Putin ngày càng lo ngại về nền kinh tế Nga trong khi Trump cân nhắc thêm lệnh trừng phạt 

Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống Vladimir Putin ngày càng lo ngại về những diễn biến trong nền kinh tế thời chiến của Nga, trong khi ông Donald Trump thúc đẩy việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, theo năm nguồn tin am tường về tình hình cho Reuters biết.

Nền kinh tế Nga, được thúc đẩy bởi xuất khẩu dầu, khí đốt và khoáng sản, đã tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm qua bất chấp nhiều đợt trừng phạt của phương Tây sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022.

Nhưng hoạt động trong nước đã trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây do tình trạng thiếu lao động và lãi suất cao được đưa ra để giải quyết tình trạng lạm phát, vốn đã tăng tốc vì chi tiêu quân sự kỷ lục.

Điều đó đã góp phần thúc đẩy quan điểm trong một bộ phận giới tinh hoa Nga rằng một giải pháp đàm phán cho cuộc chiến là điều cần thiết, theo hai nguồn tin am tường về suy nghĩ của Điện Kremlin.

Ông Trump, người đã trở lại Nhà Trắng hôm 20/1, đã tuyên bố sẽ nhanh chóng giải quyết xung đột Ukraine, cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Tuần này, người đứng đầu Nhà Trắng đã nói rằng nhiều lệnh trừng phạt hơn, cũng như thuế quan, có thể được áp đặt đối với Nga trừ khi ông Putin đàm phán, đồng thời cho biết thêm rằng Nga đang hướng đến "rắc rối lớn" trong nền kinh tế.

Một phụ tá cấp cao của Điện Kremlin cho biết hôm 21/1 rằng cho đến nay Nga vẫn chưa nhận được bất kỳ đề xuất cụ thể nào cho các cuộc đàm phán.

"Tất nhiên, Nga quan tâm đến việc đàm phán chấm dứt xung đột bằng biện pháp ngoại giao", ông Oleg Vyugin, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga cho biết trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời nêu ra nguy cơ gia tăng giá cả trong khi Nga tăng tốc chi tiêu cho quân sự và quốc phòng.

Ông Vyugin không phải là một trong năm nguồn tin, vốn đều trả lời phỏng vấn với điều kiện giấu tên do tình hình nhạy cảm ở Nga. Đây là lần đầu tiên mức độ lo ngại của ông Putin về nền kinh tế, theo mô tả của các nguồn tin, và ảnh hưởng của điều đó đối với quan điểm trong Điện Kremlin về cuộc chiến, được biết tới.

Reuters trước đây đã đưa tin rằng ông Putin sẵn sàng thảo luận về các lựa chọn ngừng bắn với ông Trump nhưng những lợi ích lãnh thổ của Nga ở Ukraine phải được chấp nhận và Ukraine phải từ bỏ nỗ lực gia nhập liên minh quân sự NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, khi được hỏi về thông tin của Reuters, đã thừa nhận "các yếu tố có vấn đề" trong nền kinh tế, nhưng cho biết nền kinh tế đang phát triển với tốc độ cao và có thể đáp ứng "mọi yêu cầu gia tăng quân sự" cũng như mọi nhu cầu phúc lợi và xã hội.

"Có những vấn đề, nhưng thật không may, các vấn đề hiện đồng hành với hầu hết các quốc gia trên thế giới", ông nói. "Tình hình được đánh giá là ổn định và có biên độ an toàn".

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Brian Hughes, khi trả lời các câu hỏi của Reuters, cho biết rằng ông Trump "tập trung vào việc chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này" bằng cách thu hút nhiều bên liên quan.

Trong những tuần gần đây, các cố vấn của ông Trump đã rút lại lời tuyên bố của ông rằng cuộc chiến kéo dài ba năm có thể được giải quyết trong một ngày.

Chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của ông Trump, chính quyền của tổng thống Hoa Kỳ mãn nhiệm Joe Biden đã áp đặt gói trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào doanh thu dầu khí của Nga, một động thái mà cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan, nói sẽ tạo đòn bẩy cho ông Trump trong bất kỳ cuộc đàm phán nào bằng cách gây áp lực kinh tế lên Nga.

Ông Putin đã nói rằng Nga có thể chiến đấu cho đến khi nào cần thiết và rằng Moscow sẽ không bao giờ khuất phục trước một thế lực khác vì các lợi ích quốc gia chính yếu.

Nền kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD của Nga cho đến nay đã cho thấy sức bền đáng kinh ngạc trong chiến tranh, và ông Putin đã ca ngợi các quan chức kinh tế hàng đầu và doanh nghiệp vì đã lách được các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất của phương Tây từng áp đặt đối với một nền kinh tế lớn.

Sau khi suy giảm vào năm 2022, GDP của Nga đã tăng trưởng nhanh hơn Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ vào năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, năm nay, ngân hàng trung ương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng dưới 1,5% trong khi chính phủ Nga dự báo triển vọng tươi sáng hơn một chút.

Lạm phát đã nhích lên hai chữ số mặc dù ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất lên 21% vào tháng 10.

"Có một số vấn đề ở đây, cụ thể là lạm phát, một sự quá nóng nhất định của nền kinh tế", ông Putin nói trong một cuộc họp báo thường niên vào ngày 19/12. "Chính phủ và ngân hàng trung ương đã được giao nhiệm vụ hạ nhiệt", ông nói.

Năm ngoái, Nga đã đạt được những thành tựu về lãnh thổ quan trọng nhất kể từ những ngày đầu của cuộc chiến và hiện kiểm soát gần một phần năm Ukraine.

Theo một trong những nguồn tin biết về suy nghĩ tại Điện Kremlin, ông Putin tin rằng các mục tiêu chiến tranh quan trọng đã đạt được, bao gồm kiểm soát vùng đất nối liền lục địa Nga với Crimea và làm suy yếu quân đội Ukraine.

Nguồn tin cho biết rằng tổng thống Nga cũng nhận ra sức ép mà chiến tranh đang gây ra cho nền kinh tế, khi đề cập đến "những vấn đề thực sự lớn" như tác động của lãi suất cao đối với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp phi quân sự.

Nga đã tăng chi tiêu quốc phòng lên mức cao nhất sau thời Xô Viết, đến mức 6,3% GDP trong năm nay, vốn chiếm một phần ba chi tiêu ngân sách. Chi tiêu này đã gây ra lạm phát. Cùng với tình trạng thiếu hụt lao động thời chiến, nó đã thúc đẩy tiền lương tăng cao hơn.

Trên hết, chính phủ đã tìm cách tăng doanh thu thuế để giảm thâm hụt tài chính.

Sự thất vọng của ông Putin thể hiện rõ tại cuộc họp ở Điện Kremlin với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào tối ngày 16/12, khi ông mắng mỏ các quan chức kinh tế hàng đầu, theo hai nguồn tin, những người có hiểu biết về các cuộc thảo luận về nền kinh tế tại Điện Kremlin và chính phủ Nga.

Ông Putin hôm 22/1 đã nói trong các bình luận trên truyền hình với các bộ trưởng rằng ông đã thảo luận gần đây với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về rủi ro của việc giảm hoạt động tín dụng đối với tăng trưởng dài hạn, trong một sự ám chỉ rõ ràng đến cuộc họp vào tháng 12.

Một số doanh nhân quyền lực nhất của Nga, bao gồm Tổng giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin, Tổng giám đốc điều hành Rostec Sergei Chemezov, ông trùm nhôm Oleg Deripaska, và Alexei Mordashov, cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất thép Severstal, đã công khai chỉ trích lãi suất cao.

Trong bình luận ngày 19/12, ông Putin đã kêu gọi một "quyết định về lãi suất cân bằng". Ngày hôm sau, tại cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm, ngân hàng trung ương đã giữ nguyên lãi suất ở mức 21% bất chấp kỳ vọng thị trường rằng nó sẽ tăng 200 điểm cơ bản.