Vận tải đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và châu Âu từ đầu tháng này đã bị hoãn lại do “xung đột Nga-Ukraine”, theo lời một quan chức của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nói với báo chí trong nước.
Ông Vương Khả Sơn, Trưởng Ban vận tải - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho TTXVN biết theo kế hoạch đầu tháng 3 này, đường sắt sẽ tổ chức đoàn tàu vận chuyển container chạy thẳng từ Đà Nẵng đi châu Âu. Tuy nhiên do căng thẳng giữa Nga và Ukraine nên kế hoạch này đang tạm hoãn.
Quan chức này nói vận tải dọc tuyến đường qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan đến Đức và các nước Tây Âu khác có khả năng bị ảnh hưởng nếu tuyến đường sắt từ Ba Lan đến Belarus ngừng hoạt động.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với hàng hóa vận chuyển quá cảnh Nga sang châu Âu. Còn hàng hoá vận chuyển từ Việt Nam sang Nga thì không bị ảnh hưởng.
VNR cho biết Tổng giám đốc Hiệp hội đường sắt quốc tế (UIC) trước đó gửi thư tới các đường sắt thành viên thông báo rằng UIC đình chỉ tư cách thành viên của đường sắt Nga và Belarus trong các hoạt động của UIC.
Như vậy, đường sắt Nga và Belarus trong thời gian tới sẽ không được tham gia vào các hoạt động của UIC hoặc hưởng lợi từ các dịch vụ của Hiệp hội.
Năm ngoái, VNR đã khai trương một tuyến đường sắt trực tiếp từ Việt Nam đến Bỉ, và các chuyến tàu vận chuyển container đến các thành phố của Trung Quốc, TTXVN dẫn lời ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho biết.
Ông Minh cho biết ngành đường sắt Việt Nam sẽ chuyển sang vận tải hàng hóa để bù đắp cho sự sụt giảm vận tải hành khách, tập trung vào thúc đẩy vận tải quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc và các nước thứ ba như Nga và các nước châu Âu và Trung Á.
Hiện tại, vận tải hàng hóa bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn bình thường, với khối lượng vận chuyển container cao, với nhu cầu khoảng 1.200 container/tháng, vẫn theo lời lãnh đạo của VNR.
Thống kê của VNR cho hay, có gần 1,16 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển ra nước ngoài bằng tàu hỏa trong năm 2021, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ga Đồng Đăng, tỉnh biên giới phía Bắc - Lạng Sơn, đã đạt mức tăng 82% về lượng vận tải hàng hóa trong quý 4 năm ngoái.