Đường dẫn truy cập

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá lên thép Trung Quốc giữa làn sóng thuế quan từ Trump


Thép cuộn cán nóng được sản xuất tại nhà máy Sắt thép Trùng Khánh của Trung Quốc.
Thép cuộn cán nóng được sản xuất tại nhà máy Sắt thép Trùng Khánh của Trung Quốc.

Bộ Công Thương Việt Nam vừa công bố áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế từ 19,38% đến 27,83%, hơn một tuần sau khi chính quyền Trump ở Washington công bố áp dụng mức thuế 25% lên toàn bộ nhôm, thép nhập vào Mỹ, bắt đầu từ ngày 4/3.

Mức thuế mới sẽ có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ban hành (từ ngày 7/3) và có hiệu lực trong 120 ngày. Trong số các công ty bị áp thuế 27,83% có Baoshan Iron & Steel và Maanshan Iron & Steel. Tập đoàn sắt thép Quảng Tây Liuzhou sẽ phải đối mặt với mức thuế 19,38%, theo văn bản của Bộ Công thương.

Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Công thương bắt đầu tiến hành cuộc điều tra đối với thép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc và Ấn Độ kể từ tháng 7 năm ngoái. Kết quả điều tra xác nhận có hành vi bán phá giá. Tuy nhiên, vì tỷ trọng thép Ấn Độ trong số hàng nhập khẩu bị điều tra là dưới 3%, được coi là không đáng kể, nên được loại trừ khỏi biện pháp áp thuế chống bán phá giá tạm thời, theo Tuổi Trẻ.

Theo số liệu của hải quan Việt Nam, thép HRC nhập khẩu của Việt Nam đã tăng vọt lên 12,6 triệu tấn vào năm 2024, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn thép cán nóng, tăng 26% so với cùng kỳ 2023 và bằng 171% sản xuất trong nước, với 72% có nguồn gốc từ Trung Quốc, bất chấp cuộc điều tra chống bán phá giá đang diễn ra, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Tổng giá trị quặng sắt và thép cũng như các sản phẩm sắt và thép nhập khẩu từ Trung Quốc năm ngoái là gần 12 tỷ đô la, theo dữ liệu hải quan của Việt Nam.

Động thái đánh thuế lên thép Trung Quốc của Việt Nam diễn ra sau khi chính quyền Hoa Kỳ công bố mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu vào đầu tháng này, có hiệu lực vào ngày 4/3.

Dự kiến, việc Mỹ áp thuế 25% lên nhôm và thép nhập khẩu sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu nhôm, thép của Việt Nam.

Mỹ hiện là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024. Theo thống kê của hải quan Hoa Kỳ, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,462 tỷ USD thép và nhôm sang Mỹ, trong đó có 983 triệu USD thép và sản phẩm thép (tăng gần 159% so với năm 2023), 479 triệu USD sản phẩm nhôm (tăng 9,5% so với năm 2023).

Hôm 24/2, nhóm cổ phiếu thép của Việt Nam như HPG (Hòa Phát), HSG (Hoa Sen), NKG (Nam Kim), TVN (VNSteel), GDA (Tôn Đông Á)... đã đồng loạt tăng mạnh ngay đầu phiên giao dịch, được cho là do tác động của quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời lên thép Trung Quốc của Việt Nam.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG