Trước việc Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới, một số lân bang ở đông nam Châu Á lo ngại rằng con hổ kinh tế mới nhất trong vùng sẽ cướp các thị trường xuất khẩu và đầu tư nước ngoài lẽ ra đổ vào nước họ. Theo phái viên Roger Wilkison của đài VOA đang công tác tại Bangkok, việc Việt Nam gia nhập WTO được coi như hồi chuông cảnh tỉnh các nước đang cạnh tranh trong khu vực.
Thật vậy, cách đây 5 năm, các quốc gia ở Ðông Nam Châu Á, trong đó có nhiều nước còn đang hồi phục sau cơn khủng hoảng kinh tế năm 1997, đã bị chấn động vì việc Trung Quốc được kết nạp vào WTO. Nay đến lượt Việt Nam lại rung lên những hồi chuông nhắc nhở các nước láng giềng.
Việt Nam ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng năm ngoái là 8,4%, chỉ đứng sau có Trung quốc trong số các nước Á Châu. Và cũng như Trung Quốc và nhiều đối tác của Trung Quốc trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đã vận dụng một sự phối hợp lao động rẻ, đầu tư trực tiếp của nước ngoài, và công nghiệp thiên về xuất khẩu làm nhiên liệu cho sự tăng trưởng đó.
Ông Somphob Manarangsan, một giáo sư về kinh tế học tại trường đại học Thammasat ở Bangkok, cho rằng việc Việt Nam trở nên thành viên của WTO sẽ gây ảnh hưởng trong vùng.
“Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ mang tính cạnh tranh nhiều hơn, và có lợi thế cạnh tranh hơn là các nước ASEAN khác, nhất là Thái Lan.”
Theo ông Somphob, hai trong các công nghiệp xuất khẩu chính yếu của Thái Lan sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của Việt Nam: Ðó là các mặt hàng điện tử và thực phẩm chế biến. Và ông nói rằng Indonesia cũng phải đối đầu với sự cạnh tranh tương tự của Việt Nam trong các công nghiệp giầy dép và may mặc.
Tại sao Việt Nam lại sẽ được lợi thế như vậy trong sự cạnh tranh? Ông Somphob cho rằng bởi vì người Việt Nam đã đầu tư vào giáo dục, khoa học và kỹ thuật cao hơn rất nhiều so với hầu hết các nước ASEAN. Ông tiên liệu rằng trong vòng 5 năm, Việt Nam cũng sẽ cạnh tranh nhiều hơn trong ngành kỹ thuật thông tin và kỹ thuật sinh học.
Bởi lẽ mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, ông Somphob nói rằng nước ông phải tiến vào các công nghiệp có cơ sở dịch vụ là khu vực có nhiều phần chắc là đã chiếm ưu thế lâu nay, tỷ như du lịch và giải trí. Nhưng ông cũng lập luận rằng Thái Lan phải cải tiến hệ thống giáo dục của mình để cạnh tranh một cách hữu hiệu trong các mặt hàng sản xuất có giá trị cao, một lãnh vực chung cuộc có thể phải cạnh tranh với Việt Nam, cũng như Trung Quốc và Ấn Độ.
Singapore, một nền kinh tế dịch vụ hàng đầu ở Ðông nam Châu Á, đã tiếp tục tập trung vào các mặt hàng sản xuất có giá trị cao như chất bán dẫn. Nhưng ngay cả Singapore cũng đang lợi dụng lực lượng lao động rẻ tiền và cần cù của Việt Nam. Singapore là nguồn đầu tư nước ngoài đứng hàng thứ nhì của thành viên WTO mới nhất này, sau Đài Loan.