Mỹ: Thỏa thuận về trần nợ công đối mặt với thử thách đầu tiên tại Quốc hội

Quang cảnh tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 30/5/3023 trong lúc một nỗ lực lập pháp đang diễn ra nhằm nâng trần nợ của Mỹ, tránh bị vỡ nợ.

Một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm tăng mức trần nợ công 31,4 nghìn tỷ đô la của Hoa Kỳ phải đối mặt với thử thách đầu tiên tại Quốc hội vào thứ Ba (30/5), mở ra một tuần bỏ phiếu cam go trước khi Hoa Kỳ hết tiền để thanh toán các khoản chi.

Ủy ban Luật pháp của Hạ viện sẽ xem xét dự luật dài 99 trang vào lúc 3 giờ chiều ngày 30/5, trước các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Cả Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và nhân vật hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, đều dự đoán rằng họ sẽ có đủ số phiếu để thông qua luật trước ngày 5/6, là thời điểm mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ không có đủ tiền để trang trải các khoản chi tiêu.

Dân biểu Stephanie Bice, người kiểm phiếu của Đảng Cộng hòa, nói bà tin rằng dự luật sẽ được thông qua.

“Đó là một cuộc đàm phán thực sự và nó phản ánh một chính phủ bị chia rẽ”, bà nói với các phóng viên.

Nhưng trước tiên nó sẽ phải được Ủy ban Luật pháp duyệt.

Dân biểu McCarthy nói hôm 29/5 rằng ông không lo lắng Ủy ban Luật pháp sẽ chặn đường dự luật.

Một cuộc bỏ phiếu thành công tại đây sẽ mở đường cho một cuộc bỏ phiếu của toàn thể Hạ viện vào ngày 31/5.

Cuộc bỏ phiếu của Thượng viện có thể kéo dài đến cuối tuần nếu các nhà lập pháp tại đây cố tình làm chậm quá trình thông qua. Ít nhất một người đảng Cộng hòa, ông Mike Lee, đã nói rằng ông có thể sẽ làm như vậy, và các đảng viên Cộng hòa khác cũng bày tỏ sự khó chịu với một số khía cạnh trong thỏa thuận.

Dự luật sẽ duy trì giới hạn nợ của Hoa Kỳ cho đến hết ngày 1/1/2025, cho phép ông Biden và các nhà lập pháp gạt vấn đề rủi ro chính trị sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.

Dự luật cũng sẽ giới hạn một số chi tiêu của chính phủ trong hai năm tới, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, thu hồi các khoản ngân quỹ COVID-19 chưa sử dụng và đưa ra các yêu cầu về việc làm đối với các chương trình hỗ trợ lương thực cho một số người Mỹ nghèo.

Được xem là một chiến thắng nữa của đảng Cộng hòa, dự luật sẽ lấy đi một phần tiền ngân sách khỏi Sở Thuế vụ, mặc dù Nhà Trắng nói rằng không nên cắt giảm việc siết chặt các quy định về khai, nộp thuế.

Ở phía bên kia, ông Biden cũng có thể đạt được một số điều như: bản thỏa thuận không đụng đến các luật về cơ sở hạ tầng và luật năng lượng xanh mang tính dấu ấn của ông, các mục cắt giảm chi tiêu và yêu cầu về việc làm đều nhẹ nhàng hơn nhiều so với những gì đảng Cộng hòa đã thúc đẩy.

Các đảng viên Cộng hòa lập luận rằng việc cắt giảm mạnh chi tiêu là cần thiết để hạn chế sự gia tăng nợ quốc gia, ở mức 31,4 nghìn tỷ đô la, tương đương với sản lượng hàng năm của nền kinh tế.

Theo dự báo của chính phủ, các khoản thanh toán lãi cho khoản nợ đó ước tính sẽ chiếm một phần ngày càng tăng trong ngân sách trong những thập niên tới khi dân số già đi đẩy chi phí y tế và hưu trí tăng cao.

Thỏa thuận sẽ không làm bất cứ điều gì để kiềm chế các chương trình đang phát triển nhanh chóng đó.

Phần lớn các khoản tiết kiệm sẽ do giới hạn chi tiêu cho các chương trình trong nước như nhà ở, kiểm soát biên giới, nghiên cứu khoa học và các hình thức chi tiêu “tùy nghi” khác. Chi tiêu quân sự sẽ được phép tăng trong hai năm tới.

Cuộc đối đầu về trần nợ đã khiến các cơ quan xếp hạng cảnh báo rằng họ có thể hạ bậc xếp hạng nợ của Hoa Kỳ, vốn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu. Cho tới nay, thị trường đã phản ứng tích cực với thỏa thuận.