Đường dẫn truy cập

Cảm nhận của giới trẻ về cuộc bầu cử quốc hội 2011


Một cử tri xem danh sách ứng cử viên ở Hà Nội ngày 22/5/11
Một cử tri xem danh sách ứng cử viên ở Hà Nội ngày 22/5/11

Cuộc bầu cử quốc hội khóa 13 được tổ chức ngày 22/5 vừa qua để chọn ra 500 đại biểu trong cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam trong số 827 ứng cử viên. Theo tỷ lệ được nhà nước công bố, trong kỳ bầu cử này, cứ 100 ứng cử viên thì có 14 người ngoài đảng và số người tự ứng cử là 15, tức chưa tới 2% trong tổng danh sách ứng cử viên. Cảm nhận của giới trẻ về cuộc bầu cử 5 năm một lần này như thế nào? Đó cũng là nội dung cuộc thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên tuần này, ghi nhận ý kiến của 3 cử tri trẻ từ 3 miền đất nước.

Duy: Tôi là Bá Duy ở Bạc Liêu.

Trung: Tôi là Trung, cử tri Đà Nẵng, miền Trung.

Hiệu: Mình là Hiệu, cử tri khu vực miền Bắc.

Trà Mi: Cảm nhận của các bạn về cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13 như thế nào?

Duy: Về trình tự, thủ tục bầu cử, mình không có ý kiến. Tôi chỉ đặt trọng tâm về vấn đề nhân sự được giới thiệu. Nhiệm vụ của Quốc hội là làm luật, soạn luật để ban hành vào cuộc sống. Cho nên, ứng cử viên vào Quốc hội phải là những người có kiến thức nhất định về pháp luật, phải có trình độ lập pháp mới có thể thực hiện tốt chức năng của Quốc hội. Nhưng hiện nay tôi thấy việc lựa chọn nhân sự cho Quốc hội chủ yếu đặt nặng vấn đề cơ cấu, tức phải có đủ các thành phần dân tộc thiểu số, tỷ lệ nam nữ..v..v. Theo tôi, việc này không quan trọng. Cái cử tri cần nhất là những người có năng lực lập pháp, những người biết làm luật, điều cốt yếu giúp Quốc hội mạnh và hoạt động có hiệu quả.

Trà Mi: Anh Duy nói rằng không có ý kiến về trình tự, thủ tục của hoạt động bầu cử ở Việt Nam. Anh có thể cho biết lý do vì sao?

Duy: Vấn đề đó tôi thấy cũng bình thường thôi, không có gì cần phải sửa đổi nhiều, nên tôi không có ý kiến về việc đó.

Trà Mi: Cảm ơn anh Duy. Bây giờ xin mời ý kiến của cử tri miền Bắc. Hiệu ghi nhận như thế nào về cuộc bầu cử này, bạn nhận xét sự hưởng ứng của cử tri trong nước ra sao, có gì khác biệt so với những lần bầu cử khác?

Hiệu: Mình thuộc giới trẻ. Xưa nay em đã được đi bầu cử vài lần. Em nhận thấy việc bầu cử đối với người dân Việt Nam chỉ là một nghĩa vụ thôi, chứ không phải là quyền lợi. Trong khi nhà nước kêu gọi đó là quyền lợi của người dân, nhưng em thấy đây chỉ là nghĩa vụ. Đa phần là một người đi bầu cho cả nhà. Ông trưởng xóm hô hào vận động, đưa phiếu cho, rồi mình tới phòng phiếu ‘gạch bừa’ miễn sao đủ để bỏ vào thùng phiếu thôi. Không biết miền Nam và miền Trung thế nào, chứ em thấy ở miền Bắc người ta đi bầu cử chỉ để làm cho xong trách nhiệm thôi.

Trà Mi: Người bạn còn lại có ý kiến nào khác không? Có đồng ý với ghi nhận của Hiệu không?

Trung: Năm nay mình cũng được đi bầu cử. Mình thấy đúng như Hiệu nói. Số người ứng cử họ đã được chọn trước, nhưng cũng không rõ tiêu chí và cách thức họ chọn trước đó như thế nào. Khi họ chọn, họ chẳng thông báo, thông tin gì cả. Các cử tri thường đi bầu cho qua nhiệm vụ, có khi nhờ bạn bè đi bầu dùm cho nữa.

Trà Mi: Trung không hiểu những người được đại diện, được đề cử dựa trên những tiêu chí nào, được chọn ra sao?

Duy: Tôi có thể giải thích cho anh Trung. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương rà soát, chọn ra những người có tiếng tăm, uy tín, và năng lực một chút. Số này cộng với những người tự ứng cử. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, người dân hầu như không quan tâm và thờ ơ với vấn đề chính trị, dù nhà nước có khuyến khích tự ứng cử. Tuy nhiên, thực tế không có mấy người nộp đơn tự ứng cử. Thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, người ta lo làm ăn, kinh doanh, nên thờ ơ với chính trị rất nhiều.

Trà Mi: Theo anh Duy, tỷ lệ tự ứng cử ở Việt Nam thấp là do ý thức của người dân về quyền chính trị và quyền bầu cử còn thấp. Thế còn ý kiến các bạn khác thế nào?

Duy: Luật pháp có quy định cho phép người dân ra ứng cử nhưng tại dân không ra thôi, chứ không phải là không có quyền ra.

Trà Mi: Ý kiến hai bạn còn lại ra sao?

Trung: Nói chung bây giờ hoàn cảnh xã hội không cho phép, khiến một số người rất ngại.

Trà Mi: Duy cho rằng do ý thức người dân, Trung thì nói do môi trường ở Việt Nam chưa tạo điều kiện cho người ta tự ra ứng cử. Hiệu nhận xét như thế nào về tính dân chủ, tính công bằng trong hoạt động bầu cử tại Việt Nam?

Hiệu: Ở Việt Nam, điều kiện và tiêu chuẩn đầu tiên để một người ra ứng cử là phải vào đảng, sinh hoạt trong đảng. Bạn nào muốn ứng cử phải vào đảng cái đã.

Trà Mi: Theo các bạn, điều này có hợp lý không? Các bạn đồng ý hay không hài lòng ở điểm nào không?

Hiệu: Điều này bất hợp lý. Chúng ta bầu người làm đại biểu Quốc hội, người nói lên tiếng nói của dân, làm ra luật pháp nước CHXHCN Việt Nam. Vậy mà gạt bỏ hẳn một bộ phận như thế liệu có công bằng, dân chủ hay không? Đấy là một bất công.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của Trung. Bạn nhận xét thế nào về quy cách ‘đảng cử, dân bầu’ ở Việt Nam?

Trung: Trung có ý kiến giống người bạn miền Bắc. Hy vọng sau này mình sẽ có nhiều người đại diện cho dân hơn. Còn cứ ‘đảng cử, dân bầu’ kiểu này cứ quay đi quay lại thật ra chẳng có gì mới cả. Trung hy vọng sau này tình hình sẽ tốt hơn.

Trà Mi: Có người nêu thắc mắc rằng vì sao không thể là ‘dân cử, dân bầu’ mà phải là ‘đảng cử, dân bầu’ trong khi đại biểu Quốc hội vốn được coi là “dân cử”, “dân biểu” kia mà? Ý kiến của Duy thế nào?

Duy: Không phải toàn bộ là do đảng cộng sản quyết định. Luật pháp đã quy định và cho dân quyền tự ứng cử, nhưng tại anh không thực hiện quyền đó, thì anh không thể nói là đảng cộng sản độc quyền trong vấn đề bầu cử. Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, đương nhiên họ được giới thiệu người của mình ra ứng cử. Luật pháp cũng cho phép các tổ chức, đoàn thể, lẫn cá nhân không tham gia tổ chức nào cũng được quyền ra ứng cử, nhưng tại anh không thực hiện quyền của anh thôi. Hai bạn nói tiêu chí đầu tiên ứng cử đại biểu Quốc hội phải là đảng viên. Đó là do nhận thức của hai bạn một phần bị hạn chế, không xem kỹ. Thực tế có rất nhiều ứng cử viên ngoài đảng, thuộc nhiều thành phần khác nhau về tôn giáo, dân tộc, rất là đông.

Trà Mi: Tỷ lệ được công khai là 90% các đại biểu Quốc hội là người trong đảng, ‘số đông’ Duy nói so với tỷ lệ này là một chênh lệch quá lớn, khiến gây ra nhiều tranh luận và tranh cãi.

Duy: Để có tỷ lệ đó thì qua các bước như sau. Đầu tiên, ứng viên nộp đơn ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Ủy ban bầu cử ở các cấp sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc đến địa phương nơi ứng cử viên cư trú và tới cơ quan ứng viên đang công tác để tổ chức hội nghị hiệp thương lấy ý kiến cho quần chúng khu vực đó nhận xét. Nếu ứng viên được hơn 50% ý kiến nhận xét là có đạo đức, tư cách, nhân thân tốt, sẽ được biểu quyết giới thiệu ra ứng cử. Cái tỷ lệ thấp đó là do từ các hội nghị hiệp thương. Có thể trong các hội nghị hiệp thương, người ta thấy những người đó chưa đủ đạo đức, năng lực, thì họ không giới thiệu, dẫn tới tỷ lệ đó thôi.

Trà Mi: Theo Duy, tỷ lệ 1/10 là do trong quá trình hiệp thương, các đại biểu tự ứng cử chưa đủ khả năng nên chưa được chọn. Hiệu và Trung có ý kiến ra sao?

Trung: Tổ chức để lấy ý kiến dân và lấy số liệu? Em không tin tưởng vào tất cả các số liệu đó. Thật sự em không hài lòng.

Hiệu: Thông tin sau bầu cử nói là 97% người dân tham gia bầu cử, nhưng kết quả đó em nghĩ cũng không phải là thật. Các ứng cử viên thuộc các tập thể, hội đoàn khác tự ra ứng cử thường bị loại ra ngay từ vòng đầu. Em thấy một điều rất buồn cười rằng ‘đảng đề cử, dân bầu’ nhưng bây giờ dân không biết gì về các ông ấy, chỉ qua một sơ yếu lý lịch 1-2 trang giấy, mà bảo bầu ra làm đại diện cho mình, như thế có hợp lý không? Nếu đảng cho các ứng cử viên đó công khai đứng ra cho dân biết họ, biết khả năng, năng lực, trình độ của họ, thì lúc đó dân đi bầu cử mới đúng. Còn đằng này đảng cứ đẩy ra mấy người vào danh sách bầu cử rồi bảo bầu, mặt ngang mũi dọc các ông ấy tôi chả biết, trình độ như thế nào tôi không tin, thì tôi đi bầu tôi cứ gạch bừa đi vậy.

Duy: Thực tế ở phương Tây, việc anh ra ứng cử Quốc hội cũng đâu phải hoàn toàn là do tự cá nhân anh mà phải từ một tổ chức chính trị nào đó. Ở Mỹ chẳng hạn, nếu không phải là người của đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa, khi ra ứng cử vào Thượng hay Hạ viện, khả năng thắng cử của anh rất thấp. Theo tôi quan sát, trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ, đại đa số là người của hai đảng này, chứ đâu phải một cá nhân đơn lẻ mà đứng ra tranh cử được.

Trà Mi: Lý luận của anh Duy đưa ra có thuyết phục mọi người hay không? Mời quý vị đón nghe trong phần thảo luận tuần tới, và các bạn nghe đài có ý kiến ra sao về quy cách ‘đảng cử, dân bầu’ ở Việt Nam? Mời quý thính giả tham luận với chương trình trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang web www.voatiengviet.com, trang facebook của VOA: http://www.facebook.com/VOATiengViet hoặc qua địa chỉ email vietnamese@voanews.com. Các bạn trẻ muốn trực tiếp góp tiếng trong các chủ đề thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên, vui lòng để lại số phone, chúng tôi sẽ liên lạc mời các bạn tham gia.

Tạp chí Thanh Niên hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG