Một số nhà hoạt động đang tị nạn chính trị ở nước ngoài lên tiếng cảnh báo về tình trạng họ vẫn bị an ninh Việt Nam theo dõi, làm phiền sau khi một nhà hoạt động ở Mỹ bị một người tự xưng là người của Bộ Công an Việt Nam tiếp cận.
Bà Phạm Thanh Nghiên, một nhà hoạt động Việt Nam đang định cư tại Mỹ kể từ tháng 4 năm ngoái, kể lại với VOA sự việc xảy ra hôm 24/5 mà bà và một số nhà hoạt động khác nhận định là một hành động quấy nhiễu nhằm trấn áp tinh thần của bà.
“Tôi nhận được tin nhắn của một người lạ, không có trong danh bạ điện thoại của tôi, mời đi ăn. Tôi không biết là ai nên có nhắn lại là tôi xin lỗi tôi chưa nhận ra là ai. Không thấy họ trả lời nên tôi gọi điện thoại, nhưng người này không bắt máy và thay vào đó gửi tin nhắn trả lời nói ‘Anh Trọng đây’ rồi xưng là bên ‘An ninh Bộ’ sang bên này đi du lịch và muốn mời vợ chồng tôi đi ăn vào cuối tuần. Khi thấy anh ta giới thiệu là an ninh Bộ thì tôi đã từ chối và bày tỏ quan điểm rất rõ ràng của một người đi tị nạn Cộng sản. Sau đó, không thấy người này liên lạc lại nữa”.
Bà Nghiên cho biết sau đó bà nhờ một người bạn gọi vào số điện thoại trên nhiều lần nhưng chỉ nghe tiếng chuông đổ mà không có ai bắt máy.
Bà cho biết đã báo cáo cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và họ đã ghi nhận sự việc.
Bà nói kể từ khi đến Mỹ, đây là lần đầu tiên bà bị một người tự xưng là an ninh Việt Nam tiếp cận trực tiếp, ngoài những đe doạ vẫn diễn ra lâu nay trên mạng xã hội Facebook.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để xác minh thông tin nhưng không nhận được phản hồi.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động nhân quyền đang tị nạn chính trị tại Đức, bác bỏ khả năng đây là một “trò đùa” vì theo nhận định của ông, “không ai dại gì” mạo nhận mình là một sĩ quan cao cấp của Bộ Công an để tiếp cận với một người hoạt động đối lập của Việt Nam đang ở nước ngoài để phải đối mặt với những vấn đề về an ninh cả.
LS. Đài cũng chia sẻ với VOA rằng bản thân ông kể từ khi sang định cư ở Đức vào năm 2018 đến nay cũng đã nhiều lần bị “lực lượng an ninh nằm vùng” theo dõi một cách công khai, khiến ông phải báo cho cơ quan phản gián và an ninh của Đức để họ điều tra và bảo vệ an ninh cho ông.
Ngăn chặn ảnh hưởng?
LS. Nguyễn Văn Đài nói việc theo dõi, ngăn chặn hoạt động của những người đối lập, dù là ở trong hay ngoài nước, là một trong những nhiệm vụ của lực lượng an ninh Việt Nam và nó đã góp phần giúp cho Đảng Cộng sản độc quyền cai trị suốt gần 50 năm qua.
Ông giải thích thêm: “Một trong những nhiệm vụ của họ là phải theo dõi hoạt động của tất cả những người này [các nhà hoạt động tị nạn ở nước ngoài] để tránh tập hợp được những lực lượng ở bên ngoài hoặc gây ảnh hưởng ở trong nước. Thế nên chúng ta không lạ gì, không chỉ những người đối lập như chị Nghiên hay tôi hiện nay bị theo dõi, mà hầu như chắc chắn 100% tất cả các tổ chức của người Việt hải ngoại đều bị theo dõi chẳng qua họ không phát hiện hay không biết thôi”.
Theo vị luật sư nhân quyền của Việt Nam, trong khoảng thời gian kể từ năm 2019, 2020 trở về trước, chính quyền Việt Nam thường tìm cách đẩy những nhà hoạt động có ảnh hưởng ra nước ngoài nhằm vô hiệu hoá hoạt động của họ. Và mục tiêu này khá thành công vì hầu hết các nhà hoạt động đối lập khi bị đẩy ra khỏi Việt Nam gần như không thể hoạt động được gì hoặc những hoạt động của họ gần như không gây ảnh hưởng gì trong nước.
Tuy nhiên, LS. Đài nói bản thân ông và một số nhà hoạt động đi tị nạn chính trị những năm gần đây lại hoạt động hiệu quả hơn so với thời gian bị kiềm kẹp ở trong nước, và đây là nguyên nhân dẫn đến việc họ bị theo dõi, trấn áp tinh thần.
“Đối với những người không hoạt động hiệu quả hay không hoạt động nữa thì họ có theo dõi ai đâu. Họ chỉ theo dõi những người còn có những hoạt động gây nguy hại đối với sự tồn tại của chế độ ở trong nước”, LS. Đài nói.
Bà Phạm Thanh Nghiên cũng đưa ra suy đoán tương tự về lý do bà nhận được “lời mời” trên:
“Tôi cho rằng nguyên nhân an ninh Việt Nam gọi điện thoại cho tôi khi tôi đã ở Mỹ được một năm rồi là do tôi vẫn giữ liên lạc với những người hoạt động tại Việt Nam và tôi vẫn tiếp tục lên tiếng về những vụ đàn áp mới”.
Bà cho biết kể từ Tết đến nay, một số người hoạt động tại Việt Nam đã bị an ninh thẩm vấn về mối quan hệ của họ với bà, thậm chí họ bị ép ký vào cam kết không được liên lạc với bà hay chia sẻ những bài viết của bà trên mạng xã hội. Họ cho biết phía an ninh cáo buộc bà Nghiên tài trợ cho các hoạt động chống nhà nước, điều mà bà Nghiên cho là “vu khống” bà.
“Tôi biết được điều này là do những người bị thẩm vấn nói lại với tôi và tôi nghĩ đó là lý do chính”, bà Nghiên cho biết thêm.
Cần làm gì?
Sự việc mới xảy ra với bà Phạm Thanh Nghiên, theo LS. Nguyễn Văn Đài, là một sự kiện thêm nữa cho thấy an ninh Việt Nam luôn theo dõi sát những người đối lập và bất đồng chính kiến mặc dù họ đã định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông cho rằng các nhà hoạt động đang tị nạn ở Mỹ sẽ bớt nguy hiểm hơn những người đang ở châu Âu hay châu Á, nơi đã từng xảy ra những vụ an ninh “bắt cóc” đưa người về Việt Nam.
Cả hai nhà hoạt động đều cho rằng việc họ bị an ninh Việt Nam theo dõi, tiếp cận đều không thể cản trở lý tưởng và hoạt động mà họ đã lựa chọn thực hiện trong suốt nhiều năm qua.
“Ngay khi ở trong tù thì tôi vẫn đấu tranh theo cách của mình và theo khả năng của mình, trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn là nhà tù. Khi đã ra tù thì tôi vẫn chung thuỷ với lời hứa của mình, kể cả trong 3 năm bị quản chế, tôi vẫn có thể làm việc và đấu tranh được, tất nhiên là trong khả năng của mình. Và bây giờ sang Hoa Kỳ rồi, tất nhiên sẽ có rất nhiều những đổi khác nhưng tôi thấy nó dễ dàng hơn về mặt an ninh, thì tôi không có lý do gì để mình không tiếp tục con đường tốt đẹp này”, bà Phạm Thanh Nghiên chia sẻ.
Vị luật sư nhân quyền khuyên các nhà hoạt động ở hải ngoại khi gặp những trường hợp bị theo dõi, đe doạ… dù ở mức độ nào cũng cần phải báo cho nhà chức trách địa phương để được bảo vệ an ninh.
Riêng bà Phạm Thanh Nghiên cho biết ngoài việc báo cáo với nhà chức trách, bà chọn lên tiếng công khai sự việc để ngăn chặn khả năng bị “đánh phá”, gây mấy uy tín bằng những cách thức qua mạng xã hội.
“Một người khi đã mất uy tín để tranh đấu rồi thì cũng không làm được gì nữa, thành ra tôi thấy với việc này tôi cần phải lên tiếng trước…”, bà Nghiên nói thêm.