Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Hoa Kỳ hôm thứ Tư (14/6), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương kêu gọi Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ và chớ làm tổn hại đến an ninh của nước này, một nhắc nhở căng thẳng cho chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến diễn ra trong những ngày tới.
Ông Tần nói với ông Blinken là hãy tôn trọng các mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan, trong nỗ lực ngăn chặn mối quan hệ đang suy giảm giữa hai siêu cường, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Blinken nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc liên lạc với nhau “để tránh tính toán sai lầm và xung đột”, và cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nêu ra các lĩnh vực quan ngại cũng như khả năng hợp tác với Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một bản tóm tắt ngắn gọn về cuộc gọi.
Nếu chuyến đi của ông Blinken diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của nhà ngoại giao hàng đầu của Washington sau 5 năm, và là chuyến thăm cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, vốn đã xung đột với Bắc Kinh về nhiều vấn đề, từ cáo buộc gián điệp đến tranh chấp chất bán dẫn.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ thông tin về chuyến đi của ông Blinken, nhưng một quan chức Mỹ vào thứ Sáu tuần trước cho biết ông Blinken sẽ ở Bắc Kinh vào ngày 18/6, nhưng không đưa ra chi tiết nào khác.
Ông Blinken đã hủy chuyến đi dự kiến tới Bắc Kinh vào tháng 2 vì một khinh khí cầu bị nghi ngờ là gián điệp của Trung Quốc bay qua Hoa Kỳ.
Những chuyến thăm của các quan chức Hoa Kỳ tới Đài Loan, hòn đảo được cai trị một cách dân chủ mà Bắc Kinh coi là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, cũng đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Kể từ đầu năm, quan hệ Trung-Mỹ đã gặp phải những khó khăn và thách thức mới, và trách nhiệm thì đã rõ”, ông Tần nói với ông Blinken, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Tần nói thêm rằng Hoa Kỳ nên “ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ngừng làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc dưới danh nghĩa cạnh tranh”.