Ông Lương Cường – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam – vừa gửi Thông điệp chúc Tết Ất Tỵ và nội dung vẫn thế, vẫn là bất kể những khó khăn, bế tắc về kinh tế, xã hội mà ai cũng thấy, cũng cảm nhận để khẳng định vô bằng, rằng năm vừa qua, đảng của ông đã dẫn dắt xứ sở “gặt hái được nhiều thành tựu rất đáng tự hào”, chẳng hạn “tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được tăng cường, đối ngoại mở rộng, được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao...” [1].
Cứ như ông Cường khẳng định thì hàng triệu người Việt sử dụng Internet để bày tỏ những băn khoăn về chuyện càng ngày càng chật vật, khó sống trước đủ loại khó khăn bủa vây là không... thành thật, họ thiếu... hiểu biết, chẳng chịu... lạc quan về tiền đồ tươi sáng của chính họ? Ông Cường và đảng của ông, nhà nước của ông vẫn thế, vẫn nói lấy được và tiếp tục tô vẽ cho “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh và thịnh vượng” mà ông Tô Lâm vừa bày ra! Xem Thông điệp chúc Tết Ất Tỵ của ông Cường, người viết bài này bỗng nhiên nhớ tới ông Vũ Văn Vương...
Cách nay chừng hai tuần, ông Vương, 52 tuổi, ngụ ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đã giết bà mẹ liệt giường nhiều năm, bà vợ 50 tuổi, con gái 19 tuổi, con trai 17 tuổi, rồi uống thuốc ngủ để tự sát nhưng không chết. Khi bị bắt, ông Vương khai ông làm như thế là vì muốn giải thoát cho mình và người thân khỏi bế tắc vì quá nghèo [2]. Vụ án vừa kể làm xã hội rúng động và sau đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam lên tiếng cải chính, rằng “gia đình bị can Vũ Văn Vương không phải hộ nghèo” [3]. Hóa ra sau một thập niên, tại Việt Nam, “nghèo” vẫn là một thứ tiêu chuẩn không dễ để... đạt!
Đầu năm 2013, xã hội Việt Nam từng rúng động trước sự kiện bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ngụ tại xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau treo cổ, tự kết liễu sinh mạng với hy vọng tổng thu nhập/tháng của cả gia đình sẽ giảm, nhờ vậy sẽ đạt tiêu chuẩn... “hộ nghèo”, ba đứa con của bà sẽ được giảm hoặc may mắn hơn, được miễn học phí, đặc biệt đứa con trai lớn không phải bỏ dở chương trình đào tạo của Cao đẳng Dầu khí ở Vũng Tàu! Mang bệnh nan y, không tiền chạy chữa, trong thư tuyệt mạng, bà Nhân nhắn với chồng con rằng, bà tự tử là lối thoát duy nhất cho cả gia đình, bà mong các con cố gắng tận dụng cơ hội dành cho “hộ nghèo”, nỗ lực vươn lên [4]!
Thực tế suốt từ đó đến nay cho thấy, con đường mà bà Nhân lựa chọn – tự sát để con cái có thêm điều kiện học hành cũng không phải là lối thoát! Số thanh niên tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thậm chí cao học nhưng thất nghiệp càng ngày càng lớn. Theo thời gian, vấn nạn thất nghiệp của nhóm có học vấn cao càng ngày càng thêm trầm trọng. Chẳng lẽ ông Cường và đảng của ông vô can khi nỗ lực học hành cũng không phải là lối thoát để thay đổi số phận, chẳng phải hàng trăm ngàn cá nhân mà còn có thêm hàng trăm ngàn gia đình lún sâu trong khốn cùng? Sự học thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí nhuốm cả máu mà vẫn vô vọng là một loại “thành tựu đáng tự hào”?
Khi bi bô về “tốc độ tăng trưởng kinh tế”, về “đời sống vật chất và tinh thần”, về an ninh - trật tự - quốc phòng – đối ngoại, ông Cường quên nhiều thứ. Cũng ngay trước Tết, người ta vớt được thi thể một phụ nữ 25 tuổi, ngụ ở phường Long Bình, Thủ Đức, TP.HCM. Cô có cha bị ung thư, mẹ bị phong thấp, dành dụm, vay mượn với hy vọng có thể tìm thấy cơ hội đổi đời nhưng cuối cùng bị lừa sạch số tiền 200 triệu qua Internet. Sau khi trình báo công an, cô thất vọng hơn nên gieo mình xuống sông Đồng Nai [5]. Năm vừa qua, có hàng triệu người bị lừa, mất sạch mọi thứ như thế song chính quyền không thể ngăn chặn. Dồn toàn bộ tâm lực, sức lực vào việc săn tìm, trấn áp những người dám bình phẩm đường lối, chính sách trên Internet mặc cho tội phạm qua mạng Internet lộng hành liệu có hợp lý? Ai cần sự “ổn định” ấy?
Trong thống kê mà Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) công bố tháng trước (12/2024) về thực trạng doanh giới tại Việt Nam trong 11 tháng đầu của 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, hơn 173.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 15.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường [6]. Cái gọi là “tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu thế giới” vẫn có ý nghĩa trước những số liệu như vừa đề cập?
Trước đó một tháng (11/2024), khi giải trình với Quốc hội, Bộ KHĐT từng nhận định, thực trạng vừa đề cập vẫn là hậu quả của thể chế, pháp luật. Vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa được khắc phục triệt để. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh... trong một số lĩnh vực có lúc, có nơi còn chưa thống nhất. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao. Sức cầu trong nước phục hồi chậm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Một bộ phận doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, thiếu nguồn lực để tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh [7].
Cũng chỉ cách nay vài tháng, có đại biểu quốc hội đã liệt kê hàng loạt khó khăn đang tác động trực tiếp không chỉ đến doanh giới mà còn khiến dân chúng khốn đốn: Lạm phát – vật giá gia tăng. Tỉ lệ thất nghiệp tăng. Chênh lệch thu nhập giữa các vùng miền và các nhóm dân cư càng ngày càng lớn, đặc biệt là giữa khu vực đô thị và nông thôn. Chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội chiếm khoảng 2,8% GDP trong năm 2024 nhưng hiệu quả còn hạn chế do sự phân bổ nguồn lực chưa đồng đều và việc giám sát thực hiện chưa chặt chẽ. Người nghèo ở vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận đầy đủ với các chính sách hỗ trợ vẫn là vấn đề chưa được giải quyết [8].
Nếu ông Cường và đảng của ông vẫn ưỡn ngực cho rằng thực trạng như đã biết và đang thấy là “thành tựu đáng tự hào” thì năm mới có gì đáng để trông chờ?
Chú thích
[2] https://laodong.vn/phap-luat/qua-trinh-gay-an-cua-nghi-pham-vu-4-nguoi-tu-vong-o-ha-noi-1452146.ldo
[4] http://tuoitre.vn/nguoi-me-tu-van-vi-chong-con-chinh-quyen-dia-phuong-co-loi-545422.htm