Công an Trung Quốc đang làm việc tại quốc đảo xa xôi Kiribati, láng giềng của Hawaii ở Thái Bình Dương, với nhiều công an mặc đồng phục tham gia vào việc trị an cộng đồng và chương trình cơ sở dữ liệu tội phạm, các quan chức Kiribati nói với Reuters.
Kiribati chưa công bố công khai thỏa thuận kiểm soát an ninh với Trung Quốc. Thỏa thuận đạt được khi Bắc Kinh đổi mới nỗ lực mở rộng quan hệ an ninh ở Quần đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Hoa Kỳ.
Kiribati, một quốc gia với 115.000 cư dân, được coi là chiến lược vì dù có diện tích nhỏ nhưng nó tương đối gần Hawaii và kiểm soát một trong những vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới, bao phủ hơn 3,5 triệu km2 (1,35 triệu dặm vuông) diện tích Thái Bình Dương. Ở đây có một trạm theo dõi vệ tinh của Nhật Bản.
Quyền ủy viên cảnh sát Kiribati, Eeri Ariteira, nói với Reuters rằng công an Trung Quốc trên đảo đang làm việc với cảnh sát địa phương, nhưng không có đồn công an Trung Quốc nào ở Kiribati.
“Nhóm công an Trung Quốc làm việc với Sở cảnh sát Kiribati để hỗ trợ chương trình Chính sách cộng đồng và Võ thuật (Tai Chi) Kung Fu, đồng thời bộ phận IT (công nghệ thông tin) hỗ trợ cho chương trình cơ sở dữ liệu tội phạm của chúng tôi”, ông Ariteira nói trong một email.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiribati không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về vai trò của công an Trung Quốc ở đây. Trong một bài đăng trên mạng xã hội hồi tháng 1, đại sứ quán nêu tên lãnh đạo của “đồn công an Trung Quốc ở Kiribati”.
Ông Ariteira, người đã tham dự cuộc họp vào tháng 12 giữa Bộ trưởng Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng và một số quan chức cảnh sát Quần đảo Thái Bình Dương ở Bắc Kinh, cho biết Kiribati đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ trị an vào năm 2022.
Hơn một chục công an mặc đồng phục của Trung Quốc đã đến Kiribati vào năm ngoái theo đợt luân phiên sáu tháng.
“Họ chỉ cung cấp dịch vụ mà Sở cảnh sát Kiribati cần hoặc yêu cầu”, ông Ariteira nói.
Văn phòng tổng thống Kiribati không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
‘Kiểm soát ngoài lãnh thổ’
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại và an ninh toàn khu vực trong khu vực này và đã bị Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương từ chối vào năm 2022. Trung Quốc là nước cho vay cơ sở hạ tầng chính trong khu vực.
Tuy nhiên, công an Trung Quốc đã được triển khai tới Quần đảo Solomon từ năm 2022, sau khi hai nước ký hiệp ước an ninh bí mật, vốn bị Washington và Canberra chỉ trích là phá hoại sự ổn định trong khu vực.
Chuyên gia về Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Úc, Graeme Smith, nói rằng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng phạm vi tiếp cận của mình đối với cộng đồng người Hoa hải ngoại và công an là “tai mắt rất hữu ích” ở nước ngoài.
“Đó là về sự kiểm soát ngoài lãnh thổ”, ông nói và cho biết rằng công an Trung Quốc cũng sẽ “để mắt đến chính trị nội bộ của Kiribati và các đối tác ngoại giao của nước này”.
Ông Ariteira cho biết công an Trung Quốc không tham gia đảm bảo an ninh cho công dân Trung Quốc trên đảo.
Đại sứ Trung Quốc tại Australia hồi tháng trước nói Trung Quốc có chiến lược thiết lập quan hệ an ninh với các quốc đảo Thái Bình Dương để giúp duy trì trật tự xã hội và điều này sẽ không khiến Australia phải lo lắng.
Kiribati đã chuyển quan hệ từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019, với việc Tổng thống Taneti Maamau khuyến khích Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nước này sẽ tổ chức một cuộc bầu cử toàn quốc trong năm nay.
Trung Quốc đã xây dựng một đại sứ quán lớn trên đảo chính và cử các nhóm về nông nghiệp và y tế tới. Họ cũng công bố kế hoạch xây dựng lại một đường băng quân sự của Mỹ trong Thế chiến thứ hai trên đảo Kanton của Kiribati, khiến Washington lo ngại. Đường băng hiện chưa được xây dựng.
Tại điểm gần nhất, đảo Kiritimati của Kiribati cách Honolulu, thuộc Hawaii của Mỹ, chỉ có 2.160 km (1.340 dặm) về phía nam.
Hoa Kỳ đã phản ứng bằng một cam kết hồi tháng 10 rằng sẽ nâng cấp cầu cảng trên đảo Kanton, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ, và cho biết họ muốn mở đại sứ quán ở Kiribati.
Giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy, Meg Keen, cho rằng Trung Quốc có tham vọng an ninh trong khu vực.
“Úc và Hoa Kỳ lo ngại về viễn cảnh đó ở Kiribati và xung quanh khu vực, và đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ lập trường của mình”, bà Keen nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Úc cho biết Australia đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu an ninh của Kiribati và đã tặng quốc đảo này hai tàu tuần tra.
“Úc đang hỗ trợ Sở Cảnh sát Kiribati nâng cấp lớn cơ sở hạ tầng cảnh sát, bao gồm doanh trại, trụ sở mới và mạng lưới vô tuyến”, người phát ngôn nói.
Papua New Guinea, quốc đảo lớn nhất Thái Bình Dương, trong tháng này cho biết họ sẽ không chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ và công nghệ giám sát của công an Trung Quốc, sau khi có thông tin nước này đang đàm phán một thỏa thuận kiểm soát với Trung Quốc khiến các đối tác an ninh truyền thống là Mỹ và Australia chỉ trích.