Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm đến 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm ngoái, tỷ lệ cao nhất trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, theo đánh giá dữ liệu công khai của Reuters. Thực tế này khiến quốc gia Đông Nam Á đối diện nguy cơ bị áp thuế đối ứng từ chính quyền Trump.
Tổng thống Hoa Kỳ hôm 13/2 đã công bố lộ trình áp thuế đối ứng đối với các nước có áp thuế lên hàng hoá của Mỹ. Các mức thuế quan này chưa có hiệu lực lập tức nhưng có thể bắt đầu được áp dụng trong vòng vài tuần khi nhóm thương mại và kinh tế của ông Trump nghiên cứu thuế quan song phương và các mối quan hệ thương mại, Reuters dẫn lời một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết.
Dự kiến, việc áp thuế mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường hàng đầu của nước này.
Quốc gia Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư nước ngoài sau khi chính quyền Trump đầu tiên bắt đầu cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh vào năm 2018, khiến các công ty đa quốc gia nước ngoài chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế của Mỹ.
Các tập đoàn lớn như Samsung Electronics của Hàn Quốc, nhà sản xuất theo hợp đồng Foxconn của Đài Loan đặt trụ sở tại Việt Nam. Các công ty Mỹ như Apple, nhà sản xuất chip Intel và gã khổng lồ về giày dép và quần áo Nike cũng nằm trong số các tập đoàn Mỹ đầu tư vào Việt Nam, biến nơi đây thành một trung tâm sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Dòng vốn đầu tư sản xuất ồ ạt đã biến quốc gia do Cộng sản lãnh đạo trở thành một nút thắt chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy đáng kể mối quan hệ kinh tế với Mỹ. Theo dữ liệu của hải quan Việt Nam, hiện Việt Nam chuyển 29% lượng hàng xuất khẩu sang quốc gia cựu thù.
Năm ngoái, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trị giá 142,4 tỷ đô la, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ sáu sang Hoa Kỳ, sau Mexico, Trung Quốc, Canada, Đức và Nhật Bản, theo số liệu thống kê thương mại hàng hóa của Liên Hiệp Quốc.
Theo ước tính của IMF, lượng hàng xuất khẩu này của Việt Nam sang Mỹ vào năm ngoái chiếm khoảng 30% GDP của Việt Nam (468 tỷ đô la), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.
Chỉ có Mexico, quốc gia đang phải đối mặt với các mối đe dọa rõ ràng từ ông Trump về mức thuế quan 25% là có tỷ lệ tương đương. Mexico có tổng giá trị xuất khẩu chiếm 27,6% GDP của nước này, mặc dù lượng hàng hoá vận chuyển của Mexico sang Mỹ nhiều hơn gấp ba lần so với Việt Nam.
So với một vài nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc, có tỷ lệ xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng 2,5% GDP của nước này, còn Nhật Bản là 3,7% GDP.
Thêm vào đó, nguy cơ đối với Việt Nam còn nghiêm trọng hơn vì tình trạng mất cân bằng thương mại cao, khiến Việt Nam trở nên nổi bật khi các quan chức Hoa Kỳ nghiên cứu việc áp thuế quan đối ứng.
Theo dữ liệu thương mại của Hoa Kỳ, xuất khẩu của Việt Nam, kết hợp với lượng nhập khẩu hạn chế từ Mỹ, đã khiến Việt Nam trở thành đối tác có thặng dư thương mại lớn thứ tư của Mỹ vào năm ngoái, chỉ sau Trung Quốc, EU gồm 27 quốc gia và Mexico.
Sayaka Shiba, một nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu BMI, được Reuters dẫn lời nhận định rằng Việt Nam cũng “hội đủ (các) tiêu chí khác bị áp dụng thuế quan do Nhà Trắng đặt ra”, đồng thời lưu ý rằng so với Hoa Kỳ, Việt Nam áp thuế nhập khẩu cao hơn, đánh thuế VAT, có các rào cản phi thương mại và nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ về khả năng thao túng tiền tệ.
Các biện pháp tránh thuế quan Mỹ
Các quan chức Việt Nam và các công ty nước ngoài tại Việt Nam đang tìm cách để đối phó với mối đe dọa bị áp thuế đối ứng từ Mỹ. Theo một cuộc khảo sát của Reuters, hầu hết các nhà sản xuất Mỹ tại Việt Nam đều dự kiến sẽ có sự gián đoạn và bắt buộc phải sa thải nhân công nếu bị chính quyến Trump áp thuế mới.
Một số biện pháp đã được các quan chức Việt Nam nêu ra hoặc đang xem xét, bao gồm:
Thuế, rào cản phi thương mại
Nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng mức thuế của Việt Nam đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ cao hơn mức thuế mà Hoa Kỳ áp dụng lên hàng hoá Việt Nam. Việt Nam cũng áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa Mỹ. Cả hai đều là tiêu chí để ông Trump có thể xem xét áp dụng thuế đối ứng.
Việt Nam đã ra tín hiệu cởi mở để tìm kiếm sự thỏa hiệp. Tuy nhiên, theo Reuters, việc giảm thuế đối với hàng hóa của Mỹ có thể buộc Việt Nam phải giảm thuế đối với các đối tác thương mại khác theo các quy định hiện hành.
Các công ty Mỹ từ lâu cũng đã nêu lên mối quan ngại về các rào cản phi thương mại của Việt Nam, bao gồm các thủ tục phê duyệt dự án kéo dài, các yêu cầu pháp lý rườm rà và những rào cản đối với thị thực của người lao động.
Nhập khẩu năng lượng
Các quan chức Việt Nam đã nhiều lần thảo luận với các đối tác Hoa Kỳ về khả năng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Hoa Kỳ cho ngành công nghiệp LNG còn non trẻ của Việt Nam, nhưng vẫn chưa có bước đi cụ thể nào được thực hiện.
Quốc gia này cũng đang có kế hoạch khởi động lại chương trình điện hạt nhân và đang tìm kiếm các nhà cung cấp công nghệ năng lượng hạt nhân.
Nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam gần đây cho biết sẵn sàng nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Reuters, việc tăng nhập khẩu nông sản khó có thể điều chỉnh đáng kể tình trạng mất cân bằng thương mại vì tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Việt Nam từ Hoa Kỳ năm ngoái chỉ 3,4 tỷ đô la.
Trung chuyển, thép
Việt Nam từ lâu đã bị nghi ngờ là trung tâm chuyển tải hàng hóa Trung Quốc sang Hoa Kỳ do khối lượng hàng hóa trung gian khổng lồ mà nước này nhập khẩu từ Trung Quốc. Đối với một số sản phẩm như tấm pin mặt trời, Việt Nam đã bị Mỹ trừng phạt.
Vài ngày trước, Việt Nam đã ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc vì nước này phải đối mặt với nguy cơ bị áp thuế 25% đối với thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ ngoài thuế chống bán phá giá mà Washington đã áp dụng đối với thép của Việt Nam.
Quân sự, Starlink
Hà Nội đã đàm phán với các công ty quốc phòng Hoa Kỳ về khả năng mua thiết bị an ninh. Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức am tường cho biết các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn nâng cao đối với việc mua máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của công ty Mỹ Lockheed Martin.
Vào đầu tháng này, quốc hội Việt Nam cũng phê duyệt khuôn khổ pháp lý cho một chương trình thí điểm có thể cho phép Starlink của tỷ phú Elon Musk, người đang là cố vấn đầy quyền lực của Tổng thống Trump, cung cấp dịch vụ internet vệ tinh và an ninh tại Việt Nam.
Mua máy bay
Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam VietJet đã đồng ý mua 200 máy bay Boeing 737 MAX trong một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la được ký lần đầu tiên vào năm 2016 và được sửa đổi sau đó.
Hiện chưa có máy bay nào được giao mặc dù công ty Việt Nam nói họ dự kiến nhận được những chiếc máy bay đầu tiên vào năm ngoái. Phía Việt Nam cũng thể hiện khả năng mở rộng thỏa thuận nhưng không nêu chi tiết.
Chính sách tiền tệ
Ông Trump đã kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Nhà Trắng với tuyên bố của Bộ Tài chính rằng Việt Nam là nước thao túng tiền tệ.
Việt Nam hiện đang nằm trong danh sách theo dõi của Hoa Kỳ về các hành vi thao túng có thể xảy ra. Trong những tháng gần đây, ngân hàng trung ương đã để cho đồng Việt Nam yếu đi so với đồng đô la và các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của Việt Nam có thể báo hiệu ý định chấp nhận một đồng tiền thậm chí còn yếu hơn, theo nhận định của chuyên gia Adam Samdin của Oxford Economics.
Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái vẫn nằm trong phạm vi linh hoạt được phép và ngân hàng nhà nước Việt Nam đã tuyên bố sẽ theo dõi và điều chỉnh theo các chính sách của ông Trump.
Ngoại giao golf
Gần đây, Trump Organization, một tập đoàn thuộc sở hữu gia đình của Tổng thống Donald Trump, đã đồng ý phát triển một sân golf trị giá 1,5 tỷ đô la tại Việt Nam, đối tác địa phương của tổ chức này là Tập đoàn phát triển bất động sản Kinh Bắc City (KBC) cho biết vào tháng 10.
Thông cáo của Trump Organization gọi thương vụ này là “sự hợp tác chiến lược” với Tập đoàn Phát triển Hưng Yên, một công ty con của KBC.