Kênh đào Phù Nam: Việt Nam kêu gọi chia sẻ thông tin, Mỹ lo ngại, Campuchia quyết tâm làm

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) bắt tay Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta, Indonesia, vào ngày 5/9/2023. Ông Phạm Minh Chính cũng đã từng nêu vấn đề kênh đào Phù Nam Techo khi ông Hun Manet công du Việt Nam từ ngày 11-12/12/2023.

Việt Nam hôm 11/4 lên tiếng kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin về dự án kênh đào Phù Nam Techo, trong một động thái cho thấy mối lo ngại của Hà Nội, tương tự như Washington, về khả năng dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do Trung Quốc hậu thuẫn ở Campuchia có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Trong cùng ngày, Thủ tướng Hun Manet khẳng định quyết tâm của Campuchia trong việc thúc đẩy dự án gây tranh cãi do Trung Quốc hậu thuẫn này, theo AFP.

“Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Phù Nam Techo và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực”, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói trong cuộc họp báo ngày 11/4.

Ông Việt nói thêm rằng Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các nước sông Mê Kông, nhưng “cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong” vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của các cộng đồng người dân, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết giữa các quốc gia ven sông.

Dự án kênh đào Phù Nam Techo, ước tính trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, là một kênh đào nhân tạo nối các cảng biển của Campuchia ở phía Tây Nam với sông Mê Kông.

Theo thông tin từ phía Campuchia được VOV trích dẫn, kênh dài 180km đi qua 4 tỉnh với tổng số dân 1,6 triệu người sing sống hai ven bờ sông. Theo thiết kế, kênh Phù Nam Techno sẽ rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ lưu và có độ sâu nhất quán là 5,4m, có nghĩa là có thể có hai luồng giao thông thủy vận chuyển hiệu quả đồng thời.

Kênh Phù Nam được cho là sẽ tạo ra một tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với bờ biển và quan trọng hơn là cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville. Dự án lớn này nằm trong số các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên được chính phủ Hun Manet ban hành kể từ khi nhậm chức vào tháng 8. Nghiên cứu khả thi của dự án hiện đã được hoàn thành và chính phủ Campuchia ước tính sẽ mất 4 năm để xây dựng.

Đây là dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia khiến Hoa Kỳ lo ngại.

Washington kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được sử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á, gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam, theo Bloomberg.

Việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay sau khi Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đạt được thỏa thuận phát triển nó trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường hồi tháng 10.

“Người dân Campuchia – cùng với người dân ở các nước láng giềng và khu vực rộng lớn hơn – sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch trong bất kỳ cam kết quan trọng nào có tác động tiềm tàng đối với việc quản lý nước, sự bền vững nông nghiệp và an ninh trong khu vực”, Wesley Holzer, giới chức chuyên trách về ngoại giao công chúng tại Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh, nêu quan điểm khi trả lời các câu hỏi của Bloomberg về dự án.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của hãng tin Mỹ.

Trước đó, hôm 9/4, Cựu thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng dự án kênh đào Phù Nam sẽ là cửa ngõ tạo điều kiện thuận lợi cho hải quân Trung Quốc tiếp cận biên giới Việt Nam.

“Campuchia cần binh sĩ Trung Quốc để làm gì?” ông Hun Sen, hiện là người đứng đầu Thượng viện Campuchia, viết trên nền tảng X hôm 9/4 trong một bài viết phản hồi về những thông tin mà ông nói là “vu khống về sự hiện diện của quân Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream” và câu chuyện “bịa đặt” về kênh đào Phù Nam Techo và “đề cập sai rằng kênh đào này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hải quân Trung Quốc gần biên giới Việt Nam ngay cả khi kênh đào này vẫn đang được xây dựng”.

“Tại sao Campuchia lại đưa quân Trung Quốc vào đất nước mình để vi phạm hiến pháp? Và tại sao Trung Quốc lại đưa quân sang Campuchia, điều này trái với nguyên tắc tôn trọng nền độc lập của Campuchia?”, ông Hun Sen nói thêm.

Cựu thủ tướng Campuchia và con trai ông, Thủ tướng Hun Manet, đều tuyên bố kênh đào sẽ chỉ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động kinh tế và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Trước đó, một số nhà quan sát Việt Nam bày tỏ quan ngại kênh đào có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các tàu chiến Trung Quốc gần bờ biển Việt Nam, theo AFP.

Thủ tướng Hun Manet hôm 11/4 bác bỏ những lo ngại đó trong bài phát biểu tại tỉnh Takeo, nơi tuyến đường thủy dài 180 km được đề xuất sẽ đi qua.

“Chúng tôi sẽ không cho phép (bất kỳ quốc gia nào) sử dụng đất nước của chúng tôi làm căn cứ chống lại quốc gia khác, chứ đừng nói đến căn cứ quân sự”, AFP dẫn lời ông Hun Manet nói.

Thủ tướng Campuchia nói thêm rằng kênh đào Phù Nam Techo quá nông đối với tàu chiến.

Dự án gây tranh cãi này được thúc đẩy giữa bối cảnh ông Hun Manet đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ vốn đã chặt chẽ với Bắc Kinh kể từ khi lên nắm quyền từ cha ông chưa đầy một năm trước.

Trong khi đó, mối quan hệ của Campuchia với Mỹ hiện vẫn đang gặp nhiều trắc trở và căng thẳng về một loạt vấn đề bao gồm nhân quyền, tự do báo chí và tình trạng đàn áp phe đối lập chính trị ở Campuchia.

Vào tháng 12, hai tàu chiến Trung Quốc đã có chuyến thăm đầu tiên tới căn cứ hải quân Campuchia mà từ lâu Washington lo ngại sẽ tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Vịnh Thái Lan.

Các quan chức Campuchia nhiều lần phủ nhận để cho bất kỳ thế lực nước ngoài nào sử dụng căn cứ gần thành phố cảng Sihanoukville.

Sau khi Campuchia dỡ bỏ các cơ sở tại căn cứ, vốn được xây dựng một phần bằng nguồn tài trợ của Mỹ và là nơi tổ chức các cuộc tập trận quân sự của Mỹ trước đây, Trung Quốc bắt đầu tài trợ cho việc cải tạo căn cứ này.

Năm ngoái, các quan chức Campuchia phủ nhận việc xây cầu tàu mới dài 363m tại Ream nhằm mục đích làm nơi neo đậu cho hàng không mẫu hạm.