Hàn Quốc và Hoa Kỳ hôm 23/2 đã điều các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến đến tham gia một cuộc tập trận đánh chặn tên lửa chung trên bán đảo Triều Tiên, theo lực lượng không quân Hàn Quốc cho biết. Đây được xem là một phản ứng rõ ràng của Mỹ và Hàn Quốc đối với một loạt các vụ thử vũ khí trong năm nay của đối thủ Triều Tiên.
Triều Tiên đã tiến hành sáu đợt thử tên lửa trong năm nay, hầu hết trong số đó được cho là liên quan đến tên lửa hành trình thường bay ở độ cao thấp để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối thủ. Các nhà phân tích cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, Triều Tiên đặt mục tiêu sử dụng tên lửa hành trình để tấn công các tàu sân bay Mỹ cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.
Lực lượng không quân Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc tập trận hôm 23/2 có sự tham gia của các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35A của cả hai nước và các máy bay chiến đấu khác của Hàn Quốc. Tuyên bố cho biết các máy bay F-35A của Mỹ đã được triển khai tới Hàn Quốc hôm 21/2 từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản.
Triều Tiên đã tăng cường thử nghiệm vũ khí kể từ năm 2022, điều mà các chuyên gia gọi là nỗ lực nhằm tăng cường đòn bẩy ngoại giao trong tương lai. Hàn Quốc và Mỹ đã phản ứng bằng cách mở rộng các cuộc tập trận quân sự và huấn luyện ba bên với sự tham gia của Nhật Bản.
Bên lề cuộc họp G20 ở Rio De Janeiro hôm 22/2, các nhà ngoại giao hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã đồng ý tăng cường khả năng ứng phó chung trước các mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng của Triều Tiên và phối hợp để ngăn chặn Triều Tiên tài trợ cho chương trình hạt nhân của nước này, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Năm nay, Triều Tiên được cho là sẽ đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm và đưa ra những lời lẽ hiếu chiến khi cả Mỹ và Hàn Quốc đều sắp bước vào bầu cử. Triều Tiên có thể đang tìm kiếm sự công nhận quốc tế như một quốc gia hạt nhân, một địa vị mà các chuyên gia nói Triều Tiên cho rằng sẽ giúp nước này được giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ dẫn đầu.
Kho vũ khí hạt nhân ngày càng phát triển của Triều Tiên có thể đã củng cố lập trường của nước này, và có những lo ngại rằng Triều Tiên có thể tiến hành một hành động khiêu khích quân sự có giới hạn chống lại miền Nam. Các nhà quan sát cho rằng một cuộc tấn công toàn diện khó có thể xảy ra vì Triều Tiên đang bị các lực lượng mạnh hơn của Mỹ và Hàn Quốc áp đảo.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhắm vào họ sẽ đánh dấu sự kết thúc của chính phủ Triều Tiên do ông Kim Jong Un lãnh đạo.