Đường dẫn truy cập

Nghị quyết 57 với Hội nghị toàn quốc về khoa học công nghệ


Hình minh hoạ.
Hình minh hoạ.

Dân chủ hóa khoa học, công nghệ (KHCN) và cải cách thể chế thực chất, đồng bộ phải chăng là những điều kiện tiên quyết nếu Việt Nam thực sự quyết tâm tháo cả “then” lẫn “chốt” để giải phóng khoa học và công nghệ?

Nghị quyết 57 về Khoa học Công nghệ (KHCN) được Bộ Chính trị ban hành cách đây gần một tháng, đã trở thành chủ đề chính tại Hội nghị toàn quốc về khoa học và công nghệ lần này. Với gần 1 triệu người tham dự trực tiếp và trực tuyến – con số chính xác là 978.500 đại biểu – quy mô của Hội nghị có thể nói là rất ấn tượng [1]. Nhưng liệu một sự kiện hoành tráng như vậy có đồng nghĩa với sự quan tâm thực chất của Nhà nước đối với KHCN? Nếu thực sự ưu tiên KHCN như đã khẳng định, liệu có cần phải chờ tới 60 năm mới tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai? Đây là một điều khiến không ít người phải suy nghĩ, và nếu đặt vào bối cảnh hiện tại, có thể thấy chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa KHCN trở thành động lực thực sự cho sự phát triển.

Một cảm nghĩ khác về Hội nghị, là việc phổ biến và quán triệt Nghị quyết 57 – với toàn văn gần 6.000 chữ và bài phát biểu của Tổng Bí thư dài 4.000 chữ nữa – đặt ra câu hỏi về hiệu quả truyền tải. Liệu có bao nhiêu đại biểu, trong gần 1 triệu người tham gia, đủ kiên nhẫn và thời gian để nắm bắt toàn bộ nội dung? Đây là một vấn đề về cách thức thực thi, bởi ngay cả một Nghị quyết sáng suốt cũng có thể trở nên khó tiếp cận nếu không được truyền đạt hiệu quả. Cảm nhận tiếp theo, sự so sánh Nghị quyết 57 với “Khoán 10” dường như là một phép ví von chưa thực sự thỏa đáng [2]. Dẫu biết rằng so sánh là cách để dễ hình dung, nhưng đặt hai lĩnh vực khác nhau vào cùng một hệ quy chiếu có thể làm giảm giá trị của cả hai.

“Cười ra nước mắt” chuyện GS. Lương Định Của

Trong nội dung Nghị quyết cũng như bài phát biểu của Tổng Bí thư, chưa thấy một đánh giá toàn diện về những bài học chưa thành công của Nghị quyết 157 trước đây. Nếu không nghiêm túc nhìn lại những nguyên nhân khiến một Nghị quyết then chốt như vậy không phát huy được hiệu quả, thì làm sao có thể rút kinh nghiệm để đảm bảo thành công cho Nghị quyết lần này? [3] Trong các phản biện nghiêm túc đối với Nghị quyết lần này, có những bài viết đáng chú ý từ các tác giả gạo cội như TS. Nguyễn Ngọc Chu. TS. Nguyễn Ngọc Chu hoan nghênh “thí điểm mời chuyên gia bên ngoài làm lãnh đạo viện, trường” và việc giải phóng nội lực [4]. Tuy nhiên, những gì hiện nay được xem là đổi mới thì thực tế, các thế hệ lãnh đạo trước đây cũng đã triển khai. Việc mời chuyên gia nước ngoài và cho phép lãnh đạo cơ sở khoa học không cần là đảng viên thực chất không còn mới mẻ.

Nhằm bổ sung thêm ý kiến, TS-BS Đinh Đức Long đã nhắc lại một câu chuyện “cười ra nước mắt” về nhà khoa học Lương Định Của. Học hỏi từ người Nhật, nổi tiếng với kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, quả thật là lựa chọn hợp lý. Khi đoàn chuyên gia Nhật Bản đến Hà Nội, phía Việt Nam đã cử nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu, Giáo sư Lương Định Của, tiếp đón và làm việc cùng đoàn. Một tình huống bất ngờ đã xảy ra. Ngay khi vừa nhìn thấy Giáo sư Của, hai thành viên lãnh đạo của đoàn Nhật liền cúi đầu chào lễ phép, rồi quay sang lãnh đạo Việt Nam mà nói: “Đây là thầy dạy chúng tôi thời còn là sinh viên. Các ngài có Giáo sư Lương Định Của rồi thì cần gì đến chúng tôi nữa!” [5]

Câu nói này khiến phía Việt Nam lúng túng, bởi không ai ngờ rằng người thầy của những chuyên gia Nhật lại chính là nhà khoa học của chúng ta. Nhưng đúng như câu tục ngữ xưa, “Bụt chùa nhà không thiêng.” Giáo sư Lương Định Của – một tên tuổi lớn, một trí thức uyên bác – tuy nổi tiếng trên quê hương mình, nhưng chế độ đãi ngộ đối với ông vẫn còn là câu hỏi cần bàn. Câu chuyện này, dù “xưa như Diễm,” vẫn luôn khiến chúng ta suy ngẫm [6]. Nó không chỉ phản ánh thực trạng về sự coi trọng chất xám trong nước, mà còn là bài học nhắc nhở về việc sử dụng và tôn vinh nhân tài một cách xứng đáng, nhất là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Dân chủ hóa và cải cách thể chế

Muốn quyết tâm tháo cả “then” lẫn “chốt” để giải phóng khoa học và công nghệ, không thể không dân chủ hóa KHCN và cải cách thể chế! Dân chủ hóa ở đây là một quá trình nhằm làm cho KHCN trở nên dễ tiếp cận, bình đẳng và phục vụ lợi ích của toàn xã hội [7]. Khái niệm này có thể được hiểu qua các khía cạnh chính: a) Tiếp cận công bằng: Mọi người, bất kể hoàn cảnh kinh tế, xã hội hay địa lý, đều có quyền được tiếp cận với các thành tựu KHCN, chẳng hạn như internet, y tế công nghệ cao hoặc giáo dục trực tuyến. b) Phổ biến kiến thức khoa học: Kiến thức khoa học không chỉ nằm trong các cơ quan nghiên cứu mà cần được truyền tải đến công chúng thông qua truyền thông, giáo dục và các chương trình phổ cập kiến thức. c) Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng: Các cá nhân, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương nên được khuyến khích tham gia vào các quá trình nghiên cứu, đổi mới và quyết định liên quan đến KHCN. d) Ứng dụng vào đời sống: Công nghệ phải được áp dụng để cải thiện đời sống hàng ngày, từ hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất đến cung cấp giải pháp y tế hiện đại cho người dân vùng sâu, vùng xa. e) Giảm bớt sự độc quyền: Cần hạn chế tình trạng KHCN bị kiểm soát bởi một số ít tập đoàn lớn hoặc các nhóm lợi ích, để đảm bảo lợi ích chung cho xã hội.

Song song với dân chủ hóa KHCN, cải cách thể chế thực chất và đồng bộ là yếu tố quyết định [8]. Cải cách thể chế là quá trình đổi mới các quy tắc, chính sách và cơ chế vận hành của hệ thống nhằm tạo ra sự minh bạch, hiệu quả và công bằng hơn. Cải cách thực chất, đồng bộ mới có thể giải quyết tận gốc rễ. Cải cách thực chất đòi hỏi tập trung vào việc giải quyết các vấn đề cốt lõi, như: Xóa bỏ cơ chế “xin-cho”; Giảm thiểu tham nhũng; Nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền; Đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc tiếp cận các nguồn lực KHCN. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải đo lường hiệu quả dựa trên kết quả thực tế, thay vì dừng ở các văn bản hoặc khẩu hiệu hình thức. Ngoài ra, cần thúc đẩy sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội trong việc giám sát, phản biện chính sách và góp ý xây dựng hệ thống.

Cải cách đồng bộ yêu cầu các lĩnh vực như kinh tế, hành chính, pháp luật và giáo dục phải được tiến hành song song, tương thích với nhau. Điều này nhằm tránh tình trạng “chỗ tiến, chỗ lùi” hoặc các cải cách cục bộ làm cản trở lẫn nhau. Một số ưu tiên bao gồm: a) Phối hợp liên ngành: Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và các ngành. b) Nâng cao năng lực cán bộ: Đội ngũ cán bộ cần được đào tạo để thực thi chính sách một cách hiệu quả, minh bạch và công bằng. c) Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi: Khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. d) Lãnh đạo cần thay đổi tư duy từ “quản lý” sang “dẫn dắt” [9]. Thay vì chỉ kiểm soát, cần tạo điều kiện cho khoa học và công nghệ phát triển tự nhiên. Điều này đòi hỏi khuyến khích các ý tưởng táo bạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại. Hiện nay, ngân sách dành cho KHCN ở Việt Nam còn thấp và chưa tương xứng với các mục tiêu phát triển. Do đó, cần tăng cường đầu tư cả từ ngân sách công lẫn tư nhân, đồng thời phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả hơn để đạt được kết quả thiết thực.

***

Không thể phủ nhận rằng, Nghị quyết 57 – NQ/TW năm 2024 mang đến một tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam bứt phá trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhưng như lịch sử đã chứng minh, nếu thiếu đổi mới tư duy từ lãnh đạo, không cải cách thể chế và không tạo ra một môi trường dân chủ thực sự, thì những phong trào cách mạng KHCN vừa được khởi xướng cũng dễ rơi vào tình trạng ban đầu mạnh mẽ nhưng sau đó khó duy trì tiếp. Để tránh viễn cảnh ấy, Việt Nam cần hành động quyết liệt và thực chất hơn bao giờ hết. Biến những nghị quyết, lời hứa và khẩu hiệu thành những thành tựu cụ thể không chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo, mà còn là trách nhiệm với tương lai dân tộc trong kỷ nguyên số hóa và toàn cầu hóa.

Tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/hon-978500-dai-bieu-tham-du-hoi-nghi-toan-quoc-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-10225011310062349.htm

[2] https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-nghi-quyet-57-nqtw-giai-phong-su-sang-tao-post361826.html

[3] https://dangcongsan.vn/huong-toi-ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tuyen-giao/thong-tin-tu-lieu/tap-trung-suc-thuc-hien-cach-mang-ky-thuat-la-then-chot-555020.html

[4] https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/nguy%E1%BB%85n-ng%E1%BB%8Dc-chu-th%C3%AD-%C4%91i%E1%BB%83m-m%E1%BB%9Di-chuy%C3%AAn-gia-b%C3%AAn-ngo%C3%A0i-l%C3%A0m-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-vi%E1%BB%87n-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-v%C3%A0-gi/1021503589995328/

[5]https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=1612658619391428&id=100019419171653&rdid=hi5rW2sSDmwCe1xL#

[6] https://tuoitre.vn/vinh-biet-nguoi-vo-nhat-cua-giao-su-luong-dinh-cua-20220513160355986.htm

[7] https://research.aimultiple.com/it-democratization/

[8] https://daibieunhandan.vn/can-tinh-dong-bo-trong-cai-cach-the-che-post99627.html

[9] https://ocd.vn/10-tu-duy-quan-ly-tao-nen-nha-lanh-dao-xuat-sac/

  • 16x9 Image

    Hoàng Trường

    Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG