Một tuyến xe lửa cao tốc mới, nối Hoa Lục với Hồng Kông, đã gặp phải những sự chỉ trích vì Bắc Kinh định bố trí cảnh sát Trung Quốc tại trạm xe lửa ở Hồng Kông.
Nhà ga ở Tây Cửu Long của tuyến xe lửa cao tốc nối Cửu Long với Quảng Châu đến năm 2018 mới bắt đầu hoạt động, nhưng đầu tuần này các giới chức Hồng Kông xác nhận là nhân viên an ninh Trung Quốc sẽ được phép chấp hành luật lệ bên trong nhà ga.
Những người chỉ trích nói sự thừa nhận của ông Viên Quốc Cường, Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông, dẫn tới câu hỏi là những luật lệ nào sẽ được chấp hành ở nhà ga và phải chăng hành động này là một sự vi phạm đối với nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, là nguyên tắc được áp dụng lâu nay cho các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hồng Kông.
Kế hoạch này nhanh chóng gặp phải sự chống đối kịch liệt và một số thành viên của Viện Lập pháp Hồng Kông hứa sẽ tẩy chay.
Nghị viên Lương Quốc Hùng, một chính trị gia tả khuynh ở Hồng Kông, phát biểu như sau.
"Vấn đề là, nếu họ để cho các viên chức của Trung Quốc thi hành công tác chấp hành pháp luật, thì đó sẽ là một vấn đề chính trị và cũng là một vấn đề hiến pháp".
Sau các cuộc thảo luận với những viên chức lãnh đạo ngành tư pháp Trung Quốc ở Bắc Kinh, ông Viên Quốc Cường nói “để có thể xử lý vấn đề địa điểm chung, có một việc không thể tránh được là cảnh sát Hoa Lục phải được quyền chấp hành luật pháp tại nhà ga Tây Cửu Long”. Ông cho biết điều đó sẽ làm cho chốt kiểm soát hợp nhất này “phức tạp hơn” so với những chốt kiểm soát tương tự giữa Pháp và Anh trên tuyến xe lửa Eurostar.
Nhưng ông Viên Quốc Cường đã tìm cách trấn an những người chỉ trích. Ông nói rằng luật lệ tại nhà ga đó sẽ phù hợp với Bộ luật Cơ bản của Hồng Kông và nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.
Ông cho biết sẽ có thêm các cuộc thảo luận về việc này giữa hai chính phủ vào đầu năm tới.
Nhiều nhà lập pháp Hồng Kông, trong đó có Nghị viên Trần Vĩ Nghiệp, cho rằng việc này rõ ràng là vi phạm cả hai nguyên tắc.
"Nếu nhà chức trách Trung Quốc được dành cho quyền hạn pháp lý để chấp hành luật lệ trên lãnh thổ Hồng Kông, các quyền của người dân Hồng Kông sẽ bị chà đạp bằng cách này hoặc cách khác. Và toàn bộ hệ thống của chúng ta sẽ bị rối loạn".
Với sự độc lập tư pháp và một khuôn khổ pháp lý dựa trên Dân luật Anh Quốc, Hồng Kông có một hệ thống pháp lý rất khác với hệ thống của Trung Quốc, và Bộ luật Cơ bản, hay “Tiểu Hiến pháp”, của Hồng Kông bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do hội họp.
Điều này nêu bật câu hỏi là các viên chức cảnh sát Trung Quốc sẽ chấp hành những luật lệ nào tại trạm xe lửa ở Hồng Kông.
Ông Trần Vĩ Nghiệp nêu ra câu hỏi là việc gì sẽ xảy ra trong trường hợp các nhà tranh đấu dân chủ Hồng Kông thực hiện một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại nhà ga xe lửa đó, trong một hành động vi phạm luật lệ hiện hành ở Trung Quốc nhưng không vi phạm luật lệ của Hồng Kông?
Những người chỉ trích cho rằng kế hoạch của Trung Quốc có thể dẫn tới sự xói mòn của các quyền tự do ở Hồng Kông vì nó lập ra một tiền lệ để cho phép nhân viên an ninh Trung Quốc hoạt động tại đặc khu hành chánh này.
Ông Lê Quảng Đức, Phó Chủ tịch Đảng Công dân ở Hồng Kông, nhận định như sau.
"Một khi Trung Quốc có được cơ sở pháp lý, thì sớm muộn gì nguyên tắc đó và những sự dàn xếp đó sẽ lan sang những nơi khác ở Hồng Kông".
Ông Lê Quảng Đức tố cáo các giới chức Hồng Kông toa rập với các giới chức Trung Quốc để ép buộc người dân Hồng Kông để cho Trung Quốc chấp hành pháp luật trên lãnh thổ của mình.
Theo ông Lê Quảng Đức, trước đây, khi chưa có kế hoạch bố trí cảnh sát Trung Quốc tại nhà ga Tây Cửu Long, Quốc hội Trung Quốc muốn đặt chốt kiểm soát của cảnh sát Hoa Lục cho tuyến xe lửa cao tốc này tại thành phố Thâm Quyến.