bị xuống cấp và xếp vào hạng “Tự do một phần”. Bản phúc trình viện dẫn “các mức độ xấu đi về tự do báo chí, những trường hợp gian lận bầu cử và ngành tư pháp ngày càng bị chính trị hóa.
Trong số những tiến bộ năm ngoái, bản phúc trình nói rằng Kyrgystan và Guinea được nâng cấp từ “Không tự do” lên thành “Tự do một phần”, sau khi cả hai nước tổ chức được các cuộc bầu cử “tương đối tự do và công bằng.”
Một bản phúc trình mới về các quyền tự do dân sự và chính trị trên khắp thế giới nói rằng quyền tự do bị vi phạm trong khi các chính phủ độc tài siết chặt quyền lực. Thông tín viên VOA Gabe Joselow ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1