Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực của Nhật Bản trong việc tổ chức các cuộc đàm phán với Triều Tiên và hy vọng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề từ an ninh khu vực cho đến nhân quyền, đặc phái viên của Washington về các vấn đề nhân quyền của Triều Tiên cho biết hôm thứ Tư (14/2).
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trước quốc hội vào tuần trước rằng ông muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un và đích thân giám sát các cuộc thảo luận cấp cao với Bình Nhưỡng.
Julie Turner, đặc sứ Hoa Kỳ về các vấn đề nhân quyền của Triều Tiên, nói với giới truyền thông trong chuyến thăm Tokyo: “Tôi không thể thay mặt chính phủ Nhật Bản nói về những cuộc đối thoại đó đang diễn ra như thế nào”.
Bà nói: “Về phía Hoa Kỳ, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết và vì vậy tôi nghĩ điều đó cũng sẽ áp dụng cho các đối tác cùng chí hướng và các đồng minh thân cận của chúng tôi”.
Bà nói thêm rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng nên tìm kiếm giải pháp về các vấn đề bao gồm an ninh khu vực, tình hình nhân quyền ở Triều Tiên, cũng như việc trao trả những người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc cách đây nhiều thập kỷ, vốn là trọng tâm chính của Tokyo.
Năm người bị bắt cóc đã được trả về Nhật Bản sau hội nghị thượng đỉnh giữa cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi và nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là Kim Jong-il vào năm 2002. Hai lãnh đạo này cũng đã gặp nhau vào năm 2004, là cuộc đàm phán trực tiếp cuối cùng giữa các lãnh đạo hai nước.
Cuộc đàm phán cuối cùng giữa các lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã thất bại vào năm 2019 và bị chỉ trích vì đã cản trở cuộc đối thoại trong tương lai.
Bà Turner nói: “Việc trở lại bàn đàm phán là ưu tiên hàng đầu lúc này để chúng ta có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề”.
Bà Turner cho biết Hoa Kỳ, thông qua đại sứ quán ở Bắc Kinh, cũng đã gây sức ép buộc Trung Quốc không hồi hương những người Triều Tiên về Bình Nhưỡng, nơi họ có thể sẽ phải đối mặt với sự đàn áp.
Theo một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Seoul, có tới 600 người Triều Tiên đã “biến mất” sau khi bị Trung Quốc cưỡng bức trục xuất vào tháng 10, nhóm này cảnh báo họ có thể phải đối mặt với án tù, tra tấn, bạo lực tình dục và hành quyết.
Bà Turner nói: “Trung Quốc đã và tiếp tục giữ vững lập luận rằng những cá nhân này là những di dân kinh tế”.
Bà cho biết Mỹ cũng ngày càng lo ngại về việc các nhóm công nhân Triều Tiên mới được đưa ra nước ngoài theo dạng xuất khẩu lao động.
Bà nói: “Chúng tôi chắc chắn có những lo ngại về Nga. Cũng có rất nhiều người vẫn còn ở Trung Quốc”.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2017 yêu cầu các nước hồi hương tất cả công nhân Triều Tiên trước tháng 12/2019, nói rằng công sức lao động của họ đã bị tận dụng để kiếm ngoại tệ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân bị cấm của Triều Tiên.