Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tại San Francisco vào tuần tới trong lúc họ tìm cách bình ổn mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước với cuộc gặp mặt đối mặt lần thứ hai trong gần ba năm.
Cuộc gặp thượng đỉnh này diễn ra bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
“Cuộc gặp này sẽ làm lu mờ bất cứ diễn biến nào khác tại APEC”, Oriana Skylar Mastro, chuyên gia về Trung Quốc ở Đại học Stanford, nhận định.
Trong khi các quan chức Mỹ cho biết đã có ‘thỏa thuận về nguyên tắc’ để ông Tập và ông Biden gặp nhau tại San Francisco, một năm sau lần gần đây nhất họ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali. Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận ông Tập có tham dự hội nghị APEC từ ngày 15 đến 17/11 hay không.
Mặc dù được dự báo sẽ không có đột phá lớn nào và các quan chức chính quyền Biden nói rằng công bố kết quả cuộc gặp là phương cách lỗi thời để đo lường tiến triển trong quan hệ với Trung Quốc, song các chuyên gia đã chỉ ra những tín hiệu cải thiện khả dĩ – chẳng hạn tăng các chuyến bay thương mại – hoặc các bước hướng tới hợp tác về các vấn đề gai góc hơn, như ngăn chặn luồng luân chuyền những hóa chất dùng để chế tạo fentanyl từ Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lạc quan về sự cải thiện trong kênh liên lạc quân sự hầu như đã bị cắt đứt, nhưng cũng cảnh báo cần thời gian để thật sự khôi phục đối thoại thực chất giữa quân đội hai nước. Một số phân tích gia tin rằng Trung Quốc muốn gây sự mơ hồ trong quan hệ quốc phòng để kiềm chế những gì mà họ coi là hành động khiêu khích quân sự của Mỹ trong khu vực.
“Cuộc gặp sẽ rất giống nói chuyện kinh doanh, rất có trọng tâm - rất nhiều nội dung trong nghị trình mà cả hai sẽ bên cố gắng giải quyết”, ông Victor Cha, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington tiên liệu. “Nhưng đồng thời, theo suy nghĩ của tôi, nói chuyện với nhau vẫn tốt hơn là không nói gì hết”.
Chính quyền Biden đã đối mặt với chỉ trích của đảng Cộng hòa là đã bị Bắc Kinh nắm thóp, nhưng họ lập luận rằng có những rủi ro rất lớn đến mức sự can dự trực tiếp, nhất là ở cấp lãnh đạo, là điều quan trọng để quản lý căng thẳng và ngăn tranh chấp giữa hai siêu cường về các vấn đề như Đài Loan và Biển Đông biến thành xung đột.
Ông Matthew Goodman, chuyên gia thương mại, từng là điều phối viên Nhà Trắng cho hội nghị thượng đỉnh APEC lần gần đây nhất do Mỹ tổ chức hồi năm 2011, cho rằng Mỹ sẽ tìm cách thể hiện mình như một đối tác kinh tế năng động nhất của châu Á, trái ngược với hình ảnh Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
“Có rất nhiều lo ngại về hoàn cảnh và chính sách kinh tế của Trung Quốc trong khu vực”, ông Goodman nói. “Tôi không nghĩ họ sẽ cố gắng gây khó khăn thêm cho Trung Quốc một cách lộ liễu, nhưng tôi nghĩ họ sẽ cố gắng thể hiện bằng cách so sánh Hoa Kỳ đang tăng trưởng tốt”.
“Cánh cửa của chúng tôi mở ra cho bất kỳ quốc gia hoặc nền kinh tế nào phải đối mặt với mối đe dọa bị Trung Quốc cưỡng ép kinh tế”, bà Melanie Hart, cố vấn chính sách cấp cao về Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao, nói hôm 6/11.
Ông Biden được khích lệ bởi một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy ông đang thắng trong cuộc chiến dư luận trước ông Tập với việc Mỹ vẫn được hầu hết người dân ở 24 quốc gia khảo sát coi là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Tổng thống Mỹ sẽ muốn củng cố hình ảnh đó bằng cách cho thấy những tiến triển trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng do Mỹ dẫn đầu, sáng kiến nhằm đẩy mạnh sự can dự kinh tế ở châu Á để cạnh tranh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại nói rằng Washington cho đến nay đã không thể thuyết phục được châu Á rằng nó không đơn thuần chỉ là sự thay thế nhạt nhòa cho TPP – thỏa thuận thương mại khu vực toàn diện mà cựu Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ vào năm 2017.
Diễn đàn