Hãng ôtô tư nhân non trẻ của Việt Nam, VinFast, sẽ chính thức cho ra mắt 2 mẫu xe tại triển lãm tầm cỡ thế giới Paris Motor Show hôm 2/10, chỉ hơn 1 năm sau khi hãng khởi công tổ hợp sản xuất ở Hải Phòng, theo báo chí Việt Nam.
Các bài tường thuật của báo chí trong nước cho hay 2 mẫu xe sẽ được trưng bày gồm một bản xe du lịch (sedan) có tên gọi chính thức là LUX A2.0, và một bản xe tiện ích thể thao (SUV) được đặt tên là LUX SA2.0.
Các bài báo khen ngợi việc VinFast đã thiết kế, phát triển xe, và lắp đặt dây chuyền sản xuất một cách “thần tốc”.
Tin cho hay, đây là kết quả của việc hãng ô tô này “táo bạo” chọn cách “đi tắt đón đầu”, bằng cách ký kết các thỏa thuận với “hàng loạt đối tác lớn”, bao gồm Siemens về xây dựng nhà máy, BMW về mua bản quyền sở hữu trí tuệ, Pininfarina về thiết kế, và hay Bosch về giải pháp phần cứng, phần mềm và dịch vụ.
Hiện mới chỉ có một số thông tin sơ lược về 2 mẫu xe sắp được tung ra của VinFast, thành viên thuộc Vingroup, tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Theo trang Vietnam Finance, bản sedan có dẫn động cầu sau với công suất 175 mã lực, mô-men xoắn cực đại 300 newton mét. Còn dòng SUV có bản dẫn động cầu sau hoặc bản tuỳ chọn là dẫn động bốn bánh, từng bản lần lượt có công suất của 175 mã lực, mô-men xoắn 300 Nm, và 228 mã lực, mô-men xoắn 350 Nm.
Trước cả triển lãm ở Paris, VinFast đã làm và giao 160 xe để thử nghiệm ở cả châu Á và châu Âu, theo báo mạng Soha.vn. Không cho biết thông tin này được lấy từ nguồn nào, Soha viết thêm rằng hai mẫu xe “trước mắt đã đạt được đánh giá 5 sao trong thử nghiệm an toàn va chạm của Ủy ban Đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á (ASEAN NCAP)”.
Khi đi vào sản xuất bắt đầu từ tháng 8/2019, nhà máy được đầu tư 3,5 tỉ đôla sẽ có công suất “250.000 xe mỗi năm” trong vòng 5 năm tiếp theo, một bản tin của Reuters cho hay. Còn trang tin Việt Nam Mới nói nhà máy VinFast có thể sản xuất được 38 chiếc ô tô mỗi giờ, với “hệ thống robot hiện đại, dây chuyền nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và Châu Âu”.
Vingroup sản xuất ôtô VinFast ở Việt Nam
Việt Nam ra mắt mẫu xe sedan, SUV đầu tiên
VinFast bắt tay với General Motors để sản xuất ô tô ở Việt Nam
Khá nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ các bài báo và đưa ra hàng trăm bình luận theo hướng cổ vũ, chúc mừng cho điều mà họ gọi là “những thành công ban đầu” của VinFast nói riêng và “niềm tự hào Việt” nói chung.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), viết trên trang Facebook cá nhân có trên 51.000 người theo dõi rằng ông đã phải “dùng quan hệ” để xếp chỗ mua hàng và ông thấy “may mắn” là đơn hàng của ông đặt mua 5 chiếc xe VinFast “đã được chấp nhận”.
Vị chủ tịch SSI cho biết ông sẽ là một trong những người “đầu tiên được nhận xe” và ông có suy nghĩ rằng “ai chả muốn là những người đầu tiên được sở hữu một chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam”.
Ông viết thêm rằng điều này không đơn giản chỉ là “niềm vui sở hữu một phương tiện đi lại”, mà hơn thế, đó là “tình cảm của những người luôn mong muốn xây dựng thương hiệu Việt Nam”.
Tuy nhiên, bên cạnh các bình luận lạc quan, tích cực, cũng có không ít ý kiến cho rằng cần thận trọng khi đánh giá về chặng đường sắp tới của VinFast.
Những người thuộc về nhóm phản biện chỉ ra rằng hai mẫu xe sắp ra mắt “hầu như không có gì của Việt Nam cả”. Một số người lưu ý đến thực tế là công nghiệp phụ trợ trong nước “gần như bằng không” để đưa ra quan điểm là trong điều kiện như vậy, “làm được 1 chiếc ô tô từ A đến Z trong vòng 2 năm thì đúng là ảo thuật”.
Nhiều người khác thận trọng cảnh báo rằng dù các hãng nước ngoài thiết kế và cung cấp linh kiện, vẫn cần thêm thời gian để “kiểm chứng chất lượng” của các sản phẩm VinFast.
VINFAST - giấc mơ ô tô Việt trong tầm tay hay xa vời?
Người Mỹ điều hành hãng xe của tỷ phú Việt tin vào ‘thắng lợi’
Giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam, ông Trần Khắc Huy, nói với VOA rằng dựa trên kiến thức của ông về quy trình sản xuất ô tô truyền thống, ông “không tin” là VinFast có thể “tự làm được xe thương hiệu Việt theo đúng nghĩa”.
Tôi tin rằng VinFast sẽ không cung cấp được giá phụ tùng theo đúng nghĩa là thương hiệu Việt, bởi vì phụ tùng xe không sản xuất tại Việt Nam, còn nhập khẩu vẫn chịu thuế nhập khẩu như phụ tùng các xe khác. Tôi tin rằng giá phụ tùng sẽ khá là cao, và đó không phải là một lợi điểm.Chuyên gia Trần Khắc Huy
Một khó khăn cơ bản, theo ông Huy là khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) vốn đòi hỏi phải có nhân sự trình độ rất cao và chi phí lớn. Trong khi đó, ông Huy cho rằng VinFast “chưa có ngay, hoàn toàn phải đi thuê”, và ngay cả khi hãng chi tiền để mua “cũng không dễ để có thể mua được” những thiết kế và công nghệ tốt nhất, mới nhất.
Ông nói thêm về khó khăn khác đang chờ đợi hãng này do lệ thuộc về công nghệ:
“Khi chạy xe, đương nhiên đi kèm theo phải là dịch vụ và phụ tùng. Tôi tin rằng VinFast sẽ không cung cấp được giá phụ tùng theo đúng nghĩa là thương hiệu Việt, bởi vì phụ tùng xe không sản xuất tại Việt Nam, còn nhập khẩu vẫn chịu thuế nhập khẩu như phụ tùng các xe khác. Tôi tin rằng giá phụ tùng sẽ khá là cao, và đó không phải là một lợi điểm”.
Những phân tích của vị giám đốc kỹ thuật thuộc Lamborghini và Bentley ở Việt Nam cũng trùng với cách nhìn của ông Bill Russo, người đứng đầu hãng Automobility chuyên tư vấn về ô tô, có trụ sở đặt tại Thượng Hải.
Ông Russo, cũng từng là một giám đốc của hãng ô tô Chrysler, nói với Reuters trong một bài viết về VinFast đăng hôm 1/10: “Việc họ thuê bên ngoài làm thiết kế và chế tạo, cũng như việc họ lệ thuộc vào R&D của nước ngoài cho tôi thấy là họ đang đi theo con đường truyền thống mà có lẽ không còn có tính cạnh trạnh trong một kỷ nguyên của các dịch vụ di chuyển kỹ thuật số”.
Doanh nhân và chuyên gia kỳ cựu này nói thêm với Reuters: “Câu hỏi quan trọng là vì sao thế giới lại cần có thêm một nhãn hiệu ô tô nữa cơ chứ, trong một thời đại khi mà các phần cứng đang trở thành hàng hóa phổ biến”.
Trước đây, 2 dự án ô tô khác ở Việt Nam thất bại, là VEAM do nhà nước chống lưng và Vinaxuki của tư nhân.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA khi VinFast khởi công xây nhà máy, ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành Dong A Solutions, một hãng tư vấn cho các doanh nghiệp nội địa, nhận định rằng: “Nếu có một cách nào đó để VinFast thành công, thì Vingroup phải dựa vào chính sách, tác động vào chính sách”.
Căn cứ vào những kết quả mà tập đoàn đạt được từ việc đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ bất động sản, chuỗi bán lẻ cho đến trường học, bệnh viện, chuyên gia Trần Bằng Việt bày tỏ tin tưởng là VinFast có thể làm được, nhưng ông cũng thận trọng bổ sung rằng họ “làm tốt đến đâu chúng ta phải chờ thêm”.