Triều Tiên và Nga đã đồng ý cung cấp hỗ trợ quân sự ngay lập tức nếu một trong hai phải đối mặt với sự xâm lược vũ trang, theo toàn văn của một hiệp ước mang tính bước ngoặt được Bình Nhưỡng công bố hôm thứ Năm sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hàn Quốc phản ứng bằng cách triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh quốc gia và cho biết họ sẽ xem xét việc gửi vũ khí tới Ukraine, điều mà trước đây họ đã loại trừ.
Vài giờ sau khi ông Putin khởi hành đến Việt Nam, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đăng tải “Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Trên thực tế, hiệp định này khôi phục một thỏa thuận phòng thủ chung đã không còn tồn tại từ những năm 1960.
Thỏa thuận mà ông Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ký hôm thứ Tư và cũng bao gồm hợp tác về năng lượng hạt nhân, thám hiểm không gian, an ninh lương thực và năng lượng, là một trong những động thái quan trọng nhất ở châu Á của Moscow trong nhiều năm.
Ông Putin đã đến thăm Trung Quốc vào tháng trước, ngay sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ năm.
“Trong trường hợp bất kỳ một trong hai bên bị đặt vào tình trạng chiến tranh bởi một cuộc xâm lược vũ trang từ một quốc gia hoặc một số quốc gia, bên kia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện mà mình sở hữu ngay lập tức theo Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như luật pháp của CHDCND Triều Tiên và Liên bang Nga”, Điều 4 của thỏa thuận nêu rõ.
Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định quyền của một quốc gia thành viên được thực hiện các hành động tự vệ cá nhân hoặc tập thể.
Việc ông Kim lặp lại tuyên bố của ông Putin rõ ràng liên kết mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa họ với việc chống lại các chính sách “bá quyền và đế quốc” của phương Tây và Hoa Kỳ nói riêng, bao gồm cả việc nước này hỗ trợ Ukraine.
Washington và Seoul ngày càng cảnh giác trước sự tăng cường hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên, đồng thời cáo buộc họ vi phạm luật pháp quốc tế khi buôn bán vũ khí cho Nga sử dụng để chống lại Ukraine. Các quan chức Ukraine cho biết họ đã tìm thấy mảnh vỡ tên lửa của Triều Tiên bên trong đất nước họ. Nga và Triều Tiên phủ nhận mọi hoạt động buôn bán vũ khí.
Sau cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia, Hàn Quốc cho biết sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Cố vấn an ninh quốc gia Chang Ho-jin cho biết Seoul sẽ bổ sung 243 mặt hàng mới vào danh sách hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga, nâng tổng số lên 1.402 mặt hàng, đồng thời sẽ xem xét lại lập trường của mình trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine.
Chuyên gia Artyom Lukin, thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, cho biết hiệp ước với Triều Tiên sẽ là “liên minh quốc phòng đầu tiên của Moscow bên ngoài không gian hậu Xô Viết”.
“Vẫn còn phải xem Nga và Triều Tiên sẽ đi xa đến mức nào trong mối quan hệ liên minh của họ lần này”, chuyên gia Lukin nói. “Liệu quân đội Triều Tiên có xuất hiện ở Ukraine không? Liệu Nga có cung cấp hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên trong các cuộc đụng độ Bắc-Nam có thể xảy ra ở biên giới tranh chấp ở Hoàng Hải không? Không có gì là không thể lúc này”.
Chuyên gia Cho Han-bum, thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, nói thỏa thuận này là một chiến thắng lớn đối với Nga, đặt ra khuôn khổ pháp lý cho sự hỗ trợ của Triều Tiên trong cuộc chiến Ukraine.
Theo ông, cách diễn đạt này sẽ giúp cho Moscow tránh giúp đỡ Triều Tiên trong các cuộc đụng độ biên giới hoặc các cuộc giao tranh khác trong tương lai nếu họ muốn.
Ông Putin cảm ơn ông Kim hỗ trợ
Trong chuyến thăm đầu tiên tới Bình Nhưỡng kể từ năm 2000, ông Putin đã cảm ơn ông Kim vì sự ủng hộ đối với chính sách của Nga. Ông Kim tái khẳng định sự ủng hộ “vô điều kiện” và kiên định đối với “tất cả các chính sách của Nga” bao gồm cả cuộc chiến của ông Putin với Ukraine.
Nga và Triều Tiên đang phải đối mặt với sự cô lập quốc tế ngày càng tăng, còn Mỹ và các đồng minh châu Á ngày càng lo ngại về mức độ hỗ trợ mà Nga sẽ dành cho Triều Tiên, quốc gia duy nhất đã thử vũ khí hạt nhân trong thế kỷ này.
Thỏa thuận nói không bên nào sẽ ký bất kỳ hiệp ước nào với nước thứ ba xâm phạm lợi ích của bên kia và sẽ không để bất kỳ quốc gia nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây tổn hại đến an ninh và chủ quyền của bên kia, theo KCNA.
Hai nước sẽ thực hiện các hành động chung nhằm “tăng cường khả năng phòng thủ để ngăn chặn chiến tranh và đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế”.
Hàn Quốc nói họ lấy làm tiếc là thỏa thuận này bao gồm cam kết “hợp tác công nghệ quân sự” mà nước này cho rằng sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Nga, quốc gia có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên được ban hành sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân vào năm 2006, nhưng gần đây cho biết các lệnh trừng phạt nên được thay đổi. Nước này phủ quyết việc gia hạn hàng năm các thanh tra viên thực thi các biện pháp trừng phạt trong năm nay.
Nhà Trắng chưa bình luận ngay về nội dung được báo cáo của thỏa thuận.
Nhật Bản bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về lời hứa của ông Putin sẽ không loại trừ khả năng hợp tác với Bình Nhưỡng về công nghệ quân sự.
Phản ứng từ Trung Quốc, nước hỗ trợ chính trị và kinh tế chính của Triều Tiên, đến nay vẫn im lặng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận việc này và gọi đây là vấn đề song phương giữa Nga và Triều Tiên.
Trợ lý tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nói Nga, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã cho phép “vô hiệu hóa trắng trợn nhất” tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên nhằm ngăn chặn hoạt động phát triển vũ khí của nước này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hiệp ước này cho thấy các cường quốc độc tài đang liên kết với nhau.