Đường dẫn truy cập

Người dân phản biện chủ tịch Hà Nội: Có người ăn xin, vô gia cư; môi trường rất ô nhiễm


Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại một hội nghị hôm 14/10/2024.
Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại một hội nghị hôm 14/10/2024.

Chủ tịch Hà Nội nói trong những ngày gần đây rằng thủ đô của Việt Nam không có người ăn xin và người vô gia cư, dẫn đến phản ứng từ người dân cho rằng sự thật khác hẳn với lời vị lãnh đạo, ngoài ra, Hà Nội còn có vấn đề nhức nhối về giao thông và môi trường.

Theo VnExpress và Dân Trí, khi gặp cử tri và đối thoại với thanh niên thủ đô lần lượt vào ngày 11 và 14/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ rằng ông đã “khẳng định” một cách “tự tin” và “tự hào” với quan khách nước ngoài rằng "Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư" khi ông tham gia hội nghị các thị trưởng ASEAN ở Lào cách đây gần 1 tháng.

Dân Trí trích lời Chủ tịch Thanh nói hôm 14/10 trong cuộc gặp với giới thanh niên rằng những người ngủ đêm ở gầm cầu, ở chợ không phải bởi “người dân không có nhà mà là do đặc thù công việc”.

Vẫn Dân Trí tường thuật ông Thanh nhận xét rằng đời sống người dân thủ đô đang ngày càng được nâng lên và chính quyền thành phố đang cố gắng làm những gì tốt nhất để phục vụ người dân, để cuộc sống người dân tốt hơn.

Theo quan sát của VOA, những phát biểu của vị lãnh đạo thành phố Hà Nội dẫn đến việc hơn 1.000 người dân đưa ra ý kiến trên mạng xã hội phản bác lời của ông ấy hoặc thể hiện sự bất bình, mỉa mai…

Trong các nhóm, diễn đàn trên mạng gồm Hà Nội News, SaigonTV, Việt Nam Trong Tôi, Chân Trời Mới Media, Otofun…, và trang cá nhân của một số Facebooker có đông người theo dõi như Đào Tuấn…, nhiều người thẳng thắn cho rằng Chủ tịch Trần Sỹ Thanh “nói sai” hoặc “không gần dân”, “không nắm thực tế”…, và nêu bằng chứng là ngày nào họ ra đường cũng gặp người ăn xin hoặc người vô gia cư.

Theo tìm hiểu của VOA, đó không chỉ là ý kiến cá nhân mà là một thực tế được chính Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội (HTV), cơ quan ngôn luận của chính quyền thành phố, phản ánh trong một phóng sự bằng video được đăng lên YouTube hôm 14/10, cùng ngày Chủ tịch Thanh tuyên bố Hà Nội không có người ăn xin và người vô gia cư.

Phóng sự dài gần 15 phút của HTV có đoạn nói rằng “người ăn xin ngồi vật vờ trên các ngả đường không chỉ gây đau lòng mà còn là một vấn nạn xã hội nhức nhối”.

Một nhà hoạt động xã hội xác nhận với VOA vào tối 15/10 rằng vẫn có người ăn xin, vô gia cư ở Hà Nội, đặc biệt tại các ngôi chùa và họ bị xem là những người “hành nghề ăn xin”, hàm ý rằng đó là việc để kiếm tiền chứ không nhất thiết vì hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ…

Nhà hoạt động này muốn giấu tên vì từng bị công an Việt Nam triệu tập, chất vấn.

Nhà hoạt động cho rằng Chủ tịch Trần Sỹ Thanh phủ nhận nạn ăn xin, vô gia cư vì ông ấy muốn thể hiện rằng Hà Nội có hình ảnh đẹp và kinh tế phát triển, không còn người nghèo, ngoài ra, cũng có thể là ông Thanh muốn nêu bật nỗ lực của thành phố trong việc đưa người ăn xin vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Cơ sở này có tên đầy đủ là Trung tâm Công tác Xã hội và Quỹ Bảo trợ Trẻ em, thuộc chính quyền Hà Nội.

Hồi tháng 7, một bản tin của báo Lao Động Thủ Đô, thuộc Liên đoàn Lao Động Hà Nội, viết rằng trong 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm kể trên đã tập trung, tiếp nhận 225 người lang thang mà trong đó xấp xỉ 90% có hành vi xin ăn, xin tiền.

Việc thu gom người lang thang, xin tiền là một trong những biện pháp “giữ gìn hình ảnh thủ đô văn minh hiện đại trong mắt người dân và bạn bè quốc tế”, tờ báo nêu rõ.

Tờ báo ghi nhận rằng công tác này mang lại kết quả rõ nét nhất là tại các điểm du lịch lớn của Hà Nội “không còn tình trạng người lớn dẫn theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo người đi đường và khách du lịch”.

“Tại các tuyến phố lớn, trục đường chính đã giảm hẳn tình trạng người lang thang tràn ra lòng đường xin ăn, xin tiền”, vẫn tờ Lao Động Thủ Đô viết.

Còn theo phóng sự hôm 14/10 của đài HTV, bình quân hàng năm, trung tâm bảo trợ xã hội thuộc chính quyền Hà Nội tập trung, tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và trợ giúp từ 450-550 lượt người lang thang, xin tiền.

“Tôi sống ở Hà Nội 50 năm nay trong lòng khu phố cũ. Cách đây vài hôm vẫn thấy có người ăn xin ở trên đường. Tất nhiên so với cách đây vài năm có bớt đi, do chính quyền thu gom”, một người đàn ông ở Hà Nội nói với VOA vào tối 15/10, đề nghị không nêu danh tính vì e ngại có thể gặp rắc rối với chính quyền.

Ông nói thêm rằng thỉnh thoảng có xe của chính quyền đi gom những người ăn xin, vô gia cư về trung tâm bảo trợ xã hội, theo từng đợt, chẳng hạn vào các dịp lễ lớn, hội nghị quan trọng hay có đoàn nguyên thủ nước ngoài đến Hà Nội.

Người dân này cho rằng việc Chủ tịch Thanh nói Hà Nội không có người ăn xin, người vô gia cư vì ông ấy muốn “tô đẹp” về thành phố trong nhiệm kỳ của mình hoặc vì “cách làm việc” và lý giải thêm:

“Nếu các ông ấy đi thăm các đơn vị cơ sở, thì dưới cơ sở được báo trước hôm nay có đồng chí lãnh đạo đến thăm, thì dọn dẹp hết tất cả các thứ rồi, có bao giờ đi đột xuất hoặc đi bất chợt đâu, thì làm sao ông ấy thấy được. Bao nhiêu năm nay nó như thế rồi”.

Về lời nhận xét của Chủ tịch Thanh rằng đời sống người dân thủ đô đang ngày càng được nâng lên, nam cư dân Hà Nội thẳng thắn chỉ ra: “Theo ý kiến cá nhân của mình, một người sống ở Hà Nội ít nhất 50 năm, và cũng đi nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, châu Á…, vấn đề mấu chốt nhất của Hà Nội hiện nay có lẽ là giao thông đô thị và ô nhiễm môi trường”.

Ông nêu dẫn chứng, điều được ông gọi là “không thể giấu được”, rằng trong khung giờ 19h30-20h30 mỗi tối, các ngã tư ngay trung tâm thành phố là điểm tập kết rác bốc mùi khủng khiếp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, người nắm quyền lãnh đạo cao nhất ở thành phố, theo cơ cấu chính trị Việt Nam, thừa nhận ô nhiễm môi trường "là vấn đề hết sức bức xúc" vào ngày 14/10, khi bà gặp gỡ cử tri, báo chí trong nước đưa tin.

“Chưa thể hài lòng với những cái của Hà Nội xứng đáng là thủ đô của một nước gần 100 triệu dân”, nam cư dân giấu tên nói với VOA.

Về phần mình, nhà hoạt động xã hội không muốn nêu danh tính nói rằng ở một chừng mực nhất định, lãnh đạo của Hà Nội có lý khi nhận xét đời sống trở nên tốt đẹp hơn, nếu xét về một số khía cạnh kinh tế, vật chất, trang trí, bày biện nơi công cộng...

Nhưng nhà hoạt động này cho rằng chất lượng cuộc sống không chỉ là những điều đó mà còn phải xét đến việc người dân có phải lo lắng về an toàn giao thông, chăm sóc y tế, ô nhiễm môi trường… hay không. Đó là những vấn đề mà Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung “còn lâu mới giải quyết được”.

VOA liên lạc với Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh để tìm hiểu quan điểm của ông về những lời phản biện nhưng không có hồi đáp.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG