Người đứng đầu cơ quan AIDS của Liên hiệp quốc ngày 10/2 nói rằng số ca nhiễm HIV mới có thể tăng vọt gấp sáu lần vào năm 2029 nếu Hoa Kỳ ngừng hỗ trợ chương trình AIDS lớn nhất, cảnh báo rằng hàng triệu người có thể tử vong và các chủng kháng thuốc hơn của căn bệnh này có thể xuất hiện.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press, Giám đốc điều hành UNAIDS, Winnie Byanyima, cho biết số ca nhiễm HIV đã giảm trong những năm gần đây, với chỉ 1,3 triệu ca mới được ghi nhận vào năm 2023, giảm 60% kể từ khi virus đạt đỉnh vào năm 1995.
Nhưng kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ đóng băng mọi viện trợ nước ngoài trong 90 ngày, bà Byanyima nói các quan chức ước tính rằng đến năm 2029, có thể có 8,7 triệu người mới nhiễm HIV, số ca tử vong liên quan đến AIDS tăng gấp mười lần — lên 6,3 triệu — và thêm 3,4 triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi.
“Chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng của căn bệnh này”, bà Byanyima phát biểu từ Uganda. “Điều này sẽ cướp đi sinh mạng nếu chính phủ Hoa Kỳ không thay đổi quyết định và duy trì vai trò lãnh đạo của mình”, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng bà không có thẩm quyền chỉ trích bất kỳ chính sách nào của chính phủ.
Bà Byanyima đã cầu xin chính quyền Trump không cắt nguồn tài trợ đột ngột, điều mà bà cho là đã gây ra “hoảng loạn, sợ hãi và bối rối” ở nhiều quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi AIDS.
Tại Kenya, bà nói, 550 nhân viên phòng chống HIV đã bị sa thải ngay lập tức, trong khi hàng nghìn người khác ở Ethiopia đã bị sa thải, khiến các quan chức y tế không thể theo dõi được dịch bệnh.
Bà lưu ý rằng việc mất nguồn tài trợ của Hoa Kỳ cho các chương trình phòng chống HIV ở một số quốc gia là thảm khốc, với nguồn tài trợ bên ngoài, chủ yếu là từ Hoa Kỳ, chiếm khoảng 90% các chương trình của họ. Bà cho biết gần 400 triệu đô la được chuyển đến các quốc gia như Uganda, Mozambique và Tanzania.
“Chúng tôi có thể làm việc với (người Mỹ) về cách giảm đóng góp của họ nếu họ muốn giảm”, bà nói. Bà Byanyima mô tả việc Mỹ rút khỏi các nỗ lực phòng chống HIV toàn cầu là cuộc khủng hoảng lớn thứ hai mà lĩnh vực này từng phải đối mặt — sau nhiều năm trì hoãn mà các nước nghèo phải mất để có được thuốc kháng virus cứu sống đã có từ lâu ở các nước giàu.
Bà Byanyima cũng cho biết việc mất đi sự hỗ trợ của Mỹ trong các nỗ lực chống lại HIV diễn ra vào một thời điểm quan trọng khác, với sự ra đời của thứ mà bà gọi là “một công cụ phòng ngừa kỳ diệu” được gọi là lenacapavir, một loại vắc-xin tiêm hai lần một năm đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ hoàn toàn chống lại HIV ở phụ nữ và có hiệu quả gần như thế đối với nam giới.
Bà Byanyima nói việc sử dụng rộng rãi loại vắc-xin đó, cùng với các biện pháp can thiệp khác để ngăn chặn HIV, có thể giúp chấm dứt căn bệnh này như một vấn đề sức khỏe cộng đồng trong năm năm tới.
Bà cũng lưu ý rằng lenacapavir, được bán với tên gọi Sunlenca, được công ty Gilead của Mỹ chế tạo.
Bà Byanyima cho biết viện trợ quốc tế “đã giúp một công ty Mỹ đổi mới, đưa ra thứ gì đó sẽ mang lại cho họ hàng triệu triệu đô la, nhưng đồng thời ngăn ngừa các ca nhiễm mới ở phần còn lại của thế giới”. Bà nói việc đóng băng nguồn tài trợ của Hoa Kỳ không hợp lý về mặt kinh tế.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ xem xét lại vấn đề này, để hiểu rằng đây là việc có lợi cho cả hai bên”, bà nói, lưu ý rằng viện trợ nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 1% tổng ngân sách của Hoa Kỳ. “Tại sao bạn lại cần phải gây gián đoạn như vậy về 1% đó?”
Bà Byanyima nói cho đến nay, không có quốc gia hoặc nhà tài trợ nào khác đứng ra lấp đầy khoảng trống do việc mất viện trợ của Hoa Kỳ để lại, nhưng bà có kế hoạch đến thăm nhiều thủ đô châu Âu để nói chuyện với các nhà lãnh đạo toàn cầu.
“Sẽ có người chết vì các công cụ cứu sinh bị tước mất”, bà nói. “Tôi vẫn chưa nghe thấy bất kỳ quốc gia châu Âu nào cam kết vào cuộc, nhưng tôi biết họ đang lắng nghe và cố gắng xem họ có thể tham gia vào đâu vì họ quan tâm đến quyền, đến nhân loại”.
Diễn đàn