Thời điểm này đang là mùa cao điểm du lịch tại khu vực miền núi phía Bắc khi các thửa ruộng bậc thang ở những trung tâm du lịch như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng…đang chín vàng rực rỡ. Tuy vậy, theo nhiều công ty lữ hành và cung cấp dịch vụ du lịch được VOA phỏng vấn, lượng khách du lịch tìm tới khám phá và thưởng lãm đang rất thưa thớt. Nguyên nhân được cho biết chủ yếu là hậu quả của cơn bão Yagi đầu tháng 9 khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây khó khăn đi lại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến du khách còn e ngại. Bên cạnh đó, không ít du khách cho biết do việc khai thác du lịch quá mức dẫn tới tình trạng ‘thương mại hoá’ và ‘bê tông hoá’ khiến họ dần mất đi hứng thú với các điểm du lịch nổi tiếng này.
Anh Nguyễn Hoàng Linh, một ‘dân chơi’ mô tô phân khối lớn và cũng là một phượt thủ quen mặt ở khu vực miền núi phía Bắc, cho biết mùa lúa chín năm nay, anh và nhóm mô tô của mình quyết định không đi ngắm lúa chín ở Hoàng Su Phì và Xín Mần của Lào Cai như dự kiến nữa.
“Vừa mới mưa bão xong, mấy tuần trước anh em đã dự định đi rồi nhưng toàn thấy sạt lở chết người nên không dám đi nữa,” anh Linh cho VOA biết.
Anh Trần Nguyên Phương, một nhiếp ảnh gia ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết anh không thể thực hiện những chuyến đi tới các tỉnh miền núi phía Bắc năm nay dù cho thời tiết vào thời điểm này là rất lý tưởng.
“Đường sá nhiều nơi sau sạt lở cho đến giờ đã đi được đâu. Người ta mới dọn dẹp được những cái đường chính thôi, còn đường nhỏ dẫn vào các địa điểm đẹp đã dọn được đâu mà đi,” anh nói và cho biết năm nào anh cũng đi và thường dành trọn tháng 10 lang thang thăm thú và săn ảnh dọc các tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Cao Bằng…
Chị Phan Thu Thủy, chủ một doanh nghiệp lữ hành chuyên tổ chức các tour đi miền núi phía Bắc, cho biết số lượng khách đặt tour đã giảm hơn 80%. Mọi năm vào thời điểm này, doanh nghiệp của chị thường phải kết nối với rất nhiều hướng dẫn viên tự do để đảm bảo tổ chức hàng trăm tour đi ngắm lúa chín, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, năm nay là một sự vắng vẻ chưa từng có. Điều này khiến cho không những doanh nghiệp của chị lâm vào hoàn cảnh khó khăn mà còn khiến cho các đối tác tại những trung tâm du lịch như Sapa, Mù Căng Chải, hay Đồng Văn… cũng chịu cảnh ‘ế ẩm”.
“Nguyên nhân chính là do sạt lở. Bây giờ đã làm sao bình thường được, không thể bình thường được. Thế nên là không ai đi cả, toàn bộ khu vực Sapa, Mù Căng Chải giờ…vắng tanh ra. Không ai dám đi, dám lên đấy. Đất nó thành bùn rồi…Bây giờ có cho họ đi miễn phí họ cũng không đi…vắng khách lắm,” chị Thủy tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Dương, một chủ nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch tại thị trấn Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái, cho biết từ đầu mùa ‘du lịch lúa chín’ từ cuối tháng 9 tới nay nhà hàng của anh thất thu nặng nề. Mọi năm nhà hàng đều trông vào mùa du lịch này, có thể nói là làm 2-3 tháng để dành cho cả năm, nhưng năm nay doanh thu giảm rất nhiều.
“Nói chung là giảm ít nhất 30%, thậm chí là hơn 30% so với bình thường,” anh Dương cho biết và nói thêm rằng không chỉ mất lượng khách du lịch mà ngay cả khách quen là cư dân địa phương cũng rất ít khi tới quán anh liên hoan hay ăn nhậu với bạn bè nữa.
“Dân ở tỉnh thì giờ người ta cũng không đi bia rượu nhiều, ngày xưa thì bia rượu suốt ngày. Hà Nội thì còn có taxi để đi tránh bị thổi nồng độ cồn. Còn các tỉnh thì làm gì có mà có thì ai người ta đi mấy đâu.”
Còn anh Nguyễn Hoàng Linh cho hay sang năm dù điều kiện thời tiết thuận lợi thì nhóm mô tô phân khối lớn của anh cũng chưa chắc sẽ tiếp tục ‘lên đường’. Anh nói nhóm anh có thể sẽ chuyển hướng sang những chuyến đi gần hơn để họp mặt thay vì đi khám phá, tận hưởng cảnh sắc tự nhiên vì các điểm ngắm lúa chín đẹp nhất như tại thị trấn Sapa hay Mù Căng Chải đang mất dần đi sự hấp dẫn.
“Thật ra thì Mù Căng Chải vẫn đẹp, phải nhìn nhận thế. Nhưng vấn đề là làm du lịch quá mức nên hiện đông quá, đến mức không chịu nổi,” anh nói.
Nhiếp ảnh gia Trần Nguyên Phương cũng chia sẻ rằng những năm gần đây, các chuyến đi của anh cũng dần mất đi sự thú vị khi các trung tâm du lịch ở phía Bắc đang bị khai thác quá mức. Thêm vào đó, theo anh, là việc xây dựng tràn lan phá vỡ cảnh quan, khiến cho các nơi đều có dáng vẻ giống nhau đến nhàm chán.
“Giờ toàn bê tông hóa hết, có gì đâu. Ví dụ lên Tam Đảo giờ thì không khác gì một cái phố ở Hà Nội cả. Toàn bê tông cả. Chán lắm,” nhiếp ảnh gia này than thở và dự đoán nếu tình trạng này không được kiểm soát thì mùa cao điểm du lịch ngắm lúa chín một ngày không xa sẽ khó có thể duy trì.
Truyền thông nhà nước nói lượng khách tới các trung tâm du lịch ở miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… năm nay chỉ đạt khoảng 30 – 40% so với cùng kỳ năm ngoái do tâm lý vẫn còn thận trọng sau cơn bão Yagi. Số lượng phòng khách sạn có khách lưu trú vào mùa cao điểm du lịch tháng 10 tại các trung tâm du lịch này chỉ đạt trên dưới 30%. Cónhững nơi chỉ đạt khoảng 20%. Các tour đã được đặt trước cũng bị huỷ hàng loạt, theo thông tin từ nhiều công ty lữ hành.
Vẫn theo báo chí trong nước, phần lớn các công ty lữ hành cho biết họ sẽ chỉ quảng bá, đẩy mạnh các tour đi miền núi phía Bắc khởi sự từ cuối tháng 11 khi mùa mưa bão cuối năm đã hoàn toàn đi qua.