Từ ngày xảy ra sự cố – tức là ngày 18 tháng 7 – đặc điểm mà chính phủ mô tả nhóm những kẻ bị cáo buộc là tấn công và các chi tiết khác vẫn tiếp tục biến chuyển. Thoạt đầu, đám này bị gọi là “côn đồ,” rồi sau đó, sự cố này lại được các cơ quan truyền thông nhà nước gọi là “một vụ tấn công khủng bố bạo lực nghiêm trọng.” Tuy nhiên, khi nâng số người bị sát hại từ 4 lên đến 18 người thì nhà chức trách gọi các thủ phạm là “những kẻ gây bạo động.”
Các tổ chức người Uighur ở nước ngoài bác bỏ các bài tường thuật về vụ việc được các cơ quan truyền thông nhà nước đưa ra và nói có ít nhất 20 người thiệt mạng và 70 người khác bị bắt giữ. Họ nói giao tranh giữa hai bên khởi sự khi cảnh sát nổ súng vào người biểu tình.
Ông Nicholas Bequelin là một nhà khảo cứu của tổ chức Human Rights Watch làm việc ở Hong Kong.
Ông Bequelin nói: “Báo cáo đầu tiên nói có 4 người chết, nay con số này đã lên tới 20. Đã có những cáo buộc bắt cóc và tấn công bằng bom, nay lại có những cáo giác khác cho rằng huấn luyện khủng bố đã dẫn tới vụ tấn công này. Tất cả đều rất lộn xộn và thực tình rất thiếu thuyết phục từ phía chính phủ.”
Bất kể sự lộn xộn này, ông Becquelin nói ông không muốn nói là đã không xảy ra vụ bạo động.
Ông Bequelin nói tiếp: “Sẽ là điều rất thiếu thận trọng nếu ta bỏ qua sự kiện là đã xảy ra những vụ bạo động và các hoạt động chống nhà nước ở Tân Cương, và đặc biệt ở vùng nam Tân Cương. Nhưng, vụ việc này không thể được xét vượt ra ngoài bối cảnh lớn hơn là tình trạng đàn áp chính trị nghiêm trọng và rộng khắp đối với người Uighur gây ra bởi nhà nước và những mối lo ngại về tương lai của người Uighur.”
Tân Cương chiếm khoảng 1 phần 6 diện tích lục địa của Trung Quốc và rất quan trọng về chiến lược đối với nước này vì trữ lượng dồi dào về dầu khí và vị trí gần kề với Afghanistan, Pakistan và Trung Á. Khu vực này là nơi sinh cư của nhiều người sắc tộc Uighur, khối dân thiểu số nói tiếng Turkic. Trung Quốc cáo buộc một số thành viên của cộng đồng này là mưu tìm sự độc lập thông qua bạo lực.
Ông Sean Roberts, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Phát triển Quốc tế tại trường Đại học George Washington cho rằng căng thẳng giữa người Hán tộc Trung Quốc và nhóm sắc tộc Uighur chủ yếu theo Hồi giáo đã có từ hồi ít nhất là thế kỷ thứ 19.
Ông Roberts nói: “Nhưng trong những năm gần đây, đã có một vài vấn đề nổi bật. Một là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và một số biện pháp được nhà nước Trung Quốc tiến hành để đàn áp các sinh hoạt chính trị của người Uighur dưới danh nghĩa chống khủng bố, điều thứ nhì đang xảy ra bây giờ ở Tân Cương là nhà nước Trung Quốc đang phát triển vùng Tân Cương với tốc độ chóng mặt.”
Tin tức chính thức về vụ việc xảy ra trong tháng này đã được thêm thắt với các chi tiết về cách thức vụ tấn công đã được hoạch định trước ra sao và vụ này đã bị cáo buộc là công trình của các phần tử cực đoan tôn giáo như thế nào.
Tin tức nói rằng những kẻ tấn công đã nói bằng một ngôn ngữ không phải của người địa phương, và họ đã mua vũ khí sau khi đến nơi, để không gây sự chú ý đến mình. Họ cũng bị cáo buộc là đã treo một “lá cờ thánh chiến” trên nóc của trạm cảnh sát trong lúc xảy ra vụ giằng co.
Cũng đã có những gợi ý rằng các cuộc tấn công được dàn dựng từ ngoài nước. Một số chuyên gia phân tích khủng bố Trung Quốc đã nêu ra ảnh hưởng của các tổ chức ở nước Pakistan bên cạnh.
Văn phòng chống khủng bố cấp quốc gia của Trung Quốc đã phái một toán công tác đến Tân Cương để điều tra về vụ việc, nhưng chưa đưa ra lời bình về vụ tấn công.
Thành phố miền sa mạc Hotan nằm ở tây nam Tân Cương, gần ven biên giới phía tây Trung Quốc giáp với Pakistan và Afghanistan.
Các chuyên gia phân tích nêu ra điểm là trong quá khứ, đã có một số liên hệ với các nhóm khủng bố bên ngoài Tân Cương, tỷ như các phần tử cực đoan người Uighur được cho là đã bị sát hại trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ ở Pakistan hồi năm ngoái; sự xuất hiện thi thoảng của các băng hình video, và sự kiện người Uighur nằm trong số những người bị bắt và giam giữ ở Guantanamo sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ.
Ông Bequelin nói rằng mặc dù các liên hệ vừa kể không đáng tin cậy, Trung Quốc cũng đã từng thổi phồng các liên hệ đó trước đây.
Ông Bequelin cho biết: “Mỗi khi cảnh sát bắt giữ một nhóm bị cáo giác là khủng bố, khi họ công bố chi tiết loại vũ khí và bom được phát hiện, thì những bằng chứng này có xu hướng chứng tỏ là không có sự liên hệ với Pakistan và Afhganistanbởi vì vũ khí và chất nổ rõ ràng là rất thô sơ và được chế tạo trong nước chứ không phải được nhập vào, hay đưa lậu qua từ Trung Á hay từ Pakistan, hoặc Afghanistan, nơi vũ khí rất sẵn sàng có được.”
Sau vụ tấn công tuần trước, công an Trung Quốc nói họ đã tịch thu khoảng 30 vũ khí trong đó có gươm, dao, mã tấu và rìu cũng như 3 quả bom tự chế Molotov, 47 hòn đá và một súng ná.
Ông Raffaello Pantucci, một phó giáo sư tại Trung Tâm Khảo cứu Quốc tế về chủ nghĩa quá khích tại trường đại học King’s College, nói rằng vụ bộc phát bạo động mới nhất này dường như mang tính cách nhiều hơn của một vụ bùng nổ sự căm phẫn ở mức độ địa phương.
Ông Pantucci nói: "Về bằng chứng mà ta nhìn thấy cho đến giờ này, thì rất khó nói được họ là ai, nếu ta coi đây là một mạng lưới khủng bố có tổ chức được đào tạo ở Pakistan về chế tạo bom và súng và rồi gửi người và các mạng lưới đến đó để trở về Trung Quốc thực hiện các vụ tấn công, tôi muốn nói là mức độ các vụ tấn công mà ta đã thấy với chất lượng và tầm cỡ thấp kém như thế, thì rất khó mà tưởng tượng đây là điều mà họ nhắm tới để thực hiện.”
Các bản tin của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc chưa nêu ra động cơ nào của các vụ tấn công ngoài mục đích rộng lớn hơn của chủ trương ly khai và cố tình nhắm mục tiêu vào các bộ phận chính trị và luật pháp địa phương. Họ bác bỏ những khẳng định của các tổ chức người Uighur ở nước ngoài rằng vụ này xảy ra sau những vụ biểu tình của cư dân địa phương.
Danh tính của những kẻ tấn công đã bị giết hoặc của 4 người đã bị câu lưu chưa được công bố. Các bản tin Trung Quốc nói rằng những kẻ liên can đến vụ việc ở trong độ tuổi từ 20 đến 40.
Tuy nhiên, các bản tin của giới truyền thông nhà nước đã nêu ra rằng không phải tất cả những người bị thương và thiệt mạng đều là người Hán tộc Trung Quốc và rằng nhiều người thuộc các sắc dân thiểu số.
Đã hơn một tuần lễ trôi qua kể từ khi vùng Tân Cương hẻo lánh của Trung Quốc bị tác động bởi một vụ bạo động tệ hại nhất từ hơn một năm nay. Chi tiết của sự cố vẫn còn mù mờ. Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tường trình có ít nhất 18 người thiệt mạng sau khi một nhóm những kẻ tấn công có vũ trang xông vào một trạm cảnh sát ở thành phố Hotan miền nam Tân Cương. Các giới chức nói có 14 người trong số này bị những kẻ tấn công giết chết, nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA William Ide từ Bắc Kinh thì vẫn còn chưa rõ những kẻ bị cáo buộc là tấn công là ai, và nguyên do đưa đến vụ bạo động là gì.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1