Đường dẫn truy cập

Bảng C World Cup: Liệu đội Anh sẽ về đến đích?


Cổ động viên Nam Phi với những chiếc kèn 'vuvuzela' sẽ góp thêm phần sôi động cho World Cup 2010 trên đất nước họ
Cổ động viên Nam Phi với những chiếc kèn 'vuvuzela' sẽ góp thêm phần sôi động cho World Cup 2010 trên đất nước họ

Đội tuyển Anh trong Bảng C tại World Cup Nam Phi, vẫn như mọi khi, luôn thu hút sự chú ý của người hâm mộ lẫn giới truyền thông, thế nhưng liệu các tuyển thủ "Tam Sư" kỳ này có lập lại được thành tích vô địch của năm 1966 để xứng danh là đại diện cho xứ sở sản sinh ra môn thể thao vua này hay không. Tấn Chương mời qúy vị cùng theo dõi ý kiến bình luận và nhận xét của các nhà chuyên môn về Bảng C của vòng chung kết World Cup 2010.

Đội tuyển Anh luôn được xem là ngôi sao của giới truyền thông mỗi khi họ đến vòng chung kết World Cup. Tại Nam Phi vào tháng 6 tới đây cũng vậy, tên tuổi của đội tuyển "Tam Sư" vượt cao hơn hẳn trong Bảng C so với 3 đối thủ kia là Mỹ, Algeria và Slovenia, như sơ lược của bình luận viên thể thao Quang Dũng ở Hà Nội về bảng đấu này:

BLV Quang Dũng: "Cục diện trong Bảng C cũng tương đối giống Bảng B, có nghĩa là đội tuyển Anh là đội trội hơn hẳn so với 3 đội còn lại.

Tiếp đó sẽ đến đội tuyển Mỹ. Cách đây một năm chúng ta đều thấy đội tuyển Mỹ chơi ở Confederations Cup ấn tượng như thế nào. Đây không phải lần đầu tiên, cách đây 8 năm tại World Cup 2002, Mỹ đã chơi rất hay, họ vào đến tứ kết. Lối chơi của đội tuyển Mỹ bao giờ cũng thế, rất chặt chẽ, rất khoa học, đơn giản, đoàn kết. Tôi nghĩ về phương diện một đội bóng, Mỹ là một tập thể rất mạnh. Nếu họ giữ được phong độ như cách đây một năm, thì tôi cho là họ có thể tranh chấp ngôi đầu bảng với đội tuyển Anh.

Còn Algeria thì sau mấy chục năm họ mới trở lại với bóng đá thế giới. Họ cũng có một vài cầu thủ hay đang chơi bóng tại Pháp, nhưng nói chung kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao của họ thì chưa có nhiều. Về lực lượng thì họ không thể so được với đội tuyển Anh và Mỹ.

Còn Slovenia thì sự có mặt tại World Cup của họ là một bất ngờ. Cá nhân tôi cảm thấy tiếc cho đội tuyển Nga, vì đội tuyển Nga đã có thể vượt qua Slovenia một cách ấn tượng hơn, nhưng vì một phút chủ quan mà họ đã bị loại. Theo tôi thì đối với Slovenia, sự có mặt tại World Cup đã là một hạnh phúc rồi, chúng ta không nghĩ họ có thể làm được một điều gì to lớn hơn."


Sau thất bại không tranh nổi suất dự vòng chung kết Euro 2008, đội tuyển Anh thực sự cần phải cải tổ ở ngay vị trí đầu não, và hình như họ đã đi đúng hướng bằng giải pháp "nhà cầm quân Fabio Cabello" với những thành công ban đầu gặt hái được tại vòng loại tranh vé đi Nam Phi. Bình luận viên Quang Dũng nhận xét.

BLV Quang Dũng: "Cái điểm khác lớn nhất của đội tuyển Anh so với các kỳ World Cup trước, so với thời của Sven Goran Eriksson, đội tuyển Anh bây giờ có một huấn luyện viên mới – ông Fabio Cabello, người Ý. Ông là huấn luyện viên đã rất thành công ở cấp câu lạc bộ, tại rất nhiều câu lạc bộ lớn. Từ khi ông dẫn dắt đội tuyển Anh, thì đội tuyển Anh đã cải thiện được điểm yếu lớn nhất của họ, đó là tâm lý thi đấu, bản lĩnh.

Trước kia thì đội tuyển Anh được đánh giá rất cao, luôn có những ngôi sao. Nói chung đây là một đội bóng ngôi sao của giới truyền thông, ai cũng muốn nói đến đội tuyển Anh cả. Nhưng khi đi vào những trận đấu lớn, cần phải thể hiện tinh thần thép, cái đầu lạnh, thì họ lại không thể hiện được. Tôi nghĩ Fabio Cabello đã cải thiện một phần điều đó, tôi không dám khẳng định 100%, nhưng ông đã cải thiện tương đối. Điều này thể hiện qua vòng loại World Cup khi Anh thắng Croatia rất ấn tượng ở cả hai lượt trận, cả trên sân của Croatia lẫn trên sân nhà Wembley, mặc dù cách đó không lâu thì chính Croatia đã loại Anh ra khỏi Euro 2008.

Đội tuyển Anh hiện có một vài cầu thủ mang tầm cỡ thế giới. Đầu tiên là tiền đạo Wayne Rooney hiện đang chơi cho Manchester United, tiếp đến là trung vệ John Terry của Chelsea, và thấp hơn một chút nữa chúng ta có thể nói đến Steven Gerrard của Liverpool, Frank Lampard cũng của Chelsea.

Nói chung đây là một đội bóng có thực lực và tương đối khó đoán, bởi vì điểm nghi hoặc nhất của đội tuyển Anh hiện tại mà chúng ta không biết có nên tin tưởng vào họ hay không chính là cái tinh thần thi đấu của họ như thế nào. Họ có thể chơi từng bừng ở vòng bảng, nhưng khi vào vòng tứ kết gặp một đối thủ mạnh như họ, lúc đó chúng ta không thể hình dung được họ sẽ phản ứng như thế nào.

So với các đội tuyển mạnh khác như Brazil và Tây Ban Nha thì đội tuyển Anh cũng không vượt trội, thậm chí họ còn kém hơn nhiều thứ. Do đó theo tôi thì khả năng cao nhất của họ là có thể vào đến bán kết, còn khả năng vô địch thì rất khó. Mặc dù đây là đội bóng mà ở tất cả các giải đấu họ tham gia thì trước khi bước vào giải họ luôn được đánh giá là một trong những ứng cử viên vô địch, nhưng đó có thể là sự ưu ái của báo chí, của những người hâm mộ thường xuyên theo dõi giải bóng đá ngoại hạng Anh, nên có tình cảm một cách tự nhiên với đội bóng này, nhưng tôi nghĩ khả năng vô địch của họ không cao."


Cựu ngôi sao đội tuyển bóng đá Việt Nam Đặng Phương Nam, hiện đang là huấn luyện viên của đội U-17 Viettel đồng thời là một nhà bình luận bóng đá, cũng nhận định rằng đội tuyển Anh nhận được sự ưu ái của nhiều người hâm mộ, song "các chú Tam Sư" khó có khả năng lập lại thành tích của họ năm 1966.

Đặng Phương Nam: "Một đội bóng tương đối yêu thích nữa là đội tuyển Anh. Nhưng đó là mặt tình cảm thôi, chứ nếu xét thành tích của đội tuyển Anh ở World Cup thì cũng chưa có gì nổi bật."


Nhận định về đội tuyển Mỹ, bình luận viên Quang Dũng nói rằng đội bóng này được xây dựng trên sức mạnh đồng đội được đánh giá rất cao.

BLV Quang Dũng: "Thực ra đội tuyển Mỹ từ trước đến nay chưa hề có ngôi sao, kể cả tại World Cup 1994 trên đất Mỹ thì đội tuyển này cũng không có ngôi sao. Năm 98 thì họ là một trong những đội thi đấu kém nhất, thua cả 3 trận. Đến năm 2002, họ thi đấu tốt nhất so trong khoảng 20 hay 30 năm trở lại đây, họ đã vào đến tứ kết, và kể cả thời điểm đó họ cũng không có ngôi sao.

Tôi nghĩ với đối bóng như đội tuyển Mỹ, vấn đề ngôi sao có lẽ không phải là quan trọng lắm, bởi họ đã thích ứng được với lối chơi đồng đội, trong tư duy chơi bóng của họ, họ tư duy xây dựng một đội bóng, chứ không phải một đội bóng xoay quanh một cá nhân cầu thủ nào đó. Tôi nghĩ các huấn luyện viên Mỹ xây dựng đội bóng theo hướng là một đội bóng chơi tập thể, lấy sức mạnh tập thể để bù đắp cho những sự thiếu hụt đó.

Đội tuyển Mỹ có một tập thể trẻ. Chẳng hạn như tiền đạo Jozy Altidore, anh thi đấu ở các câu lạc bộ thì rất bình thường, thậm chí nhiều khi còn vụng về, thô kệch, nhưng khi vào đội tuyển Mỹ thì anh chơi rất hay, như cách đây một năm tại Confederations Cup. Hoặc giống như cầu thủ Clint Dempsey, rôài Landon Donovan. Tóm lại khi họ gặp nhau, tập hợp thành một đội bóng thì khả năng thể hiện của họ lớn hơn chính cái khả năng của cá nhân của họ ở câu lạc bộ. Tôi nghĩ cái thế mạnh nhất của họ là một tập thể, và có một huấn luyện viên biết sử dụng cái tập thể đó một cách tốt nhất."


Đa số các phân tích, đánh giá đều theo xu hướng hai đội tuyển Anh và Mỹ sẽ tiến xa hơn vòng bảng.

BLV Minh Hải: "Trong Bảng C thì rõ ràng một 'suất cứng' thuộc về người Anh rồi. Mỹ cũng có những đầu tư nhất định về bóng đá, tuy nhiên những thành tích của độ Mỹ cũng không phải là cao, đặc biệt là những cầu thủ như Landon Donovan cũng đã luống tuổi rồi.

Algeria rõ ràng là một đội bóng quá mới mẽ. Algeria chính là nơi đã sản sinh ra Zidane. Nền bóng đá của đất nước này chỉ tự hào có mỗi Zidane, nhưng anh đã sang Pháp thi đấu và khoác áo đội tuyển Pháp.

Slovenia cũng là một đội bóng tương đối, tuy nhiên khi chưa tách ra, các cầu thủ Nam Tư ngày xưa tập trung ở Serbia & Montenegro nhiều hơn là ở Slovenia. Theo tôi thì Slovenia khó có thể cạnh tranh được với những nền bóng đá dù sao cũng đã thi đấu ở World Cup nhiều hơn như đội Mỹ.

Đội Mỹ hiện nay có tương đối nhiều các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, đặc biệt là tại các giải ngoại hạng. Thật sự các cầu thủ có thể trụ được ở những giải ngoại hạng, tôi nghĩ họ đều có những vũ khí bí mật. Vấn đề của đội Mỹ ở đây chính là cái vị trí đầu tàu, tức là ông huấn luyện viên trưởng. Nếu ông có đủ thời gian, cũng như có đủ sự tinh tế về mặt chiến thuật để sử dụng con người đúng nơi, đúng chỗ và đúng thời điểm thì tôi nghĩ là đội Mỹ và đội Anh sẽ là hai đại diện của Bảng C để đi vào vòng trong."


Nhận định vừa rồi của bình luận viên Minh Hải ở Hà Nội đã kết thúc câu chuyện thể thao kỳ này tại đây.

Nếu quý thính giả muốn góp những câu chuyện, ý kiến và bình luận liên quan đến World Cup sắp tới, xin vui lòng gởi E-mail về địa chỉ vietnamese@voanews.com, trên tiêu đề ghi là 'World Cup'.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG