Tức giận về việc tăng độ tuổi tối thiểu được hưởng lương hưu, những người lao động Pháp đã chặn lối ra vào một nhà ga tại sân bay Roissy-Charles De Gaulle của Paris hôm thứ Năm 23/3, là một trong các hành động trong ngày biểu tình trên toàn quốc, buộc một số khách du hành phải đi bộ tới đây.
Dịch vụ đường sắt bị gián đoạn và một số trường học đóng cửa trong khi rác thải chất đống trên đường phố. Sản lượng điện bị cắt khi các công đoàn gây áp lực lên chính phủ đòi rút lại luật về lùi tuổi nghỉ hưu thêm hai năm thành 64 tuổi.
Người ta nhìn thấy những cột khói bốc lên từ các đám cháy nhỏ làm tắc nghẽn giao thông trên đường cao tốc gần Toulouse, phía tây nam nước Pháp, và các cuộc biểu tình diễn ra bất chợt cũng thỉnh thoảng làm tắc một số con đường ở các thành phố khác.
Người phát ngôn của Aeroports de Paris nói cuộc biểu tình tự phát gần nhà ga số 1 của sân bay Roissy sẽ không ảnh hưởng đến các chuyến bay.
Các cuộc biểu tình phản đối đã được lên kế hoạch sẽ diễn ra trên khắp nước Pháp vào tối 23/3, trong khi các cuộc biểu tình cũng nhắm vào các kho dầu và phong tỏa một nhà ga LNG ở thành phố Dunkirk ở miền bắc.
Tổng thống Emmanuel Macron nói hôm 22/3 rằng luật mới - mà chính phủ của ông đã chuyển cho quốc hội thông qua mà không cần bỏ phiếu vào tuần trước - sẽ có hiệu lực vào cuối năm, bất chấp sự tức giận leo thang trên khắp đất nước.
Philippe Martinez, người lãnh đạo công đoàn CGT theo đường lối cứng rắn, nói: “Phản ứng tốt nhất mà chúng tôi có thể đưa ra cho tổng thống là hàng triệu người đang đình công và xuống đường”.
Các cuộc biểu tình chống lại những thay đổi chính sách, vốn cũng dự tính tăng số năm mà một người phải làm việc để được hưởng lương hưu đầy đủ, đã thu hút đám đông khổng lồ trong các cuộc biểu tình do các công đoàn tổ chức kể từ tháng 1.
Hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa, nhưng sự tức giận đã tăng lên kể từ khi chính phủ thúc đẩy dự luật thông qua quốc hội mà không có một cuộc bỏ phiếu nào vào tuần trước.
Các cuộc biểu tình tự phát đã diễn ra 7 đêm qua ở Paris và các thành phố khác với những thùng rác bị đốt cháy và những vụ xô xát với cảnh sát.
Laurent Berger, người đứng đầu công đoàn lớn nhất của Pháp, CFDT có đường lối ôn hòa, nói với đài BFM TV rằng chính phủ phải rút lại luật hưu trí. Ông nói, những bình luận của ông Macron “làm tăng thêm tức giận”.
Làn sóng phản đối mới nhất thể hiện thách thức nghiêm trọng nhất đối với quyền lực của tổng thống kể từ cuộc nổi dậy của phe “Áo vàng” cách đây 4 năm. Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Pháp phản đối luật lương hưu cũng như quyết định của chính phủ thông qua quốc hội mà không cần bỏ phiếu.