Sĩ quan quân đội Hàn Quốc: Tổng thống Yoon đã ra lệnh ‘kéo’ các nghị sĩ ra khỏi quốc hội trong thời gian thiết quân luật

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ra lệnh "kéo" các nhà lập pháp ra khỏi quốc hội sau khi ông tuyên bố thiết quân luật hôm 3/12, theo một chỉ huy quân đội cho biết hôm 10/12 trong bối cảnh có lo ngại về khoảng trống quyền lực khi văn phòng của ông Yoon nói rằng "không có lập trường chính thức" về người điều hành đất nước.

Ông Yoon hiện là đối tượng của các cuộc điều tra hình sự về các cáo buộc nổi loạn. Ông đã xin lỗi vì nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành nhưng không chấp nhận những lời kêu gọi ngày càng tăng để yêu cầu ông từ chức, ngay cả từ một số thành viên trong chính đảng của ông.

Ông Yoon hôm 7/12 nói rằng ông giao phó số phận pháp lý và chính trị của mình cho Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của mình. Đảng này cho biết hôm 10/12 rằng họ đang thảo luận về khả năng từ chức của ông Yoon, sớm nhất là vào tháng Hai và tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào tháng Tư hoặc tháng Năm.

Tuyên bố thiết quân luật bất ngờ của ông Yoon đã làm cả Hàn Quốc sững sờ và đẩy nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và đồng minh lớn của Hoa Kỳ trong khu vực vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp, gây chấn động trên các mặt trận ngoại giao và kinh tế.

Văn phòng của ông Yoon, khi được Reuters hỏi ai đang điều hành Hàn Quốc, cho biết họ "không có lập trường chính thức nào để đưa ra" nhưng đã nhắc đến các tuyên bố trước đây của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 9/12 nói rằng ông Yoon vẫn là tổng tư lệnh và người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho biết rằng các vấn đề nhà nước bao gồm cả vấn đề đối ngoại "đang được tiến hành theo một quy trình được nêu trong Hiến pháp và luật pháp".

Ông Kwak Jong-geun, chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt của Quân đội Hàn Quốc, đã nói với một ủy ban quốc hội rằng ông đã nhận được nhiều cuộc gọi từ ông Yoon sau khi ban bố thiết quân luật trong đêm.

"Ông ấy nói hãy phá cửa ngay bây giờ rồi vào đó và lôi những người bên trong ra ngoài", ông Kwak ám chỉ các thành viên của quốc hội đang bắt đầu tập trung bên trong phòng họp chính để bỏ phiếu ra lệnh cho ông Yoon hủy bỏ lệnh thiết quân luật. Ông Kwak cho biết ông quyết định không thực hiện lệnh của ông Yoon.

Ông Yoon đã hủy bỏ thiết quân luật 6 giờ sau cuộc bỏ phiếu của quốc hội. Lời của chỉ huy lực lượng đặc nhiệm khác với tuyên bố trước đó của các sĩ quan quân đội rằng chính Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó, Kim Yong-hyun, là người đã ra lệnh đưa các nhà lập pháp ra khỏi phòng họp quốc hội.

Ông Kim đã từ chức và bị bắt. Ông Yoon bị cấm rời khỏi đất nước và phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu luận tội thứ hai được lên kế hoạch tiến hành vào ngày 14/12.

Lee Yang-soo, người chủ trì nhóm đặc biệt của PPP, vốn được thành lập hôm 9/12 để vạch ra lộ trình về sự ra đi "có trật tự" cuối cùng của ông Yoon, cho biết nhóm của ông đã đề xuất ý tưởng để ông Yoon từ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 và tổ chức bầu cử sau đó hai tháng.

Hiến pháp Hàn Quốc quy định phải tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày kể từ khi ông Yoon rời nhiệm sở nếu ông rời nhiệm sở trước khi nhiệm kỳ 5 năm duy nhất của ông kết thúc vào tháng 5 năm 2027.

"Toàn đảng chúng tôi vẫn chưa đi đến kết luận và sẽ có một cuộc họp khác với tất cả các thành viên quốc hội vào buổi chiều để thảo luận về kế hoạch đó", ông Lee nói với các phóng viên. Ý tưởng này được đưa ra 3 ngày sau khi lãnh đạo PPP Han Dong-hoon tuyên bố tổng thống sẽ bị loại khỏi các vấn đề đối ngoại và các vấn đề khác của nhà nước, và Thủ tướng Han Duck-soo sẽ giám sát chính phủ.

Đảng Dân chủ đối lập chính (DP) chỉ trích thông báo này, nói rằng nó vi hiến và ông Yoon phải bị luận tội hoặc từ chức và phải đối mặt với các cáo trạng.

Kim Seon-taek, một giáo sư tại trường luật của Đại học Hàn Quốc, cho biết tổng thống có thể ủy quyền cho thủ tướng. Chang Young-soo, một giáo sư khác cùng trường, đồng tình với quan điểm của ông Kim nhưng cho biết vẫn còn có tranh luận về việc liệu thủ tướng có thẩm quyền hành động với tư cách là nguyên thủ quốc gia về các vấn đề ngoại giao hay không.

Sự bất đồng quan điểm ngày càng tăng trong phe cầm quyền, sau khi chỉ có hai trong số 108 nhà lập pháp PPP cho biết họ đã tham gia và bỏ phiếu cho động thái luận tội vào tuần trước.

Dự luật này cần sự ủng hộ của hai phần ba trong số 300 thành viên của quốc hội để được thông qua, điều đó có nghĩa là ít nhất 8 người sẽ phải tham gia phe đối lập.

Hôm 10/12, Kim Sang-wook đã trở thành nhà lập pháp PPP thứ ba công khai tuyên bố ủng hộ động thái này sau khi phản đối trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên. Một thành viên khác là Bae Hyun-jin cũng chỉ trích cuộc tẩy chay tuần trước và tuyên bố sẽ tham gia vào ngày 14/12, trong khi Cho Kyoung-tae cho biết ông cũng sẽ bỏ phiếu nếu ông Yoon không từ chức trước thời điểm đó, nhưng không nói rõ là cho phe nào.

Ông Kim, phát biểu tại một cuộc họp báo, cho biết các thành viên PPP khác có thể sẽ tham gia cùng ông, đồng thời nói thêm: "Tôi nghĩ rằng có đủ số lượng để thông qua luận tội".

Trong một dấu hiệu hiếm hoi về sự ủng hộ của lưỡng đảng, quốc hội hôm 10/12 đã thông qua một đề xuất để bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt nhằm điều tra vụ án thiết quân luật trong bối cảnh có lo ngại về sự tranh chấp gia tăng giữa các cơ quan khác nhau, vốn đã tiến hành các cuộc điều tra riêng.

Ông Yoon, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim, cựu Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min và một số quan chức quân đội và cảnh sát đang đối mặt với các cáo buộc nổi loạn và lạm dụng quyền lực.