Đường dẫn truy cập

Yêu Hà Nội hơn trong những ngày Tết


Chợ Hoa Tây Hồ, nơi tập trung đủ các loài hoa phục vụ nhu cầu của người dân Hà Nội. Đặc biệt, ở đây có rất nhiều loại hoa đào, kể cả các loại quý hiếm từ các tỉnh miền núi phía bắc đưa về. (Ảnh: Lê Anh Hùng)
Chợ Hoa Tây Hồ, nơi tập trung đủ các loài hoa phục vụ nhu cầu của người dân Hà Nội. Đặc biệt, ở đây có rất nhiều loại hoa đào, kể cả các loại quý hiếm từ các tỉnh miền núi phía bắc đưa về. (Ảnh: Lê Anh Hùng)

Đầu tháng 1, người dân Hà Nội còn đang than vãn về khí trời ẩm ương khi mùa đông đến mà vẫn nắng nóng đổ mồ hôi, ấy thế mà ngay giáp Tết tiết trời bỗng trở lạnh, mang về cái se lạnh xưa cũ đầy quen thuộc. Chúng tôi lại phấn khởi bảo nhau về Hà Nội của những ngày Tết lạnh rất ngọt, vắng vẻ và bình yên. Sau gần 360 ngày đầy ồn ào và khói bụi, Tết về trả lại cho Hà Nội vẻ đẹp cổ kính vốn có với màu trời xam xám hơi buồn cùng chút mưa phùn thơm thơm mùi cỏ nhú trên nền đất ẩm. Không khí Tết đã tràn ngập khắp nẻo Hà Nội từ ngày 23 – tiễn ông Công, ông Táo về trời. Trên những khu phố, sắc đỏ tràn ngập từ trong nhà ra ngoài đường, trên bông đào còn e nụ hay dải dây treo tường chúc Tết… Người ta đi trên đường chậm rãi hơn, vui vẻ hơn, những lời nói ánh nhìn cũng xuề xòa với nhau hơn.

Gia đình tôi có thói quen tự làm bánh chưng ngày Tết, thông thường chúng tôi chuẩn bị đồ đạc, gói ghém vào ngày 28 Tết để đêm 30 kịp có bánh mới thắp hương cúng ông bà tổ tiên. Tuổi thơ tôi, nếu không có đêm thức trông bánh thì chưa phải Tết. Cái cảm giác mấy đứa nhỏ ngồi quanh nồi bánh chưng, chơi bài chán chê xong ngồi tán gẫu, ngắm nghía những đốm lửa tí tách rồi chìm dần vào giấc ngủ gà ngủ gật, sáng dậy đã thấy mình vùi trong chăn ấm, chạy xuống nhà thơm lừng mùi bánh mới mà thấy thèm thuồng. Thời gian này mỗi gia đình phải lượn qua lại chợ hoa ở khu Quảng An, Tây Hồ hay các cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám cả chục lần để ươm ướm cây đào cây quất phù hợp và những nhánh thủy tiên, huệ tây, đỗ quyên để trang trí nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Chiếc Honda chạy bon bon chở cây quất khổng lồ vàng rực phía sau xe hay buộc nhiều cành đào quấn lấy nhau trở thành một nét đặc trưng của phố phường Hà Nội dịp giáp Tết. Dù đứng giữa phố đông tắc đường chật cứng, nhìn thấy hình ảnh đó cũng bất chợt mỉm cười, cảm thấy thích thú biết bao. Với người Hà Nội cũ, nói đến chợ hoa thì thường nhắc đến chợ hoa Hàng Lược, đã tồn tại được hơn 100 năm nay, trở thành chợ hoa lâu đời nhất thủ đô. Tại khu chợ này, đào quất được bán và chọn lựa kỹ càng hơn, vì vậy mức giá cũng nhỉnh hơn. Trong khu Phố Cổ, đặc biệt là Hàng Mã, không khí Tết choáng ngợp bởi sắc đỏ rực rỡ của đèn lồng, hoa, đồ đồng, đồ giả cổ. Trên những con đường bé tẹo cắt giao giữa Hàng Lược, Hàng Mã, Thuốc Bắc, người và xe mua hàng hóa, trả giá ồn ào nhưng ít hẳn đi lời cãi vã, cộc cằn bởi niềm vui hân hoan sắm Tết. Nhiều người chẳng có ý định mua sắm cũng cứ chen chân vào ngắm nghía, chụp ảnh để tận hưởng không khí Tết quá đỗi náo nhiệt. Phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm mới chính thức mở vào dịp cuối năm 2016, cấm xe cộ đi lại vào ngày nghỉ cuối tuần để tạo thành một khu trung tâm vui chơi giải trí cho người dân. Vào dịp giáp Tết, không khó để bắt gặp một nhóm nhạc mặc áo dài Việt, đứng biểu diễn các nhạc cụ dân tộc trên một góc phố. Các bài hát nổi tiếng qua tiếng đàn nhị, đàn tranh và dàn trống truyền thống Việt Nam trở nên đặc sắc và cuốn hút vô cùng, khiến không chỉ người Việt cảm thấy thích thú mà du khách nước ngoài cũng phải ấn tượng mà đung đưa theo tiếng nhạc không lời sôi động.

Khoảng 10 năm trở lại đây, có ý kiến cho rằng nên bỏ dịp lễ Tết rườm rà, phức tạp hoặc ghép cùng dịp Tết tây để tiết kiệm thời gian, chi phí… Bản thân tôi cũng đã từng có lúc nghiêng về phía ủng hộ việc này khi sống xa nhà trong thời gian dài. Nhưng phải đến khi về đúng dịp Tết, ngồi cùng gia đình trong mâm cỗ Tất niên, khoác lên người chiếc áo dài màu đỏ mận, lang thang vào Văn Miếu ngồi ngắm nghía ông đồ già tô vẽ chữ, mới có cảm giác Tết là nhà, Tết là mẹ cha. Ngày Tết, như một nét văn hóa thấm nhuần vào từng người con của đất Việt, chỉ cần chút lạnh, chút mưa bay, là thấy nhớ da diết quê hương. Tôi đã dạo bước rất lâu qua khu Phố Cổ, Hồ Gươm, rồi chạy xe tà tà trên đường Thanh Niên đi một vòng Hồ Tây, bước vào ngôi chùa vắng ngửi chút hương trầm, nghe tiếng gõ mõ, để cố nhớ và giữ lại khoảnh khắc quý giá ấy. Quả thật Hà Nội đã đổi thay nhiều, nhưng cứ đến Tết lại trầm mặc và bao dung, đón những đứa con xa nhà đã lâu quay về đoàn tụ.

* Blog Trong lòng Hà Nội của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG