Đường dẫn truy cập

Bản án Cù Huy Hà Vũ trong mắt giới trẻ (phần 2)


Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tại tòa phúc thẩm ngày 2/8/2011
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tại tòa phúc thẩm ngày 2/8/2011

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và những người ủng hộ ông nói các hoạt động kêu gọi đa đảng của ông mang tính xây dựng, nhưng chính quyền lại cho là mang tính chống đối và gây hại cho nhà nước. Quan điểm nào dựa trên quyền lợi của nhân dân và đất nước? Tiến sĩ Vũ từng tuyên bố ‘Tổ quốc và nhân dân sẽ phá án cho tôi’, bản án 7 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’. Phá án bằng cách nào và bao giờ? Và giới trẻ có thể làm gì để bảo vệ lẽ phải? Chúng ta sẽ nghe ý kiến của 3 bạn sinh viên ở hai miền đất nước là Tú và Tuấn ở Hà Nội, cùng với Duy ở Sài Gòn trong buổi tái ngộ hôm nay. Tiếc là Hoàng, một đảng viên cộng sản công tác tại Sài Gòn góp tiếng tham luận trong chương trình tuần trước, đã cáo lỗi không thể tiếp tục tham gia cuộc trao đổi lần này.

Trà Mi: Cáo trạng nói hành vi của tiến sĩ Vũ là chống phá nhà nước bằng các bài viết, các cuộc trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, gây thiệt hại cho nhà nước. Ý kiến người trẻ ra sao?

Duy: Kết tội ông Vũ ‘tuyên truyền’ hết sức mơ hồ. Người ta có thể dùng từ ‘tuyên truyền’ để chụp mũ và gán ghép cho bất kỳ người nào ở Việt Nam dám nói lên ý kiến cá nhân bất đồng với nhà nước. Tuyên truyền là vận động người khác làm theo. Còn ông Vũ không hề vận động bất kỳ ai làm theo hay nghe theo những ý kiến của ông. Ông chỉ đơn thuần là phát biểu ra những ý kiến cá nhân.

Trà Mi: Hành động của tiến sĩ Vũ, ông và những người ủng hộ ông nói rằng mục đích nhằm xây dựng một nước Việt Nam pháp quyền trong khi chính quyền thì cho là ‘gây thiệt hại cho nhà nước’. Theo các bạn, ai đã đứng về phía quyền lợi chung của người dân để nói lên quan điểm đó?

Tú: Cù Huy Hà Vũ đã đứng về phía quyền lợi của đại đa số nhân dân.

Duy: Tiến sĩ Vũ đòi đa nguyên đa đảng và ông cũng kiến nghị xóa bỏ thù hận, hòa giải-hòa hợp dân tộc, không có bất kỳ một cái hại nào cả. Yêu cầu đa nguyên, đa đảng đã thách thức sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Cho nên, đó là một cái phương hại đối với đảng cộng sản, nhưng không có nghĩa là phương hại đến lợi ích chung của cả đất nước.

Trà Mi: Nhưng các bạn có nghe rằng nhà nước Việt Nam là ‘nhà nước của dân, do dân, và vì dân’, thì thiệt hại của nhà nước cũng ảnh hưởng đến nhân dân?

Tú: Nhà nước nói ‘nhà nước của dân, do dân, vì dân’. Đó chỉ là tiếng nói của một bộ phận người chứ không phải của toàn bộ dân tộc Việt Nam.

Duy: Cần phải xét xem nhà nước này có thật sự của dân, do dân, và vì dân hay không, hay chỉ trên lý thuyết. Nếu làm theo, cải cách theo những gì ông Vũ đề nghị, nhà nước thậm chí không bị thiệt hại, mà còn tốt hơn chứ không hại đi một chút nào cả. Ông Cù Huy Hà Vũ muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và kêu gọi một thể chế tam quyền phân lập. Điều này chẳng những không hại mà rất có lợi cho nước Việt Nam. Rất nhiều nhà nước trên thế giới theo thể chế tam quyền phân lập. Ở Việt Nam không có tam quyền phân lập nên người ông Vũ chỉ trích là đảng cộng sản Việt Nam, người bắt ông và người xử ông đều là đảng cộng sản. Cái hại là cái hại đối với nhóm lợi ích vì một khi tam quyền phân lập thì nhóm lợi ích này sẽ không còn được lợi ích nữa.

Trà Mi: Chính quyền cho rằng những lời phát biểu và bài viết của tiến sĩ Vũ xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước.

: Những ý kiến của ông Vũ hoàn toàn không mang tính phá hoại mà là xây dựng. Nó gây bất lợi cho đảng cộng sản. Ông đã nói ra những cái xấu của đảng chứ không phải là nói xấu đảng.

Duy: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giáo huấn cho toàn đảng phải biết phê bình và tự phê bình. Một khi dân phê bình đảng cộng sản Việt Nam, không có nghĩa là họ chống đảng. Họ muốn đảng trong sạch, vững mạnh hơn. Họ phê bình những cái sai của đảng chứ họ không hề bôi bác đảng.

Trà Mi: Nhưng cũng có ý kiến cho rằng mỗi quốc gia có luật pháp riêng, có quy định riêng để duy trì sự ổn định chính trị-xã hội, nếu không nghiêm trị những người vi phạm, nhất là những người có thân thế hay có ảnh hưởng nhiều nhất, thì làm sao thực hiện được mục tiêu này, ngăn ngừa nguy cơ xã hội bị nhiễu loạn, an ninh quốc gia bị đe dọa?

Duy: Cù Huy Hà Vũ cổ vũ cho một nhà nước đa đảng. Không phải những quốc gia nào đa đảng thì mất an ninh chính trị hay đời sống của người dân bị nhiễu loạn. Mặt khác, nếu có hệ thống pháp luật hoàn thiện và những thiết chế thật sự vững mạnh, thì đa đảng cùng luật lệ của chính quốc gia đó sẽ giúp đất nước đó đi lên. Thực tế cho thấy trên thế giới đa số các nước đều đa đảng, nhưng tôi không thấy nhiều quốc gia đa đảng bị loạn lạc.

Tú: Theo tôi, quốc gia nào cũng phải có luật pháp riêng thì mới có thể ổn định xã hội vì văn hóa, phong tục ở mỗi nước khác nhau. Như Mỹ có nhiều bang, mỗi bang đều có luật pháp riêng.

Duy: Tôi không đồng tình với quan điểm đó.

Trà Mi: Vì sao ạ?

Duy: Đồng ý là tất cả các nước đều có hệ thống pháp luật riêng tùy theo nền văn hóa và con người nơi đó. Tuy nhiên, những giá trị về dân chủ và nhân quyền là những giá trị phổ quát. Chính chủ tịch Hồ Chí Minh từng dẫn bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ và tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của cách mạng Pháp vào trong tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều đó có nghĩa rằng giá trị về nhân quyền và dân chủ là giá trị phổ quát của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ông Hà Vũ chỉ vận dụng những quyền mà đương nhiên một con người phải có như quyền phát biểu bày tỏ ý kiến theo đúng những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Trà Mi: Các bạn khác có ý kiến nào khác?

Tú: Mỗi quốc gia đều có luật pháp riêng, nhưng không phải nước nào cũng có một luật pháp hoàn thiện. Tôi nghĩ luật pháp ở Việt Nam còn nhiều điều chưa hoàn thiện và những ý kiến ông Vũ nêu ra hoàn toàn mang tính xây dựng. Ông cũng dựa vào những luật pháp của Việt Nam để đấu tranh chứ không phải ông làm gì trái pháp luật.

Trà Mi: Các bạn nhận xét thế nào về tính pháp lý, công lý của bản án dành cho tiến sĩ Vũ?

Duy: Đây là một bản án phi pháp, trái pháp luật, trái đạo lý tình người.

Tuấn: Theo mình, bản án này không được rõ ràng.

Trà Mi: Theo ý kiến người trẻ, vụ án này có ý nghĩa thế nào?

Duy: Tôi nghĩ vụ án Cù Huy Hà Vũ hết sức đặc biệt so với các vụ án chính trị xử các nhà bất đồng chính kiến trước đây. Sở dĩ nó đặc biệt vì nó còn mang tính lịch sử nữa. Vì thứ nhất, trong bối cảnh Trung Quốc đang leo thang gây hấn ở Biển Đông, tình hình an nguy chủ quyền của đất nước đang bị đe dọa mà họ lại đem một người đấu tranh vì toàn vẹn lãnh thổ và vì nhà nước pháp quyền, vì dân chủ, tự do, nhân quyền cho Việt Nam ra xử. Mặt khác, có phần do thân thế và những luồng dư luận rất lớn từ trong nước đối với ông Vũ. Tôi nghĩ vụ án này có thể mở ra một mốc thời gian.

Trà Mi: Tuấn và Tú, xét về các khía cạnh khác, theo các bạn, vụ án này mang ý nghĩa như thế nào, nhất là đối với người trẻ?

Tú: Nó sẽ có tác động rất lớn đối với giới trẻ. Nó sẽ thúc đẩy những người trẻ dám đứng dậy đấu tranh mãnh liệt hơn.

Trà Mi: Một bản án có tính chất răn đe mạnh tay như vậy mà Tú nghĩ rằng nó sẽ thúc đẩy thêm những người trẻ mạnh dạn hơn. Tuấn có đồng ý không?

Tuấn: Mình nghĩ ngược lại. Bản án này rất nặng, vì vậy, suy nghĩ và hành động của giới trẻ sẽ khác đi, sẽ thể hiện một cách khác chứ không đối mặt trực tiếp bất đồng chính trị với đảng. Bản án này cũng thể hiện sự răn đe của bộ máy chính trị mới trúng cử.

Trà Mi: Ông Cù Huy Hà Vũ từng tuyên bố là ‘Tổ quốc sẽ phá án cho tôi’. Theo các bạn, phá làm sao, bằng cách nào, và bao giờ?

Duy: Tôi nghĩ lời tuyên bố của tiến sĩ Vũ không phải là vô cớ. Trong lịch sử, thời đổi mới, ở Việt Nam cũng từng có bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, người từng chống lại chính sách kế hoạch hóa tập trung. Thời đó, ông bị xem như một người chống lại chính quyền. Tuy nhiên, hiện nay, người ta lại ca ngợi ông. Trường hợp của Cù Huy Hà Vũ cũng khá giống. Hiện giờ rất nhiều người quan tâm các phong trào đòi tự do. Tuy bây giờ ông Vũ phải chấp nhận ngồi tù, nhưng trong tương lai, có thể người ta sẽ nghĩ khác về ông.

Trà Mi: Cảm ơn Duy. Tú và Tuấn, các bạn có ý kiến nào khác không?

Tú: Đa nguyên đa đảng là một xu thế tất yếu của thời đại. Khi xu thế đó được thực hiện tại Việt Nam, ông Hà Vũ dĩ nhiên sẽ trở thành vô tội. Lúc đó, ông sẽ được phá án. Thời gian nào thì thật sự còn tùy thuộc nhiều yếu tố, tùy vào dân trí và sự nhận thức của người dân Việt Nam, tùy vào những tác động từ bên ngoài và từ nội tại trong chính quyền.

Trà Mi: Tuấn, bạn thấy thời điểm đó sắp tới gần hay vẫn còn xa vời?

Tuấn: Mình nghĩ chắc còn xa vời lắm, không gần đâu.

Tú: Theo tôi, không xa lắm đâu, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi.

Trà Mi: Vì sao Tuấn cho rằng vẫn còn xa vời?

Tuấn: Cán bộ lãnh đạo trong đảng được đào tạo ngay từ nguồn rồi, rất khó để người ngoài có thể chen chân vào. Nền móng của họ rất vững chắc. Cán bộ được đào tạo theo quan điểm của đảng, cho nên, mình nghĩ là khó đấy.

: Dù vậy và dù họ tạo điều kiện cho cơ quan an ninh và quân đội phục vụ cho lợi ích của họ, nhưng đó không phải là tất cả. Xã hội thay đổi còn phụ thuộc vào nhận thức của người dân nữa, chứ không phải chỉ về phía chính quyền. Thay đổi chế độ, thay đổi điều gì cho đất nước phụ thuộc vào phần đông dân số. Tất nhiên giới lãnh đạo giữ vai trò không nhỏ, nhưng theo tôi, người dân cũng có tác động rất lớn đối với việc thay đổi. Tôi nghĩ trong vài năm nữa, nhận thức của người dân Việt Nam sẽ rất tiến bộ. Ví dụ như hôm nay so với cách đây chừng 6, 7 năm đã khác hẳn nhau. Vài năm nữa, nhận thức của người dân sẽ tiến bộ hơn và lúc đó xã hội sẽ có những thay đổi mạnh mẽ.

Trà Mi: Duy đồng ý với Tú hay Tuấn?

Duy: Trong học thuyết Mác có nói kiến trúc thượng tầng phải tuân theo cơ sở hạ tầng. Và cơ sở hạ tầng đó là đa nguyên về kinh tế. Hiện giờ Việt Nam đã có nhiều thành phần kinh tế. Nếu học thuyết Mác nói đúng, thì chuyện đa nguyên về chính trị (kiến trúc thượng tầng) sẽ không xa. Chuyện đa nguyên chính trị tại Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sự đấu tranh để có được dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Thời gian thì mình không chắc, nhưng chắc chắn là Việt Nam phải dân chủ và tôn trọng nhân quyền hơn. Đó là điều tất yếu trong tương lai, mà theo mình, tương lai gần chứ không xa.

Trà Mi: Qua những gì chúng ta trao đổi với nhau cho thấy các bạn ở đây đều không đồng ý với bản án của tiến sĩ Vũ. Vậy người trẻ như các bạn có thể làm gì để bênh vực lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa, và ngăn không để xảy ra những bản án tương tự như thế trong tương lai?

Duy: Hôm nay họ xử tiến sĩ Vũ. Trong quá khứ, họ cũng đã xử rất nhiều nhân vật bất đồng chính kiến dám lên tiếng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Biết đâu trong tương lai, người bị họ kết án là chính tôi? Để thấy được sự công bằng, phản đối những bản án phi lý này, mỗi người cần tiếp cận thông tin một cách đa chiều và chia sẻ suy nghĩ, sự hiểu biết của mình cho nhiều người khác biết.

Tú: Lên tiếng ủng hộ họ là một việc làm rất quan trọng đối với người trẻ, không chỉ khích lệ tinh thần cho những người đấu tranh như ông Cù Huy Hà Vũ, Trần Anh Kim, Vi Đức Hồi… mà còn cho xã hội thấy rằng người trẻ luôn quan tâm đến tình hình của đất nước.

Trà Mi: Vừa rồi là ý kiến của 3 người bạn trẻ từ hai miền đất nước đăng ký tham gia thảo luận trong chương trình Tạp chí Thanh Niên. Còn ý kiến của quý vị và các bạn nghe đài như thế nào? Xin vui lòng chia sẻ với chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang web www.voatiengviet.com. Trà Mi rất mong ngày càng có nhiều thính giả góp tiếng trong chương trình. Xin các bạn vui lòng email số phone về vietnamese@voanews.com, chúng tôi sẽ liên lạc mời các bạn tham gia. Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại cùng quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG