Một toà án tại Việt Nam hôm 20/3 tuyên phạt hai nhà hoạt động người Khmer Krom tổng cộng 7 năm 6 tháng tù giam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, điều luật mà các tổ chức nhân quyền cho là được đặt ra để hạn chế quyền tự do biểu đạt của người dân.
Tại phiên toà sơ thẩm ở TAND huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, ông Thạch Cương, 37 tuổi, đã bị tuyên phạt 4 năm tù, và ông Tô Hoàng Chương, 38 tuổi, bị tuyên án 3 năm 6 tháng tù. Cả hai ông đều bị cáo buộc phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Cáo trạng của toà án nói hai ông trong thời gian từ năm 2021 – 2023 đã sử dụng các tài khoản Facebook tên “Cuong Thach” và “TO Hoang Chuong” để phát trực tiếp video clip của bản thân và đăng, chia sẻ bài viết, hình ảnh, video của cá nhân, trang mạng nước ngoài “có nội dung gây ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, tôn giáo; xuyên tạc chính quyền, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, xúc phạm uy tín của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam”.
Ông Thạch Cương và Tô Hoàng Chương bị bắt vào ngày 31/7/2023 sau khi bị xử phạt hành chính trước đó về “hành vi đăng thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức”.
Cả hai đều là những nhà hoạt động cho quyền của người Khmer Krom ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhận định về bản án dành cho hai nhà hoạt động trên, ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói với VOA:
“Tôi cho rằng việc chính quyền Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động Khmer Khrom thực sự dường như không có giới hạn nào cả. Ngày càng có nhiều người trong cộng đồng Khmer Khrom bị dính vào những cáo buộc không có thật theo Điều 331 này”.
Ông Phil Robertson cho rằng các điều luật như Điều 331 “được thiết kế để ngăn cản người dân thực hiện quyền của họ”.
Trước khi hai ông Thạch Cương và Tô Hoàng Chương bị bắt, Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF), có trụ sở tại Mỹ, hôm 25/6/2023 ra tuyên bố lên án Công an tỉnh Sóc Trăng về việc bắt giam và tra tấn ông Tô Hoàng Chương hôm 23/6 khi ông Chương và các nhà hoạt động ở tỉnh Trà Vinh đi thăm một nhà hoạt động người Khmer khác đã bị công an bắt giam và tra trấn trước đó.
Tổ chức này nói ông Chương khẳng định mình vô tội và việc ông phổ biến Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) không phải là một hành vi phạm tội.
Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ Rashad Hussain vào thời điểm hai nhà hoạt động người Khmer Krom bị bắt đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các ông ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như cho phép các nhóm xã hội dân sự được hoạt động ôn hòa mà không sợ bị trả thù.
Theo nhận định của ông Robertson, chính quyền Việt Nam luôn nhìn những người Khmer Krom với con mắt nghi ngờ vì nghĩ họ là một nhóm người ly khai.
“Trên thực tế, đây là những người đang đứng lên vì cộng đồng của mình. Họ đứng lên để đòi quyền sử dụng ngôn ngữ của họ, là tiếng Khmer. Họ muốn duy trì quyền kiểm soát chùa chiền của họ, không muốn có sự kiểm soát của chính phủ thông qua ủy ban giám sát. Họ muốn có những ngôi chùa nguyên thủy, Phật giáo riêng, độc lập và không bị chính phủ kiểm soát. Họ muốn được thực hành văn hóa của mình. Văn hóa Khmer khác với văn hóa dân tộc Việt Nam. Rất khác!”
Tuy nhiên, ông Robertson nói chính phủ Việt Nam thường “coi mọi thứ khác biệt đều là mối đe dọa”, và đây chính là lý do mà ngày càng nhiều nhà hoạt động người Khmer Krom bị bắt và tuyên án tù.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay không công nhận sự hiện diện của người bản địa tại Việt Nam và xem KKF là một tổ chức phản động “chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức”.
Hà Nội lâu nay cũng bác bỏ các cáo buộc về vi phạm nhân quyền hay vi phạm tự do tôn giáo và khẳng định chỉ xử phạt những người vi phạm pháp luật Việt Nam.