Tổng thống Obama đạt được một số thắng lợi về mặt lập pháp trong năm 2010.
Ông ký thành luật các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các định chế tài chính Mỹ, siết chặt an ninh dọc theo biên giới với Mexico, và một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trong năm là cải cách tổng thể cách thức người dân Mỹ chi trả cho bảo hiểm sức khỏe.
Nhưng nền kinh tế quốc gia tiếp tục đình trệ, giống như mức ủng hộ dành cho Tổng thống.
Và trong tháng 11 vừa qua, cử tri đã giao quyền kiểm soát Hạ Viện cho các đảng viên phe Cộng hòa đối lập, gửi một tín hiệu cho ông Obama:
"Sau một đêm dài cho nhiều người và dĩ nhiên là cho bản thân tôi nữa, tôi có thể nói rằng một số đêm bầu cử vui hơn các đêm khác. Một số hồ hởi, một số thì khiêm tốn.”
Theo kết quả thắng lợi to lớn mà phe Cộng hòa đạt được ở Quốc hội, nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống sẽ gặp khó khăn trong việc thông qua các dự luật trong năm 2011.
Nhà chiến lược của đảng Dân chủ, ông Mark Penn, nói Tổng thống Obama sẽ phải cần đến sự hỗ trợ của phe Cộng hòa:
"Giờ đây khi mà các đảng viên Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Hạ Viện, không việc gì có thể thông qua, trừ phi đạt được sự đồng thuận của cả lưỡng đảng hầu bảo đảm tiến trình đó."
Vẫn theo lời ông Penn, đây là một giai đoạn khó khăn trong nhiệm kỳ làm Tổng thống của ông Obama:
"Câu hỏi lớn mà dân chúng đang thắc mắc là liệu chúng ta sẽ có hai năm bế tắc hay 2 năm thành tựu nhờ sự hợp tác lưỡng đảng?”
Phe Cộng hòa và Dân chủ có quan điểm khác nhau về ý nghĩa của cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 11 vừa qua. Tổng thống Obama nói ông xem đó như một lời kêu gọi để hai đảng cùng bắt tay làm việc với nhau:
"Người dân Mỹ không bỏ phiếu cho sự bế tắc. Họ không bỏ phiếu để rồi không có nhân nhượng đảng phái. Họ yêu cầu có hợp tác và tiến bộ. Và họ yêu cầu tất cả chúng ta phải có trách nhiệm về điều đó, tôi xin nhấn mạnh là tất cả chúng ta.”
Nhưng nhà bình luận thuộc phe bảo thủ Amy Holmes cho rằng kết quả cuộc bầu cử Quốc hội chính là một sự khước từ đối với các chương trình của ông Obama:
"Đây là một đòn lớn nhất kể từ năm 1938 tới nay, và cử tri đã khẳng định rằng họ không muốn cái mà họ cho là nghị trình của một chính phủ cồng kềnh, cánh tả, tự do.”
Một trong những cuộc chiến quan trọng của ông Obama trong năm 2011 có lẽ là duy trì thành tựu của ông trong việc thông qua cải cách y tế năm 2010.
Các nhà lãnh đạo phe Cộng hòa tại Quốc hội, trong đó có Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối thiểu số ở Thượng viện, từng tuyên bố rằng cản trở luật này là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ.
Ông nói: "Chúng tôi có thể và nên liên tục đề nghị và bỏ phiếu dứt khoát đòi hủy bỏ luật này, nhưng chúng tôi không thể trông đợi là Tổng thống sẽ ký. Cho nên chúng tôi cũng sẽ phải làm việc tại Hạ Viện để từ chối các nguồn kinh phí để thực thi luật này; và tại Thượng Viện chúng tôi sẽ biểu quyết chống lại những điều khoản quá đáng nhất.”
Số đảng viên Cộng hòa tăng mạnh ở Quốc hội cũng có phần chắc sẽ cản trở các kế hoạch của Tổng thống về những sáng kiến liên quan biến đổi khí hậu và cải cách di trú, cùng nhiều vấn đề khác.
Chuyên viên Mark Penn cho rằng ông Obama có một cách xúc tiến nghị trình của mình:
"Hiện giờ tôi cho rằng Tổng thống phải làm hai việc chính là nhắm vào trọng tâm và tập trung vào kinh tế. Tổng thống nên tìm cách sớm thỏa hiệp với phe Cộng hòa, có thể là trong các vấn đề kinh tế."
Vẫn theo lời ông Penn, bài diễn văn của ông Obama về tình trạng liên bang dự kiến sẽ đọc vào cuối tháng Giêng hay đầu tháng hai tới đây sẽ cho thấy nghị trình của Tổng thống sẽ thay đổi hoặc không thay đổi đến mức nào.
Nhà bình luận bảo thủ Amy Holmes cũng tin là Tổng thống nên hướng tới trọng tâm chính trị, và nên bỏ các kế hoạch về những chương trình quá to tát:
"Theo tôi, trong hai năm tới, nếu Tổng thống hướng tới trọng tâm, nếu ông ta đứng giữa thế tam giác như ông Bill Clinton từng làm và theo đuổi các chính sách đạt được quan điểm chung với phe Cộng hòa, thì ông có thể hoàn thành các mục tiêu nhỏ."
Về mặt chính sách ngoại giao, bà Holmes cho rằng Tổng thống sẽ tiếp tục được phe Cộng hòa ủng hộ, bất chấp kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.
Bà cho biết: "Tổng thống Obama vẫn mở cửa căn cứ hải quân ở vịnh Guantanamo, tiếp tục đạo luật Patriot, tiếp tục cho sử dụng các máy bay không người lái, và chúng ta nên nhớ là ông Obama có một bộ trưởng quốc phòng mà ông thừa kế từ Tổng thống George Bush. Vì vậy, tôi cho rằng đây là điểm mà Tổng thống Obama và các đảng viên Cộng hòa sẽ có thể cùng làm việc với nhau và chứng tỏ một mặt trận thống nhất."
Một ưu tiên sẽ không được Tòa Bạch Ốc công bố công khai là đưa chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống vào năm 2012 đến chỗ thành công.
Nhà chiến lược Mark Penn từng giúp cựu Tổng thống Bill Clinton khắc phục những mất mát lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi năm 1994 và tái đắc cử vào hai năm sau. Ông Penn nói ông Obama có thể làm được như vậy:
"Nếu ông Obama có thể giảm tỷ lệ thất nghiệp, nếu ông hướng tới trọng tâm, thì ông thật sự có một nền tảng ủng hộ vững mạnh. Nhiều người Mỹ thích ông và muốn ông thành công."
Ông Penn, ông Holmes, và nhiều chuyên gia khác đồng ý rằng trên chính trường, hai năm là cả một quãng thời gian dài.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đạt tiến bộ lớn trong các chương trình làm việc trong năm 2010. Tuy nhiên, theo thông tín viên đài VOA, Kent Klein, tường trình từ Tòa Bạch Ốc thì qua năm 2011, ông Obama sẽ gặp sự chống đối mạnh mẽ hơn nhiều từ các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1