Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 22/1 tuyên bố sẽ bổ sung thêm thuế quan vào lời đe dọa chế tài đối với Nga nếu nước này không đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và nói thêm rằng những biện pháp này cũng có thể được áp dụng cho “các quốc gia khác có tham gia”.
Trong một bài đăng trên Truth Social, ông Trump bổ sung phát biểu mà ông đưa ra hôm 21/1 rằng ông có khả năng sẽ áp đặt các chế tài đối với Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin từ chối đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba năm.
“Nếu chúng ta không sớm đạt được ‘thỏa thuận’, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp Thuế, Thuế quan và các Chế tài cao đối với bất kỳ thứ gì mà Nga bán cho Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tham gia khác”, ông Trump nói.
Bài đăng của ông Trump không nêu rõ các quốc gia mà ông coi là bên tham gia vào cuộc xung đột hoặc cách ông định nghĩa về sự tham gia đó.
Chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden đã áp đặt các chế tài nặng nề đối với hàng nghìn thực thể trong lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng, sản xuất, năng lượng, công nghệ và các lĩnh vực khác của Nga kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Moscow vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và biến các thành phố thành đống đổ nát.
Phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Dmitry Polyanskiy cho biết Moscow sẽ phải xem ông Trump nghĩ gì về một “thỏa thuận” chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
“Không chỉ đơn thuần là vấn đề chấm dứt chiến tranh”, ông Polyanskiy nói với Reuters. “Trước hết và quan trọng nhất là vấn đề giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Trước thềm chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11, ông Trump đã tuyên bố hàng chục lần rằng ông sẽ có một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, nếu không muốn nói là trước đó. Nhưng các phụ tá của ông Trump đã thừa nhận rằng một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh có thể mất nhiều tháng hoặc lâu hơn.
Đầu tháng này, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã áp dụng các chế tài mạnh nhất từ trước đến nay đối với doanh thu năng lượng của Nga, nhắm vào các nhà sản xuất dầu khí Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như 183 tàu thuộc cái gọi là đội tàu trong bóng tối chở dầu nhằm trốn tránh các lệnh hạn chế thương mại khác của phương Tây.
Các mối đe dọa về chế tài và thuế quan
Ông Trump đã tìm cách sử dụng mối đe dọa về thuế quan để đạt được các mục tiêu phi thương mại, bao gồm đe dọa Mexico, Canada và Trung Quốc bằng các mức thuế để thúc đẩy họ ngăn chặn tình trạng di dân bất hợp pháp và dòng chảy của fentanyl gây chết người vào Hoa Kỳ.
Ba quốc gia này là những đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Nhưng Nga lại ở rất xa trong danh sách, với lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Nga giảm xuống chỉ còn 2,9 tỷ đô la trong 11 tháng đầu năm 2024 từ mức 29,6 tỷ đô la vào năm 2021.
Hoa Kỳ đã ngừng nhập khẩu dầu của Nga sau cuộc xâm lược của nước này, nhưng vẫn nhập khẩu một số kim loại quý, bao gồm palladium được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác ô tô.
Đối với những bên tham gia khác, chính quyền Biden đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các thực thể ở Trung Quốc, Triều Tiên và Iran vì đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga.
Ông Trump cho biết ông “sẽ dành cho Nga, nền kinh tế đang suy yếu, và Tổng thống Putin, một ĐẶC ÂN rất lớn. Hãy giải quyết ngay bây giờ và DỪNG Cuộc chiến vô lý này lại!”
Lập trường đàm phán của hai bên tham chiến vẫn còn cách xa nhau, và một số người Ukraine lo ngại rằng họ có thể buộc phải đưa ra những nhượng bộ lớn sau ba năm giao tranh tàn khốc.
Cuộc xung đột đã phát triển thành một cuộc chiến tranh tiêu hao chủ yếu diễn ra dọc theo các tuyến đầu ở miền đông Ukraine, với số lượng thương vong khổng lồ ở cả hai bên.
Diễn đàn