Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên sau một năm vào thứ Tư 15/11 -- một hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai siêu cường thế giới.
Cuộc gặp mặt được theo dõi chặt chẽ, bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở khu vực Vịnh San Francisco, có thể kéo dài vài giờ và có sự tham gia của các nhóm quan chức từ Bắc Kinh và Washington.
Cuộc họp theo dự kiến sẽ đề cập đến các vấn đề toàn cầu từ cuộc chiến Israel-Hamas đến cuộc xâm lược Ukraine của Nga, mối quan hệ của Triều Tiên với Nga, Đài Loan, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhân quyền, fentanyl, trí tuệ nhân tạo, cũng như quan hệ kinh tế và thương mại “công bằng”, các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết.
Một quan chức Mỹ, đề nghị không nêu tên, nói trong một cuộc họp ngắn với các phóng viên: “Sẽ không có gì cần phải úp mở; mọi thứ đều đã được bày ra”.
"Chúng tôi hiểu rõ điều này. Chúng tôi biết những nỗ lực định hình hoặc cải cách Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã thất bại. Nhưng chúng tôi hy vọng Trung Quốc vẫn ở đó và trở thành một nhân tố chính trên trường thế giới trong suốt quãng thời gian còn lại của chúng tôi."
Các quan chức Mỹ, những người đã thúc đẩy cuộc gặp trong hơn một năm qua, tin rằng Bắc Kinh đang tích cực làm suy yếu chính sách của Mỹ trên toàn thế giới.
Nhà Trắng xác nhận ngày diễn ra cuộc họp trong một tuyên bố hôm thứ Sáu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu nói Chủ tịch Tập sẽ thăm Hoa Kỳ từ ngày 14 đến 17 tháng 11, tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC và gặp Tổng thống Biden.
Ông Biden và ông Tập sẽ lần đầu tiên nói chuyện xuyên suốt sự khác biệt về ý thức hệ kể từ tháng 11 năm 2022. Các quan chức cấp cao của tổng thống Mỹ đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ xấu đi sau khi ông Biden ra lệnh bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi ngờ là do thám của Trung Quốc bay qua bầu trời Hoa Kỳ vào tháng Hai.
Kết quả chính dự kiến sẽ là hoạt động ngoại giao tốt hơn - hứa hẹn sẽ thảo luận nhiều hơn về các vấn đề chính, bao gồm khí hậu, y tế toàn cầu, ổn định kinh tế, nỗ lực chống ma túy và có khả năng nối lại một số kênh liên lạc giữa hai quân đội.
Theo nguồn tin của hai giới chức khác thông báo về cuộc họp, cả hai bên có thể sẽ bày tỏ những cử chỉ khiêm tốn và thiện chí để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán.
Nhưng tiến bộ sâu sắc sẽ khó đạt được. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho biết cả hai nước ngày càng coi mình đang bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh trực tiếp nhằm đảm bảo lợi thế quân sự, chiếm lĩnh nền kinh tế thế kỷ 21 và giành được thiện cảm của các nước.
Những nỗ lực dàn dựng cẩn thận chuyến thăm của ông Tập Cận Bình có thể bị hủy bỏ tại thành phố ngang bướng ở Bắc California, nơi có lịch sử lâu dài về sự phản đối và kích động của phe cánh tả.
Ông Biden và ông Tập đã biết nhau hơn một thập kỷ và đã có hàng giờ trao đổi với nhau trong sáu cuộc giao tiếp kể từ khi ông Biden lên nắm quyền năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng cả hai đến bàn đàm phán với sự nghi ngờ lẫn nhau, bất bình và thiên kiến về ý định của đối phương.
Trong số các chủ đề nhạy cảm khác, ông Biden dự kiến sẽ đề cập đến “các hoạt động của Trung Quốc gây ảnh hưởng” đến các cuộc bầu cử ở nước ngoài và tình trạng của các công dân Hoa Kỳ mà Washington tin rằng đã bị giam giữ trái phép ở Trung Quốc.
Ông Biden, 80 tuổi, đang lãnh đạo một nền kinh tế đạt khá hơn dự đoán và khá hơn hầu hết các quốc gia giàu có sau đại dịch COVID-19. Ông không được lòng cử tri trong nước, nơi ông đang tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự ổn định của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông Biden đã tập hợp được các đồng minh truyền thống của nước ông từ châu Âu đến châu Á để đối đầu với Nga ở Ukraine, mặc dù một số có những bất đồng về cuộc xung đột Israel-Hamas.
Các liên minh lâu đời của Washington, từ NATO đến các hiệp ước phòng thủ chung ở Thái Bình Dương, đang được mời gọi một cách không hề lặng lẽ ở châu Á để ngăn chặn một cuộc xung đột với Trung Quốc.
Ông Tập, trẻ hơn ông Biden cả mười tuổi, đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông, sau khi thắt chặt kiểm soát chính sách, lãnh đạo nhà nước, truyền thông, quân đội và thay đổi hiến pháp. Gần đây, những thách thức kinh tế phức tạp đã đẩy đất nước này ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng thần tốc suốt ba thập niên.
Các nhà ngoại giao ở Washington dự đoán Bắc Kinh sẽ thử thách Mỹ trong những tuần lễ tới, lợi dụng việc Mỹ chuyển trọng tâm sang Ukraine và Israel khiến cho tham vọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bị xao nhãng.
Ông Biden dự kiến sẽ nói với ông Tập rằng các cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ không thay đổi. Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo lắng trong những năm gần đây với những bước đi ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, những khu vực có tranh chấp quốc tế. Một quan chức Mỹ cho biết ông Biden cũng sẽ bày tỏ cam kết cụ thể đối với an ninh của Philippines.
Quan chức này cho biết ông Biden dự kiến cũng là sẽ gây áp lực với ông Tập để cảnh báo Iran rằng sẽ là không khôn ngoan nếu tìm cách mở rộng xung đột ở Trung Đông.