Một phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/2 cho biết việc liên lạc về cúm gia cầm đã trở nên đầy thách thức kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc này.
Khi được hỏi về thông tin liên lạc mà WHO nhận được từ Washington về đợt bùng phát H5N1, ông Christian Lindmeier đã trả lời trong một cuộc họp báo tại Geneva: "Việc liên lạc thực sự là một thách thức. Các cách thức liên lạc truyền thống đã bị cắt đứt". Ông từ chối giải thích thêm.
Một đợt bùng phát vi-rút H5N1 ở Hoa Kỳ đã lây nhiễm cho gần 70 người, chủ yếu là công nhân nông trại, kể từ tháng 4 năm 2024. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã báo cáo lần đầu tiên vào tuần trước rằng một chủng cúm gia cầm thứ hai đã được tìm thấy ở gia súc ở Nevada, một phát hiện làm gia tăng mối lo ngại về đợt bùng phát ở Hoa Kỳ.
Theo các quy tắc của WHO được gọi là Quy định Y tế Quốc tế (IHR), các quốc gia có nghĩa vụ ràng buộc phải liên lạc về các vấn đề y tế công cộng có khả năng vượt biên giới. Những nghĩa vụ này bao gồm thông báo ngay cho WHO về tình trạng khẩn cấp về y tế và các biện pháp về thương mại và đi lại.
Các quốc gia khác đã lên tiếng một cách riêng tư về việc Hoa Kỳ sẽ ngừng thông tin về các loại vi-rút mới nổi có thể trở thành đại dịch tiếp theo. "Nếu một quốc gia lớn như vậy không báo cáo nữa, thì thông điệp phát đi là gì?", một nhà ngoại giao phương Tây tại Geneva nói.
Argentina cũng cho biết họ có kế hoạch rút khỏi WHO, với lý do "có những khác biệt sâu sắc" liên quan đến việc quản lý các vấn đề sức khỏe của cơ quan này, đặc biệt là đại dịch COVID-19.