Đường dẫn truy cập

Phù Nam Techo: ‘Tiên trách kỷ, hậu trách nhân’


Dự án Funan Techo Canal, sẽ là Con Kênh Lịch Sử của Vương quốc Cam Bốt 2024-2028 kết nối Cảng Phnom Penh ra tới Vịnh Thái Lan (Hình: Screenshot từ YouTube video của Cambodia Events)
Dự án Funan Techo Canal, sẽ là Con Kênh Lịch Sử của Vương quốc Cam Bốt 2024-2028 kết nối Cảng Phnom Penh ra tới Vịnh Thái Lan (Hình: Screenshot từ YouTube video của Cambodia Events)

Đinh Hoàng Thắng


Cuộc ‘đại nhảy vọt’ của Hun Manet

Ngày 1/4/2024, theo tờ Khmer Times, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024 (Boao Forum for Asia – BFA) vừa bế mạc trên đảo Hải Nam, Trung Quốc, ông Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân (CPP) và bây giờ là Chủ tịch Thượng viện Campuchia, đã tìm kiếm sự hậu thuẫn quan trọng từ Trung Quốc liên quan đến dự án ‘Funan Techo’.

Năm ngoái, hai tháng trước khi ‘truyền ngôi’ cho con trai, ông Hun Sen đã chủ trì cuộc họp nội các quyết định rằng, dự án hệ thống hậu cần và đường giao thông Tonle Bassac sẽ mang tên là ‘Kênh đào Funan Techo’ (Phù Nam Techo).

Dịp tham dự BFA-2024 này, Chủ tịch Hun Sen còn được phía Trung Quốc thông báo về tiến độ của các dự án khác, gồm Cao tốc Phnom Penh-Bavet, Cao tốc Phnom Penh-Siem Reap, Cao tốc Siem Reap-Poipet, Quốc lộ 50C nối Kampong Thom và Kampong Chhnang cùng Đường 3 nối Kampot và Veal Rinh. Đặc biệt, kể từ khi Hun Manet trở thành Thủ tướng Campuchia, riêng đối với dự án ‘Funan Techo’ đã được đẩy với tiến độ nhanh hơn (1).

Theo nhà báo / nhà nghiên cứu độc lập Sokvy Rim viết trên trang mạng ‘ThinkChina’ (một tạp chí điện tử bằng tiếng Anh chuyên lấy tin từ nhật báo tiếng Trung Lianhe Zaobao), các quan chức chính phủ và các nhà phân tích Campuchia tin rằng, dự án ‘Phù Nam Techo’ có thể nâng cao sự phát triển kinh tế của đất nước, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa sản xuất giữa Cảng tự trị Phnom Penh và cảng biển nước sâu ở tỉnh Sihanoukville. ‘Funan Techo’ còn giúp đề cao sự nổi tiếng của Hun Manet đối với người dân Campuchia. Rồi đây, ‘Phù Nam Techo’ không chỉ là một phần lịch sử trong cơ sở hạ tầng quốc gia mà còn là thành tựu nổi bật trong nền chính trị quốc tế của Campuchia. Ngoài ra, kênh đào có thể sẽ giảm được sự phụ thuộc của đất nước Chùa Tháp vào hệ thống cảng biển Việt Nam. Qua đó, kênh đào có thể có tác động tới mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc và Việt Nam (2).

Cũng theo phóng sự thượng dẫn, từ khi nhậm chức vào tháng 8/2023, tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã bắt tay thúc đẩy dự án đường thủy đầy tham vọng nói trên với trị giá 1,7 tỷ USD. Đây sẽ là kênh đường thủy đầu tiên ở Campuchia nối Cảng tự trị Phnom Penh với tỉnh ven biển Kep bằng cách cắt qua bốn tỉnh – Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Đường thủy rộng 100 mét với độ sâu ổn định 5,4 mét có thể chở tàu chở hàng có trọng tải lên tới 3.000 tấn (DWT). Dự án còn bao gồm việc xây dựng 3 hệ thống cửa nước, 11 cây cầu và vỉa hè dài 208 km. Tân Thủ tướng Hun Manet đã thúc đẩy việc xây dựng dự án bao gồm thu hút các nhà đầu tư và trấn an các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Ngày 11 – 12/12/2023, Hun Manet thăm Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Truyền thông Việt Nam và quốc tế đã nhanh chóng đưa tin, chuyến thăm đầu tiên của Manet tới Hà Nội sẽ giúp tăng cường quan hệ song phương. Trả lời báo chí, Ngoại trưởng Campuchia Sok Chenda Sophea nhấn mạnh, chuyến thăm của Hun Manet đến Hà Nội là chuyến thăm đầu tiên đến một quốc gia ASEAN. Trong hơn 100 ngày đầu cầm quyền, Thủ tướng Hun Manet đã có bốn cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam, nhưng đều ở nước ngoài. Sang Hà Nội, Hun Manet đã trấn an lãnh đạo Ba Đình rằng, dự án sẽ không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến dòng chảy của sông Mekong hoặc các con sông khác trong khi vẫn duy trì môi trường, sinh thái và môi trường sống tự nhiên ổn định cho đa dạng sinh học (3).

Mặc cho các lời trấn an và các cuộc giao lưu nhộn nhịp bề ngoài, theo giới quan sát, dự án ‘Phù Nam Techo’ tiếp tục sẽ là một ‘bóng đè mới’ trong bang giao Việt – Cam. Theo BS. Ngô Thế Vinh (4), dự án lịch sử thủy lộ vận tải đầu tiên của Campuchia nối liền hệ thống sông Mekong và đường biển, không chỉ có mục đích đơn thuần nhằm giải quyết những thách đố khó khăn trong lãnh vực vận chuyển đường thủy, nhưng xa hơn thế, đây là một Con kênh Đa năng / Multipurpose Canal với nhiều tham vọng, nhằm kích hoạt các hoạt động kinh tế và xã hội tới một tầm mức cao mới. Với những bước tiến hành ồ ạt tới mức báo động về ‘Dự án Techo’, rõ ràng Phnom Penh đã ‘đốt cháy’ hai giai đoạn: tham vấn trước và thỏa thuận với Hà Nội. Campuchia sau đó đã quyết tâm nhanh chóng bằng những bước ‘đại nhảy vọt’, đặt Việt Nam trước một tình trạng đã rồi (fait accompli).

Hà Hội ‘bình chân như vại’ đến khi nào?

Theo nhà nghiên cứu Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, chi phí và lợi ích của dự án ‘Phù Nam Techo’ hầu như chưa được biết hết do thiếu thông tin. Ông nói: ‘Dự án này có thể sẽ có tác động nghiêm trọng đến sản xuất lúa gạo ở hai tỉnh sản xuất lúa gạo hàng đầu của Việt Nam và do đó, người Việt Nam có lý do chính đáng để lo lắng’. Theo Bộ Công trình Công cộng và Giao thông Campuchia, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC), một trong những công ty nhà nước khổng lồ, đang hỗ trợ dự án thông qua hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT). Nếu hoàn thành, ‘Phù Nam Techo’ sẽ giảm thời gian vận chuyển giữa các cảng ở Sihanoukville và Phnom Penh. Trung Quốc sẽ xây dựng, bảo trì, quản lý kênh đào và thu lợi nhuận từ việc thu phí đi qua kênh trong khoảng 50 năm trước khi giao lại cho Campuchia. Ngày 12/3, Hun Manet cho biết, kênh đào sẽ tạo việc làm cho 1,6 triệu người sống dọc theo tuyến đường và việc xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm 2024 (5).

Theo nguồn tin từ Đài BBC, cho đến nay, chưa thấy Chính phủ Việt Nam có bất cứ phản ứng công khai và rõ ràng nào. Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh cũng không trả lời các câu hỏi của VOA Khmer qua email. Hiện cũng chưa có nghiên cứu độc lập nào được công bố từ các chuyên gia của Việt Nam liên quan đến siêu dự án ‘Phù Nam Techo’ từ nước láng giềng Campuchia. Giáo sư Chung Hoàng Chương, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và đang tham gia cùng với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, nêu quan ngại của ông với BBC News Tiếng Việt vào hôm 1/4/2024, về lượng nước nếu con kênh đi vào hoạt động và những nghiên cứu độc lập từ các chuyên gia. Theo ông Chương, cho đến nay, rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, xét về góc độ khoa học. Ông nhấn mạnh ‘không chống dự án này của Campuchia nhưng cần có nghiên cứu độc lập đầy đủ’ (6).

Điều lạ lùng là trong một bài viết được dẫn lại vào ngày 21/3/2024, dưới đầu đề ‘Nguyên tắc nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia trong khai thác nguồn nước sông Mekong’ (7), TS. Hà Thanh Hòa, từ Đại học Luật Hà Nội, đã đặt ra một số vấn đề đối với Việt Nam trong hợp tác khai thác nguồn nước sông Mekong. Nhưng đáng tiếc là bài viết đã không hề đề cập đến nhu cầu nghiên cứu các ảnh hưởng, hiển nhiên sẽ có, của dự án ‘Phú Nam Techno’. Mặc dầu bài viết dài 7.260 chữ có nêu ra một số cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định tại Hiệp định sông Mekong giữa những quốc gia liên quan. Cụ thể, đối với Lào, Campuchia hay Thái Lan, theo quy định tại Điều 34 Hiệp định sông Mekong, một khi có vấn đề tranh chấp, Việt Nam có thể đưa vụ việc ra trước Ủy hội sông Mekong hoặc Uỷ ban liên hợp; trong trường hợp các cơ quan này không giải quyết được, tranh chấp sẽ được chuyển đến cho Chính phủ các bên để giải quyết bằng đàm phán thông qua các kênh ngoại giao.

Càng lạ lùng hơn nữa là khi ca ngợi Diễn đàn BFA-2024 khép lại với nhiều đồng thuận quan trọng, không rõ truyền thông Việt Nam có nắm được những thỏa thuận mới nhất giữa Chủ tịch Hun Sen với ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến ‘Funan Techo’(8). Thật là dao kề cổ rồi mà vẫn khen ‘dao ngọt’! Đến như bản thân các ký giả Campuchia, trong các bài viết đăng trên tờ The Diplomat, cũng phải thừa nhận những lo ngại của Việt Nam, cho dù chủ yếu họ chỉ nhấn về các lý do kinh tế (9). Trong khi trên thực địa, ‘phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí’. Được ví giống với ‘Thâm Quyến của Campuchia’, Đặc khu Kinh tế Sihanoukville đã được Bắc Kinh đổ vào hàng tỷ đô la theo khuôn khổ ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ (BRI), một mỏ neo chính trị quan trọng của Bắc Kinh trong khu vực. Và cuối cùng không thể không nhắc đến Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia cũng nằm ngay gần vị trí của ‘Kênh đào Phù Nam Techo’. Các thỏa thuận quốc phòng giữa Trung Quốc và Campuchia liên quan đến căn cứ Hải quân này hiện vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Tuy nhiên, căn cứ này đã khiến Mỹ và nhiều nước trong khu vực quan ngại về khả năng tàu chiến Trung Quốc có thể neo đậu. Ngoài ra, đối với Việt Nam, đảo Phú Quốc chỉ cách Ream chưa đến 30 km (10).

Tham khảo:

(1) https://www.khmertimeskh.com/501465538/hun-sen-seeks-chinas-support-for-funan-techo-canal-project/

(2) https://www.thinkchina.sg/bris-funan-techo-canal-could-steer-cambodia-away-vietnam-and-towards-china

(3) https://www.voanews.com/a/villagers-near-proposed-canal-in-cambodia-worry-and-wait/7552864.html

(4) https://vietbao.com/a317339/phu-nam-techo-con-kenh-lich-su-nhung-buoc-tien-hanh-du-an-giua-trieu-dai-cha-va-con-

(5) https://www.voanews.com/a/villagers-near-proposed-canal-in-cambodia-worry-and-wait/7552864.html

(6) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clejvq5e9x2o

(7) https://scem.gov.vn/vi/tin-tuc-trung-tam/chu-truong-chinh-sach/nguyen-tac-nghia-vu-hop-tac-cua-cac-quoc-gia-trong-khai-thac-nguon-nuoc-song-me-kong-1138.html

(8) https://www.vietnamplus.vn/dien-dan-chau-a-bac-ngao-2024-khep-lai-voi-nhieu-dong-thuan-quan-trong-post937320.vnp#google_vignette

(9) https://thediplomat.com/2024/01/why-is-vietnam-worried-about-cambodias-mekong-canal-project/

(10) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clejvq5e9x2o

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG