Các quốc gia Đông Nam Á hôm 19/1 đã nói với chính quyền quân sự Myanmar rằng kế hoạch tổ chức bầu cử trong bối cảnh cuộc nội chiến leo thang không nên là ưu tiên của chính quyền này đồng thời thúc giục chính quyền quân sự bắt đầu đối thoại và chấm dứt thù địch ngay lập tức.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi các bên tham chiến tại quốc gia thành viên là Myanmar ngừng giao tranh và yêu cầu đại diện của chính quyền quân sự cho phép tiếp cận nhân đạo và điều này không bị cản trở, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia cho biết, trong khi nước này đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN trong năm nay.
"Malaysia muốn biết Myanmar đang nghĩ gì", Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Mohamad Hasan phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp kín của các bộ trưởng trên đảo Langkawi. "Chúng tôi đã nói với họ rằng bầu cử không phải là ưu tiên. Ưu tiên hiện tại là ngừng bắn".
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ đầu năm 2021 khi quân đội nước này lật đổ chính quyền dân sự được bầu của khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi, gây ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, vốn đã biến thành một cuộc nổi loạn vũ trang lan rộng ra nhiều vùng đất của đất nước.
Mặc dù gặp khó khăn trên nhiều mặt trận giữa bối cảnh nền kinh tế tồi tệ và hàng chục đảng phái chính trị bị cấm hoạt động, chính quyền quân sự vẫn có kế hoạch tổ chức bầu cử trong năm nay và những người chỉ trích đã coi đây là trò lừa bịp để giữ các tướng lĩnh nắm quyền thông qua những người ủy nhiệm.
Malaysia đã công bố việc bổ nhiệm cựu quan chức ngoại giao Othman Hashim làm đặc phái viên về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, nơi Liên Hợp Quốc cho biết nhu cầu nhân đạo đang ở "mức báo động", với gần 20 triệu người, tức hơn một phần ba dân số, cần được giúp đỡ.
Ông Mohamad cho biết Othman sẽ sớm đến thăm Myanmar. Othman được giao nhiệm vụ thuyết phục tất cả các bên ở Myanmar thực hiện kế hoạch hòa bình năm điểm của ASEAN, vốn không có tiến triển gì kể từ khi được công bố nhiều tháng sau cuộc đảo chính.
ASEAN đã cấm các tướng lĩnh cầm quyền tham dự các cuộc họp của mình vì họ không tuân thủ kế hoạch. Myanmar được đại diện bởi một nhà ngoại giao cấp cao.
"Chúng tôi muốn Myanmar tuân thủ kế hoạch đồng thuận năm điểm, chấm dứt thù địch và đối thoại, rất đơn giản", ông Mohamad nói. "Những gì chúng tôi muốn là viện trợ nhân đạo không bị cản trở có thể đến được với tất cả mọi người ở Myanmar”.